Đà Nẵng sẽ 'chuộc' lại sân Chi Lăng?

24/07/2018 08:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy hôm nay, khi cảnh khán đài sân Hòa Xuân hiu hắt, khi thành phố này có nhiều thay đổi ở bộ máy lãnh đạo, người Đà Nẵng lại nhắc đến Chi Lăng, khi cơ hội “chuộc” lại thánh địa này đã đến khá gần.

Số phận Chi Lăng trong gần 10 năm qua

Tháng 01/2011, UBND TP. Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục bán sân vận động (SVĐ) Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, với giá trị gần 1.400 tỷ đồng, xây dựng thành tổ hợp thương mại-dịch vụ cao tầng. Không lâu sau đó, Đà Nẵng lại đồng ý để nhà đầu tư “xẻ” sân Chi Lăng ra làm những mảnh nhỏ, với 10 khu cùng 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đáng nói hơn, khu đất này được định hình là xây dự án thương mại dịch vụ, nhưng lại được UBND TP Đà Nẵng bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài. Tập đoàn Thiên Thanh dựa vào đây làm cơ sở thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.

Năm 2015, Lãnh đạo Đà Nẵng đã từng thương thảo cùng ngân hàng Nhà nước, để có được quyền sở hữu lại SVĐ Chi Lăng, nhưng không thành công. Thời gian gần đây, khi Chính phủ vào cuộc, với những đợt thanh tra các dự án đất đai của Đà Nẵng, câu chuyện Chi Lăng thêm một lần nóng lên. Nguyện vọng muốn Chi Lăng được trở về đúng nghĩa của nó, là có thật, như chính lời ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ trong buổi họp báo 6 tháng đầu năm vào ngày 19/07/2018.

“Sân Chi Lăng trước đây là một thiết chế văn hóa gắn bó lâu đời với người dân thành phố. Do đó, nguyện vọng của nhân dân, của lãnh đạo Đà Nẵng là muốn tìm cách để thương lại, giải quyết giữa các bên liên quan, để có lại cơ sở này. Vừa rồi lãnh đạo thành phố đã họp bàn, thống nhất về chủ trương cũng như giao cho các ban ngành nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi, để có thể sở hữu được sân Chi Lăng”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, Nguyễn Quang Vinh, sân Chi Lăng và khu đất 209 Trường Chinh có liên quan đến đại án Phạm Công Danh, hiện trong quá trình thi hành án. Tổng giá trị thi hành án của sân Chi Lăng và khu đất 209 Trường Chinh lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Sân Chi Lăng nằm chung trong các dự án mà Thanh tra Chính phủ đã có kết luận vào năm 2012 (kết luận số 2852), nên mọi việc sẽ được thực hiện theo đúng kết luận này. Thành phố cũng đã bàn thảo, để xin ý kiến Chính phủ, đề đạt nguyện vọng có được SVĐ này, theo đúng tinh thần kết luận và dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành.

Có thể nói cho đến lúc này, nguyện vọng của Đà Nẵng, từ lãnh đạo thành phố cho đến người dân đã rất rõ, đó là Chi Lăng được trở về và hồi sinh. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh này là làm thế nào để lấy lại được SVĐ này, nguồn kinh phí từ đâu và nếu lấy lại được sẽ sử dụng vào mục đích gì?

Chú thích ảnh
Sân Chi Lăng “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ảnh: Hồng Đào

Biểu tượng của người Đà Nẵng

Được khởi công xây dựng từ năm 1954, trải qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển. SVĐ Chi Lăng đã như chứng nhân văn hóa- lịch sử của người Đà Nẵng. Chứng nhân này đã trải mình cùng những thăng trầm của bóng đá xứ Quảng- Đà mấy chục năm qua.

Nhiều thế hệ cầu thủ nằm lòng từng ô cỏ, nhiều gia đình mấy thế hệ cùng vui buồn với Chi Lăng. Nhắc đến Chi Lăng, mà không nhắc phố bóng đá Ngô Gia tự và cà phê Tới, thì hình như thiêu thiếu cái gì đấy. Con phố sẽ mãi là kỷ niệm với những ô vuông bán vé nhỏ bằng bàn tay, với quán cà phê vỉa hè tuềnh toàng.

Ông Trần Văn Hồng- Hội trưởng hội cổ động viên bóng đá Đà Nẵng nói như rút ruột: “Chúng tôi buồn lắm, hụt hẫng lắm. Dẫu biết rằng, mọi thứ cũng sẽ phục vụ cho chặng đường phát triển của thành phố, nhưng ít ở đâu, người ta lại đem di sản của mình ra đánh đổi như thế. Chuyển về Hòa Xuân, mọi thứ có thể sạch đẹp hơn, khang trang hơn, nhưng hào khí của Chi Lăng, dấu ấn của con phố bóng đá này, khó lòng có được”.

Trong lúc Chi Lăng bị chia lô, phân mảnh, hãy nhìn về Hàng Đẫy, cũng tồn tại sau hơn 60 năm, đang đứng trước cơ hội được nâng cấp trở thành một siêu sân quốc tế, dù cách đó không xa, đã có một Mỹ Đình hiện đại. Trên cả nước, các sân vận động đều được giữ gìn.

Thủ môn Lê Văn Hưng (SHB Đà Nẵng) là ‘thần tài’ của TP.HCM?

Thủ môn Lê Văn Hưng (SHB Đà Nẵng) là ‘thần tài’ của TP.HCM?

Nếu cuối mùa bóng TP HCM trụ hạng thành công thì cổ động viên sân Thống Nhất sẽ phải cám ơn rất nhiều “cú ra chân lãng xẹt” của thủ môn Lê Văn Hưng (SHB Đà Nẵng) trên sân Hòa Xuân. Nó đã giúp thầy trò HLV Miura chấm dứt mạch 13 trận không biết mùi chiến thắng.

Khi số phận sân Chi Lăng còn treo lơ lửng chưa biết ngày sau. Đà Nẵng đã thiệt thòi mấy năm nay, khi vừa "mất" sân, đồng thời ngân sách thất thoát. Từ một dự án tưởng chừng sinh lợi, Đà Nẵng đã tự làm khó ngay trên vốn quý mình đang có.

Chi Lăng bao giờ trở về với người Đà Nẵng? Câu hỏi dù rằng là khó, rất khó nhưng nếu các cấp lãnh đạo “giải cứu" được sân Chi Lăng, thì không chỉ bóng đá mà cả người dân nơi đây chắc chắn đều ghi nhớ.

Từ Chi Lăng đến Hòa Xuân

Để thay thế cho Chi Lăng, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hơn 300 tỉ đồng, xây dựng mới SVĐ Hòa Xuân, với sức chứa 20.000 chỗ ngồi. Mất đến 3 năm để hoàn thành được một sân thi đấu 20.000 chỗ ngồi là khá lâu. Không những thế, ngày đưa vào sử dụng chỉ có mặt sân, khán đài, hệ thống chiếu sáng và các phòng ốc chức năng phục vụ thi đấu là hoàn thành. Trong khi đó mái che khán đài A, bảng điện tử chỉ mới được thi công và đưa vào sử dụng thời gian gần đây, theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Ghế ngồi được tận dụng từ sân Chi Lăng và lắp vào chỗ có, chỗ không, nhìn như “xôi đậu”. Hơn thế, mặt cỏ sân Hòa Xuân bị chê là xấu, đã gây ra nhiều chấn thương rất vô duyên cho cầu thủ, kể cả lúc tập luyện cũng như thi đấu.

2 năm đã qua, với trên 30 trận SHB Đà Nẵng đã đá ở đây, nhưng để nhìn được cuồng nhiệt của khán giả là không có. Cho dù số lượng vài ngàn người xem vào sân là có thật, nhưng để thấy cái không khí lễ hội ở Chi Lăng là điều không thể.

Bóng đá xứ Quảng-Đà từ Chi Lăng đến Hòa Xuân, về cự li thì chừng 15km nhưng về khoảng cách của hành trình tìm lại vinh quang là cả chặng đường rất dài.

Hồng Đào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm