“Cơm thừa”, thịt chuột và những chuyện không muốn kể

22/07/2010 13:41 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bài viết về ông bạn nối khố, NSND Trọng Khôi, đã được họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đưa lên trang web cá nhân cách đây vài ngày. Và, sự tò mò của độc giả về những chi tiết “rợn người” trong câu chuyện là lý do khiến TT&VH phải tìm gặp NSND Trọng Khôi để hỏi thực hư.

1. Xin nói luôn, “rợn người” ở đây chẳng phải là chuyện gì tiêu cực. Đó chỉ là việc cách đây hơn 40 năm, ông Khôi và “đàn em” là NSND Trần Bình (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc VN) thường xuyên xuống tầng hầm Nhà hát Lớn để bắt chuột cống ăn cho đỡ đói. Chuột chạy nhanh, nên 2 ông NSND khi còn hàn vi phải săn bằng súng hơi. Rồi khi “thu hoạch”, họ lại hì hục làm lông, mổ thịt, ướp muối hành, sau đó điềm nhiên dùng món chuột cống với cơm nguội và rượu cuốc lủi.


Rồi trước đó, vì những chuyện yêu đương thời trẻ, NSND Trọng Khôi bị phê bình và đưa xuống bếp ăn tập thể của Nhà hát Kịch TƯ để nắm than, bổ củi, nhóm lò. Đói lả người trên sàn tập vì cuộc sống vất vả hồi bấy giờ, Trần Bình tìm tới ông và được “cứu trợ” qua ngày bằng những miếng cơm cháy vét đáy nồi.


“Ông Tỉnh là bạn thân tôi nên biết những chuyện đó, khổ cái là toàn nghe từng đoạn, từng đoạn trong các cuộc rượu nên thành... tam sao thất bản - NSND Trọng Khôi cười ha hả khi đọc bài viết. Tớ không muốn kể lại những chuyện ấy, nhưng đến nước này thì đành...”.

2. Ông Khôi kể: “Chuyện nói trên chỉ đúng một nửa sự thật. Đó là những năm của thập niên 1960, tôi phải làm nhiệm vụ quản lý nhà ăn tập thể tại đoàn kịch TƯ (chứ không phải là trực tiếp nắm than, bổ củi, nhóm lò). Khi ấy, tôi khoảng 25 tuổi, là diễn viên kịch và được phân tạm một căn phòng rộng... 7m2 dưới gầm cầu thang tại khu tập thể. Lúc bạn bè tới chơi, tiện vào buổi trưa, tôi hay mang cơm còn lại từ bếp ra đãi mọi người. Anh em cũng ăn nhiệt tình, chẳng khách sáo gì.

Nói công bằng, cơm ở bếp tập thể tuy mang tiếng là “cơm thừa” nhưng khá sạch sẽ, vì chủ yếu là cơm nguội và thức ăn dồn lại, lắm hôm có cả những suất ăn còn nguyên vì thiếu người. Bữa sang thì có chút thịt kho, cá khô, dưa, nước mắm, bữa nào “hẩm hiu” thì chỉ có canh, hoặc bổ sung mấy bát mì gạo nấu muối. Những năm 1960, chuyện ăn cơm “thừa” từ bếp tập thể như vậy là rất bình thường chứ không chỉ có mình tôi và bạn bè. Mọi người tiện bữa thì ăn luôn, chứ chẳng phải vì quá đói. Tôi chưa lần nào gặp Trần Bình trong cảnh đói lả đi như vậy. Nói công bằng, người có cuộc sống vất vả nhất trong số mấy anh em hồi đó là Lưu Quang Vũ. Vũ quả cũng có những lúc đói thật, anh em nhìn Vũ ăn mà phát thương. Ăn xong thì Vũ hay đọc thơ cho mọi người nghe.

Còn chuyện tôi và Trần Bình săn chuột cống ăn thì quả có thật. Lúc đó dưới tầng hầm của Nhà hát Lớn rất nhiều chuột cống, còn tôi lại vừa mượn được của Hà Văn Trọng một khẩu súng hơi để bắn chim. Ngứa tay, tôi vác xuống hầm bắn chuột để thử súng. Được vài con, tôi nổi hứng rủ anh em: mọi người vẫn sợ chuột cống, hôm nay cậu nào dám ăn với tớ? Ai cũng lè lưỡi, chỉ có Trần Bình hôm đó tình cờ có mặt và nhận lời thử. Hai anh em xách chuột ra làm sạch sẽ, vứt hết đầu đuôi ruột gan, rồi vào nhà Tú Mai gần đó xin ít mỡ hành. Thịt chuột rửa sạch trắng phau, đem xào với hành mỡ trông chẳng khác thịt bò. Tôi và Bình ngồi đánh chén trong ánh mắt khiếp đảm của mọi người.

Vụ “thịt chuột” ấy chỉ diễn ra có một lần, và bản chất của nó là việc ăn thử, ăn vì anh em thách nhau... chứ hoàn toàn không phải vì đói. Đến đây phải nói thêm: thời trẻ, tôi vốn thích khám phá cuộc sống với tất cả sự đa dạng của nó. Đó cũng là một cách để tích lũy vốn sống, thỏa mãn sự tò mò và giúp người diễn viên có thể nắm bắt tốt hơn về sự đa dạng trong tính cách con người. Cùng bạn bè, tôi ăn uống cũng khá bạt mạng: rắn, nhái, ễnh ương, sùng ve non... đều chén tuốt. Câu cá, tôi cũng là người khá sát cá. Còn với khẩu súng hơi đi mượn kể trên, mỗi chuyến đi chơi, tôi đều có một vài xâu chim mang về.

Đến giờ, sau bao nhiêu năm, những lúc vui cùng bạn bè, tôi cũng có ăn lại thịt rắn, ếch, chuột đồng hay dế mèn châu chấu... Nhưng, những món nhậu trong quán rượu như thế khó lòng mang lại cảm giác hấp dẫn và hồi hộp trước đây, giống như lần tôi chén chuột cống với Trần Bình. Cách đây 2 năm, vào Tây Nguyên, một ông bạn đãi tôi món sùng ve non xào với xu hào. Tôi lắc đầu: sùng ve mà đem xào lên lên thì hỏng, rồi tự tay vào bếp làm món sùng ve rán trước sự ngạc nhiên của bạn”.

3. Kết thúc câu chuyện, NSND Trọng Khôi lưỡng lự một lát rồi kể nốt: “Có chuyện này nữa, ít người biết. Những năm ấy, tôi cũng nhiều lần cùng bạn bè đi câu trộm cá của người ta. Đứng sau bụi tre, ném dây câu xuống ao, phía trên buộc một cái vỏ trứng vịt lộn có chứa đom đóm bên trong. Thấy vỏ trứng chìm là giật cần. Cũng là chuyện của một thời thanh niên thôi...”.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm