Nỗi tuyệt vọng của dân nghèo gần tâm dịch Ebola

15/08/2014 07:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đứng từ đỉnh một ngọn đồi cao và nhìn xuống màu vàng cam tràn ngập của kim loại rỉ sét trên các mái nhà thuộc khu ổ chuột lớn nhất Freetown (thủ đô Sierra Leone), thật khó để tưởng tượng một nơi nào khác trang bị tồi hơn nơi đây trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola.

Kroo Bay, một khu ổ chuột nằm trước bãi biển có 15.000 người đang chen nhau sống, là biểu tượng của mối đe dọa do dịch bệnh mang tới mà thủ đô Sierra Leone đang đối mặt.

"Ai cũng lo sợ"

"Đây là một khu ổ chuột. Nơi đây có rất nhiều rãnh thoát nước, vi khuẩn và tế bào nguy hại. Chưa tính tới Ebola, chúng tôi đã có rất nhiều vấn đề trong cộng đồng này " - Hassan Sesay, 38 tuổi, cha đẻ của 6 đứa con và đã nhiều năm sống ở Kroo Bay, cho biết.

Con số người tử vong trong trận bùng dịch Ebola lớn nhất 4 thập kỷ qua hiện dừng ở mức 1.069 người. Gần 2.000 người đã mắc bệnh tại Sierra Leone, Guinea và Liberia. Freetown, một thành phố quá tải với 1,2 triệu người sinh sống, cho tới nay vẫn tránh được đại dịch.


Cuộc sống thiếu thốn đủ đường ở khu ổ chuột Kroo Bay

Phần lớn trong số 783 cư dân Sierra Leone nhiễm virus đang sống tại các khu vực rừng núi hẻo lánh ở phía Đông đất nước. Tuy nhiên hơn 30 nhân viên y tế của Freetown đã bị đưa vào cách ly trong tuần này, khiến người ta lo sợ một đợt bùng dịch mới sắp xuất hiện và sẽ tấn công thành phố.

Trong khi nghèo đói là mối quan tâm lớn nhất ở nơi đây kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài từ 1991 tới 2002, cư dân đều nói rằng giờ họ rất sợ sẽ bị nhiễm bệnh. "Ai cũng e ngại về những gì Ebola có thể tác động tới con người" - chị Moussu Diallo, 20 tuổi, chia sẻ - "Tôi chưa từng thấy người nhiễm virus, nhưng tôi rất lo cho con cái mình".

Nơi có tuổi thọ thấp nhất nước

Kroo Bay được đặt tên theo những di cư tới từ bộ tộc Kru có gốc ở Liberia. Họ đã đến đây định cư trong những năm 1960.

Ngày hôm nay nơi này là chỗ trú ngụ của các ngư dân, thợ sửa giày, thợ hàn thiếc, người làm nồi niêu từ những chiếc xe đã hỏng, người làm bánh và thợ mộc... gần như là mọi đối tượng nghèo khổ ở Sierra Leone. Nơi đây con người sống chung với con vật. Những con lợn bẩn thỉu lang thang khắp khu ổ chuột, quết bùn lầy lên những lối đi ẩm ướt mà người ta thường hay qua lại. Không gian quá chật chội của khu ổ chuột khiến phụ nữ phải tắm ngoài đường còn trẻ em giặt quần áo trong mưa rào. Cả khu ổ chuột không có điện hoặc nước sạch. Nơi này cũng chỉ có  1 bệnh xá và 4 nhà vệ sinh.

Các cư dân giàu có hơn ở Freetown thi nhau đổ rác bên bờ sông Crocodile. Con sông này chảy qua Kroo Bay và hàng núi các loại nhựa phế thải đã theo đó mà dạt vào khu ổ chuột. Mưa trút xuống Freetown khoảng 6 tháng mỗi năm, khiến đây là thành phố ẩm ướt nhất thế giới. Khốn thay, Kroo Bay nằm ngay dưới chân một ngọn đồi cao mà thành phố được xây dựng ở trên.

Vì lẽ đó nước bẩn thường nhấn chìm khu ổ chuột vào mỗi mùa Hè, mang theo lũ chuột, bệnh sốt rét, dịch tả và các căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác. Bệnh dịch đã có lịch sử tàn phá nơi này như cháy rừng. Ví dụ một đợt bùng dịch tả cách đây 2 năm đã giết chết gần 400 người.

Sống trong điều kiện bẩn thỉu và khổ sở như thế, cũng dễ hiểu vì sao tuổi thọ trung bình của cư dân Kroo Bay rất thấp, chỉ khoảng 35 tuổi. Con số này thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình của đất nước. Nhưng bất chấp thực tế đó, Kroo Bay vẫn là nơi sôi động, giàu sức sống, cho tới trước khi Ebola xuất hiện.

Đặt niềm tin vào Thượng đế

Sinh viên kinh tế Mohamed Kamara, con trai một trưởng làng ở Kroo Bay, nói rằng trước đây anh và bạn bè thường tới gặp nhau. Nay việc này gần như đã chấm dứt. "Chúng tôi giờ chẳng đi đâu cả. Chúng tôi ngồi ở nhà nói về Ebola và cách căn bệnh lây lan" - chàng trai trẻ 24 tuổi chia sẻ với AFP - "Tôi phải ngồi ở nhà để không nhiễm bệnh".

El Hadji Abubakar, lãnh tụ Hồi giáo của khu ổ chuột cho biết người dân giờ chỉ ra khỏi nhà để thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Phần lớn họ đều đã quá sợ hãi trước việc bệnh dịch sẽ tìm tới mình. Người đàn ông 62 tuổi cũng cho biết khu ổ chuột được tuyên truyền rất kỹ về Ebola và cách phòng chống bệnh.

Tuy nhiên chẳng có dấu hiệu nào cho thấy người dân Kroo Bay đang triển khai các biện pháp đề phòng bệnh một cách cẩn mật, ngoài việc ở lỳ trong nhà. Nơi này chẳng có các thùng nước clo tẩy trùng, những chiếc găng tay latex như ở Freetown. Abubakar nói rằng có thể do người dân đã đặt niềm tin vào quyền lực của thần thánh trong việc chống Ebola. "Người dân vẫn tới thánh đường, hiển nhiên rồi. Họ tới và cầu nguyện trước Thượng đế" - ông nói.

Chính quyền Sierra Leone đã bị chỉ trích mạnh vì có phản ứng đối phó không tương xứng với đại dịch Ebola. Một vị quan chức bộ du lịch thậm chí còn bị báo chí lên án không thương tiếc, sau khi ông này kêu gọi các nhà báo ngừng đưa tin "tiêu cực" về đại dịch.

Sau khi Tổng thống Ernest Bai Koroma tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các vị bộ trưởng quả đã có phản ứng tích cực hơn. Tuy nhiên khi hãng tin AFP tìm cách phỏng vấn bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Y tế Sierra Leone, những người này đã không thể nghe điện thoại. Nguyên nhân của chuyện này chứa đầy sự nghiệt ngã: cả hai người đều đang tới lễ tang Modupeh Cole, một bác sĩ hàng đầu và là chuyên gia Ebola, đã qua đời hôm 13/8 sau khi nhiễm virus ở Freetown.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm