15/07/2011 08:26 GMT+7
(TT&VH) - 1. Khi cuộc sống khá giả, thì chuyện vui chơi đặt lên hàng đầu. Còn trong tình hình giá cả leo lên, thu nhập tụt xuống hiện nay, người ta chủ yếu là lo đến cái ăn. Cái câu của cổ nhân “dân lấy ăn làm đầu” (dĩ thực vi tiên) hóa ra trúng phóc trong thời điểm này.
Bởi thế cũng dễ hiểu khi họp HĐND ở 2 thành phố lớn ở hai đầu đất nước đều bàn chủ yếu đến cái ăn. Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố có cách ví von đáng nhớ: “Giá thịt lợn tăng mạnh hơn vàng”. Dẫn chứng: giá thịt lợn tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong khi vàng chỉ tăng có 30%. Nghe mà rùng mình, cảm thấy như đĩa thịt trên mâm vừa bị “con mèo” lạm phát ăn vụng mất một nửa.
Giá thịt lợn tăng mạnh - Nguồn: Internet
Ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có câu phát biểu cũng ấn tượng không kém: “Hầu như những gì chúng ta ăn đều nhiễm độc cả”. Nghe lại rùng mình cái nữa, cảm giác như đĩa thịt, đĩa rau trên đường đến bàn ăn nhà mình đã bị những kẻ thù giấu mặt rắc chất độc vào như rắc hạt tiêu.
Cộng hai câu phát biểu nói trên, thì cả người nghèo, lẫn người trung lưu đều lâm nguy cả.
2. Ngẫm kĩ, phát biểu của ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM không có gì là “cường điệu”. Không chỉ riêng gì TP.HCM, người dân cả nước hầu hết đều mua lương thực, thực phẩm ngoài chợ quê, chợ cóc... Hầu hết những thứ được bày bán đều không được minh định về nguồn gốc xuất xứ (đăng ký thương hiệu, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, hay được kiểm định về mặt an toàn thực phẩm)... Trăm người bán, vạn người mua, ai cũng bảo “rau của nhà trồng”, “thịt của nhà nuôi”... Nhưng chữ tín ở chốn chợ búa giá trị như thế nào chúng ta đều biết. Thỉnh thoảng ngoài chợ xuất hiện “gạo lạ”, “cam lạ”, “quýt lạ”... chẳng ai biết từ đâu, nhưng vẫn ăn.
Xã hội từ chỗ tự cung tự cấp, hàng đổi hàng, chuyển sang thời kỳ văn minh hiện đại, hàng hóa tất nhiên phải theo các tiêu chuẩn chất lượng chung, có “dấu má” xác nhận đàng hoàng. Về nguyên tắc, mọi thứ hàng hóa chưa đăng ký và chưa được kiểm định đều không được phép bày bán dưới bất kỳ hình thức nào. Điều bình thường đó ở bên Tây hóa ra lại là điều xa xỉ ở ta.
Vì thế, chúng ta không thể nào “dựng nên được một hàng rào” để ngăn “tất cả những gì độc hại sẽ không vào được thành phố của chúng ta” như mong muốn của ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM mà vấn đề cơ bản là phải thay đổi từ cách thức sản xuất đến thói quen mua bán, để từng bước, mọi thứ thực phẩm đều là những thương hiệu được đăng ký, kiểm định, đóng gói, đóng chai trước khi đưa ra thị trường.
Còn nếu không, có dựng lên cả một “hàng rào” thanh tra an toàn thực phẩm, đến gác ở các chợ cũng không thể nào “test” được hết những gánh rau, những phản thịt ven đường... Mà khi cái gì cũng độc cả thì người ta biết mua và ăn cái gì bây giờ khi giá cả leo thang như thế?
Ngô Khởi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất