Từ cảnh nóng phim "Hoa nắng": Đã đến lúc phải “dán nhãn” phim truyền hình?

12/03/2012 13:30 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Tại Việt Nam, từ lâu, điện ảnh đã dán nhãn để phân loại những bộ phim có yếu tố tình dục, bạo lực “nặng đô”. Nhưng việc phân loại tương tự như vậy với phim truyền hình hầu như không được đề cập tới cho đến khi những “ca” khó xử kiểu Hoa nắng (phát sóng trên kênh VTV3) xảy ra…

Sau khi TT&VH đăng tải các bài viết liên quan tới cảnh “liếm rượu” trong phim Hoa nắng (xem TT&VH số 70, 71 ra ngày 10, 11/3/2012), đông đảo bạn đọc đã bày tỏ ý kiến về việc nên phân loại phim phát sóng trên truyền hình.

Vì thế, TT&VH tiếp tục phản ánh những trao đổi xung quanh ý kiến này.

* Nhà biên kịch Hồng Ngát: Phân loại khó khả thi

Nhà thơ - biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia. Bà cho rằng:

“Mới đây, Hội đồng duyệt phim quốc gia đã khá mạnh tay với một số phim nhập có cảnh tình dục, bạo lực, thậm chí kiên quyết không cho phép phổ biến phim. Có những phim khác thì phải cắt bớt những cảnh như vậy, hoặc phải phân loại độ tuổi, cấm khán giả dưới 16 tuổi. Điện ảnh đã phân loại, truyền hình cũng có thể làm như thế chăng? Nhưng vấn đề là trong một gia đình có khi chỉ có một cái tivi mà “cấm” thì khó quá, thậm chí vô tình tạo tò mò cho trẻ con. Hay việc có nhà trang bị mỗi phòng một cái tivi thì làm sao mà cấm được. Thực tế cuộc sống là như vậy, nên nếu có phân loại cũng khó khả thi.

Tuy nhiên, tôi thấy thực tế phim Hàn Quốc, Trung Quốc đề cập những câu chuyện giản dị, dàn dựng nhân văn, mềm mại, khơi sâu nội tâm nhân vật. Phim Việt không cần thiết cứ phải hấp dẫn khán giả với những “cảnh nóng”. Có thể quan niệm về việc hấp dẫn này của các đạo diễn chưa đúng, hay cho rằng cứ phải tình, tiền, tù, tội, cứ phải hở, mới hấp dẫn chăng? Theo quan niệm của tôi, hấp dẫn nhất là đào sâu vào tâm trạng con người, cách ứng xử tinh tế trong mọi quan hệ.

Việc đưa cảnh “liếm rượu” lên phim có thể là do quan niệm, song thiết nghĩ có thể tìm tòi cái gì kín đáo, sâu sắc hơn để thể hiện chăng? Theo trả lời của biên kịch Thu Huệ trên báo TT&VH, đó là cái cớ để phát triển tính cách nhân vật. Nói gì thì nói, quan trọng vẫn với ý đồ đó, đạo diễn thể hiện táo bạo hơn, nhưng kín đáo hơn thì sẽ tạo ấn tượng hơn”.

* Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Chỉ có thể phân loại nếu khán giả tự nguyện

“Theo tôi, các chương trình truyền hình nói chung và phim truyền hình nói riêng vẫn phải đáp ứng tiêu chí về thẩm mỹ và có những giá trị định hướng nội dung nhất định. Thực tế, nếu phim truyền hình được phân loại như phim điện ảnh thì tốt. Nhưng chắc chắn, điều đó không khả thi vì không thể bắt khán giả tự nguyện phân loại. Sẽ rất khó để thông báo rằng phim này chỉ dành cho đối tượng A hoặc B…

Xu hướng của truyền hình thế giới hiện nay phát triển theo mô hình truyền hình trả tiền. Khán giả sẽ phải trả tiền để xem các kênh chương trình mà họ quan tâm. Trong trường hợp đó, họ có thể chủ động quyết định chương trình nào phù hợp. Còn tại VN hiện nay, truyền hình hầu hết là phổ cập, miễn phí. Khán giả của truyền hình vẫn là khán giả chung. Như vậy, theo tôi, một giải pháp an toàn là các chương trình phát sóng đều phải được số đông chấp nhận và xem được. Hoặc chỉ có thể phải sắp xếp khung giờ chương trình theo thời gian đối tượng khán giả đông nhất mà thôi”.

* TS Mỹ học Thế Hùng: Giờ vàng phải chiếu phim cho số đông

“Phim truyền hình là món ăn tinh thần, là văn hóa giải trí. Nếu các đài truyền hình chiếu các bộ phim phản cảm, tức là không văn hóa. Theo tôi, những phim có cảnh nhạy cảm, phải được xử lý hoặc có chăng chiếu vào giờ khuya. Giờ vàng, giờ có đông khán giả thuộc mọi lứa tuổi, phải chiếu những phim có giá trị nhân văn.

Về việc phân loại phim truyền hình, theo tôi, với tình hình thực tế của Việt Nam chưa đến mức phải làm như vậy. Vì so với điện ảnh thế giới, chúng ta còn ở một khoảng cách quá xa. Nói chung, để hạn chế những hệ lụy không cần thiết, phim có cảnh nhạy cảm không nên chiếu vào giờ cho số đông, vì sẽ vô tình làm hỏng bọn trẻ.

Hơn nữa, vấn đề mấu chốt chính là nghệ thuật tiếp cận với một đề tài. Cách giải quyết của phim “ngoại”, trong đó có phim Mỹ, nhiều khi ở tầm thẩm mỹ cao hơn. Đạo diễn, diễn viên Việt theo đánh giá của tôi còn kém trong xử lý tình huống, diễn xuất. Việc phim Việt dùng “cảnh nóng” để tạo scandal thu hút khán giả cũng là do thẩm mỹ kém. Đó là một ứng xử thiếu văn hóa”.

Điều 35 Luật Điện ảnh quy định về việc Phát sóng phim trên hệ thống truyền hình: “Việc phát sóng phim trên hệ thống truyền hình phải bảo đảm các quy định sau đây: 1. Phim có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh/2. Bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và giờ phát sóng phim cho trẻ em theo quy định của Chính phủ”.

Ý kiến của bạn về cảnh phim nhạy cảm trong phim Hoa nắng, mời tham gia thăm dò ý kiến tại đây.

Hà Chi (lược ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm