Ông Ngô Tử Hà, nguyên Trưởng BTC V-League: “Trưởng giải” phải là người đặc biệt

18/04/2011 18:54 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Ông Ngô Tử Hà, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Trưởng ban tổ chức (BTC) V-League nhiệm kỳ 3 (1997-2001). Đây là vị “trưởng giải” được dân bóng banh đánh giá là có “máu lạnh”. Thời ông làm “trưởng giải”, “Ngô công” đã phải sắm roi điện để phòng thân. Ông bảo nếu Nhà nước cho phép sắm súng ông cũng mua. Thời gian gần đây, công tác tổ chức, điều hành giải đang có nhiều diễn biến phức tạp, TT&VH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với vị “trưởng giải” cá tính này.

Chuyện ghế Trưởng giải

* Đã rất lâu người hâm mộ không còn thấy cựu “Trưởng giải” Ngô Tử Hà xuất hiện thường xuyên. Nhưng nhiều người vẫn nhắc tới ông như một “Bao công V-League” khi từng xử phạt rất nặng nhiều đối tượng mà không cần trưng bằng chứng cụ thể?

- Tôi đã nghỉ hưu 2 năm rồi, nhưng tôi vẫn theo sát khá kỹ tình hình bóng đá Việt Nam đấy. Làm “trưởng giải” thời tôi có nhiều cái khó lắm. Bởi áp lực từ cấp trên, từ xung quanh nhiều vô khối kể. Bóng đá thời ấy mang đặc thù địa phương, ban ngành rất phức tạp. Hay nói cách khác, áp lực chính trị rất đè nặng. Nhiều ông Bí thư tỉnh ủy gọi điện phê bình “trưởng giải”, thậm chí cao hơn nữa, là chuyện bình thường. Bóng đá thời đó là “nhạy cảm” vì liên quan danh dự, biểu tượng ban ngành lẫn địa phương chứ không đùa.

Nhưng tôi làm nghề vì cái chung và muốn trong sạch hóa giải bóng đá chuyên nghiệp của ta. V-League lúc ấy mới ở dạng bán chuyên nghiệp, ngay cả thể thức thi đấu, các văn bản pháp quy, tôi và một số đồng nghiệp khác cũng phải vun tay vào điều chỉnh, sửa đổi sao cho phù hợp với bóng đá Việt Nam. Nói cho bạn biết chứ làm chức “trưởng giải” không sướng chút nào, tôi còn mất rất nhiều thứ kể từ khi kiêm nhiệm ghế này. Đau đầu lắm. Các bản án đều ông “trưởng giải” chịu trách nhiệm, phải như anh Khôi bây giờ sướng. Có gì anh Hải Hường, anh Chu Hồng Thanh và anh Nguyễn Văn Mùi đỡ đần hết chuyện “án”.

* Câu chuyện ông xử phạt đội Công an Hà Nội thẳng tay, nên Giám đốc Công an TP.Hà Nội lúc ấy - thiếu tướng Phạm Chuyên - từ mặt, xã hội đen Hải Phòng dọa giết rồi ném mìn nhà ông?

- Không chỉ vì xử phạt Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng những năm đó, mà còn nhiều vụ cộm cán khác, tôi ở thế “trên đe, dưới búa” ghê gớm trước lúc đưa ra quyết định phạt ai. Nhưng tôi làm vì cái chung, chứ không tư lợi bất cứ điều gì, nên tôi không sợ. Đã nhát gan thì đừng nên ngồi ghế “trưởng giải”, cho cả nền bóng đá mất nhờ.

Chuyện anh Phạm Chuyên - Giám đốc Công an TP.Hà Nội sau vụ đó cạch mặt tôi, hay giang hồ Hải Phòng dọa giết, ném mìn nhà tôi ở Hàng Chuối đều có thật. Không ít lần khán giả đòi “xin tí tiết ông Hà”, mỗi khi tôi xuống các sân xem xét. Nhưng tôi làm đúng, thì sợ gì điều tiếng, còn sợ hãi thì đừng làm. Nhưng hồi ấy ra đường (hồi ấy tôi chạy xe máy đi làm), nói thật nhé, tôi luôn thủ thế rất kỹ để phòng thân.

Riêng chuyện với anh Chuyên, anh ấy hơn tôi 5 tuổi, là đàn anh của tôi. Nhưng khi cầu thủ Công an Hà Nội có dính chàm, tôi xét họ trên danh nghĩa cầu thủ, chứ không đặt phương diện họ đại diện cho ban ngành, địa phương nào. Chuyện xảy ra khúc mắc là khó tránh, nhưng anh Chuyên sau đó đã thông cảm cho tôi. Anh hiểu tôi không có ý định bôi xấu danh dự của tập thể một đội bóng. Quân pháp bất vị thân, làm luật mà vị nể thì khó chấp pháp.

Bóng đá buổi đầu lên chuyên và sau 11 năm đều có cái khó, cái dễ riêng. Nhưng sự biến hóa và khó lường trong mỗi mùa giải đều như nhau. Tôi chỉ nghĩ rằng, làm cái gì cũng vì cái chung. Có cái đúng và cái sai, nhưng những quyết định mang lại sự đồng thuận và tôn trọng mới là quan trọng nhất. Có thế, BTC mới nhận được sự nể phục từ các phía được.

* Kể từ khi ông rồi “Trưởng giải” Trần Duy Ly nghỉ, BTC thiếu hẳn án phạt nặng cho các trận đấu “cuội”, vì thiếu căn cứ, bằng chứng?

- Đợi bằng chứng cụ thể có mà đến thế kỷ 30. Thời tôi xử Công an Hà Nội - Thừa Thiên-Huế, tôi căn cứ vào sự chỉ trích của khán giả. Họ có hàng nghìn con mắt, hai đội đá lếu láo sao qua được. Tôi dựa vào băng hình, xem thái độ thi đấu của cầu thủ thế nào. Tôi dựa vào truyền thông các bạn. Đấy là những yếu tố có thể cấu thành án, không cần phải bắt tận tay, day tận trán đá cuội.

* Ông nghĩ giải đấu của chúng ta đã “sạch” hẳn chưa. Thời bao cấp, trong lễ tổng kết một mùa giải, Trưởng ban thanh tra Tô Hiền từng hỏi cắc cớ: “Ai bảo mình đá sạch giơ tay lên”, thì tuyệt nhiên chẳng thấy lãnh đạo đội nào dám giơ tay cả?

- Môi trường bóng đá vô cùng phức tạp, nó giống như bức tranh sáng, tối lẫn lộn. Tham vọng của các đội bóng, sự tiếp tay giang hồ và dân cá độ bất hợp pháp, lẫn nhiều cầu thủ, trọng tài bán mình cho quỷ dữ. Ở ta các tình trạng đó không thiếu. Khi đã đá bóng và có tư tưởng ăn, thua thì làm sao nói có bóng đá sạch. Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam vẫn chưa sạch và BTC cần xử lý nghiêm minh hơn nữa với những trận cầu biểu hiện đá cuội.

Ông Ngô Tử Hà. Ảnh: VSI

Ngày xưa, các đội bóng biếu cân lạc, cái cát-sét cho trọng tài trước trận đấu, thế là ghê gớm. Nhưng bây giờ, hình thức biếu xén khác rồi, vừa tinh vi vừa táo bạo về giá trị, không dễ để nhận diện. Nên hình thức và khung xử lý cũng không dễ để xử phạt như trước.

* Có mùa, Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn phải kiêm nhiệm luôn chức “trưởng giải”. Ông có thấy chuyện này tức cười không?

- Tôi từng đi trước và cũng có mối quan hệ thân tình với Tuấn. Tuấn là con người trẻ, nhiệt tình và năng động. Nhưng không phải tổng thư ký là người làm tốt vai trò “trưởng giải”. “Trưởng giải” phải là người đặc biệt.

Chuyện trọng tài

* Ông nghĩ trọng tài (TT) Việt Nam suốt hành trình 11 năm qua như thế nào?

- Từ thời tôi làm trưởng BTC, tôi xử phạt không ít TT sai phạm. Nên nhìn thế này, TT trên thế giới còn mắc lỗi chứ nói gì TT ở Việt Nam. Nhưng ở mặt thứ hai, lỗi ấy thuộc về nhận định thật sự hay là cố tình “bẻ còi”. Thời tôi, nhiều TT khi bị xử kêu là em công tâm. Nhưng anh ta nhận quà biếu xén thế nào, tất cả tới tai chúng tôi hết. “Trưởng giải” phải đặc biệt ở chỗ đó nữa. Khi “mổ án”, có nhiều trường hợp TT thổi đúng, nhưng bị đánh vỡ đầu thực sự là oan uổng, chúng tôi biểu dương hoành tráng. Nhưng có người bẻ còi, đưa quả đá phạt ngoài vòng cấm cả 1 - 2m vào thành penalty thì khó chấp nhận. Có tình huống bóng chạm tay, TT vô tư bỏ qua và phân trần: “Bóng chủ động tìm tay, nên không thổi”... Những trường hợp đó, đáng phê bình và tôi từng xử không thương tiếc. Tôi nói thế để thấy thực trạng TT Việt Nam có vấn đề là không ít, cả tốt, lẫn xấu. Song không thể vì thế mà vin lỗi TT rồi phản ứng thái quá được.

* Có nghĩa chuyện cầu thủ dọa giết hay hành hung TT là khó chấp nhận?

- Đã trên sân, CLB hay cầu thủ phải tôn trọng quyết định của TT. Việc gây áp lực lẫn hành hung trọng tài phải có thể chế và xử lý nghiêm. Đội bóng cần giáo dục thay vì dung dưỡng cho hành động xấu của cầu thủ nhà. Chuyên nghiệp phải từ nhận thức trước khi nói tới những chuyện cao xa khác. Tôi nghĩ hành hung và dọa giết TT là sai, là bậy. Nhưng bản thân TT Việt Nam cũng phải thay đổi để nhận được sự tôn trọng của CLB, cầu thủ. Tôi nghĩ như thế.

Chuyện thầy nội, thầy ngoại

* Suốt thời gian qua, dư luận ầm ĩ chuyện thầy ngoại hay thầy nội làm việc ở đội tuyển quốc gia Việt Nam, đội tuyển U23 Việt Nam. Còn ý kiến của ông về chuyện này?

- Ở ta, còn chuộng đồ ngoại lắm. Cứ đồ ngoại, thầy ngoại hay tất tật cái gì thuộc của ngoại là tốt hơn. Suy nghĩ ấy có phần đúng khi về chất thì thầy Tây tốt thật. Nhưng khả năng cảm nhận hay năng lực có ông thầy ngoại còn thua cả HLV nội của ta. Tôi lấy vụ ông Letard vẫn là trái đắng mà chúng ta hay nhắc đó thôi. Nhiều khi VFF biết, nhưng phải chịu, vì thời đó nhà tài trợ (vốn chi tiền trả lương cho HLV ngoại) giới thiệu. Mình ít tiền, đâm ra phải rơi cái thế thụ động như vậy đó.

Nhưng bóng đá cần chu trình dài chứ đâu phải ở thế “ăn xổi” mãi được. Tới lúc cần, chúng ta cần chi tiền để “sắm” hàng ngoại thật xịn để hy vọng, chờ đợi. Nhưng theo tôi, trước hết hãy thử dùng hàng nội đi đã. Tôi thấy các HLV Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng hay Lê Huỳnh Đức đều tốt. Cứ tạo cơ hội thử thách, nếu thất bại thì trở lại với HLV ngoại. Chứ cứ lao đầu vào tìm chuyên gia ngoại mà bỏ quên nội lực thì cũng phí của lắm.

* Còn cơ hội giành HCV ở SEA Games 26, ông đặt cửa cho U23 Việt Nam ở Indonesia năm nay chứ?

- Bóng đá Đông Nam Á còn phát triển chậm và thiếu tính hoạch định lắm. Việc giành HCV hay chức vô địch như cuộc thi “cờ vồ”. Ai nhanh tay, may mắn hơn thì giành được cờ thôi. Theo tôi, cơ hội chia đều thôi, Thái Lan, Singapore hay Malaysia... cũng ngang cửa với chúng ta cả. Cần tìm một HLV cho ổn rồi tập trung học trò đá hết mình, đừng vướng bận chuyện gì cả, mới mong vô địch. Còn không, chính tôi cũng không thể nói trước chuyện gì cả.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và hy vọng ông tiếp tục có những đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm