Cựu Tổng thống Hàn Quốc tự sát

24/05/2009 11:31 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sáng hôm qua, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã tự tử bằng cách nhảy xuống khỏi một vách núi. Đây là kết thúc buồn với ông Roh, nhân vật đã từng có quá trình đi lên đỉnh cao quyền lực từ tay trắng khiến người khác phải khâm phục.

Cú nhảy chết người

Báo chí Hàn Quốc ban đầu cho hay ông Roh đột tử vì bị ngã trong lúc leo núi cùng một cộng sự thân tín. Nhưng sau đó người ta mới biết ông Roh đã đột ngột nhảy xuống núi. Hành động đó khiến ông Roh bất tỉnh với các chấn thương ở vùng đầu và được chuyển vào Bệnh viện Đại học Pusan. Tuy nhiên các bác sĩ đã không thể nào cứu được ông. Roh được tuyên bố qua đời lúc 9h30 sáng. Nguyên nhân cái chết do thương tổn nặng ở đầu.

Cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun
Moon Jae-in, người từng là Chánh văn phòng Tổng thống khi ông Roh xác nhận đây là vụ tự tử: “Roh dường như đã nhảy khỏi ngọn núi vào lúc 6h40 phút sáng. Ông có để lại một lời nhắn ngắn cho gia đình”. Tuyệt mệnh thư của Roh nằm trong máy tính cá nhân của ông và được người ta tìm thấy sau khi ông tự sát. Lá thư được tạo lúc 5h21 sáng, không lâu trước khi ông Roh rời nhà để đi leo núi.

"Tôi là gánh nặng của quá nhiều người. Nhiều người đã bị tổn thương lớn vì tôi. Tôi không thể tưởng tượng được sẽ còn những đau khổ nào sẽ tới. Cả cuộc đời của tôi chỉ là gánh nặng cho những người khác. Vì sức khỏe của tôi đã yếu đi, tôi không thể làm điều gì khác. Tôi còn không thể đọc một quyển sách" - ông Roh viết- "Đừng quá buồn bã. Cuộc sống và cái chết đều là một phần của tự nhiên. Đừng hối tiếc. Đừng trách ai cả. Đây là định mệnh".

Thăng trầm sự nghiệp

Roh Moo-hyun là con trai trong một gia đình nông dân ở gần thành phố cảng Busan. Tốt nghiệp phổ thông, do không có tiền học lên đại học, ông Roh đã vào quân đội và sau đó tham gia nhiều công việc lao động chân tay để kiếm tiền. Với mong ước thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, ông tự dạy mình về luật và vượt qua kỳ thi thẩm phán vào năm 1975.

Năm 1981, Roh được giao bào chữa cho một vụ liên quan tới khoảng 20 sinh viên "chống đối", những người bị bắt và tra tấn vì tội đọc các cuốn sách cấm với nội dung ủng hộ CHDCND Triều Tiên. Vụ việc đã có tác động thay đổi cuộc đời của Roh. Trong cuốn hồi ký của bản thân, ông nói rằng mình "cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy bàn chân méo mó, mất nhiều móng" vì bị tra tấn của các sinh viên. "Họ quá sợ để nhìn thẳng vào tôi, luật sư của họ. Sự nghiệp của tôi như một luật sư thành đạt coi như đã chấm dứt" - ông viết.

Kể từ vụ trên, Roh quyết định đứng ra bảo vệ những người bị thiệt thòi trong các chính quyền độc tài cũ của Hàn Quốc. Năm 1988, cựu Tổng thống Kim Young-sam, người khi đó chỉ là một lãnh đạo đối lập, đã dìu dắt ông vào với chính trị. Cùng năm đó, ông Roh đã gây tiếng vang khi tại một phiên họp quốc hội được truyền hình trực tiếp, đã đặt ra hàng loạt các câu hỏi về vụ thảm sát Gwangju hồi năm 1980. Tuy nhiên cái giá mà Roh phải trả là hai lần ông thất bại trong việc chạy đua vào Quốc hội và ghế thị trưởng Busan. Dù vậy, ông đã nhận được nhiều sự ủng hộ mới, bao gồm một nhóm ủng hộ trên internet mang tên "Nosamo". Đây chính là nhóm đóng vai trò nòng cốt trong việc đưa ông lên thành nhân vật lý trưởng trong cuộc đua vào ghế Tổng thống hồi năm 2002. Ông giành chiến thắng trước đối thủ Lee Hoi-chang với tỉ lệ chênh lệch chỉ 2%.

Tuy nhiên dù được kỳ vọng, chính quyền của Roh mau chóng vấp phải những lời chỉ trích về sự bất lực trong công tác điều hành. Ông thường xuyên vướng vào các tranh cãi cá nhân với đối thủ và các nhà phê bình. Nhiều bất ổn xuất hiện suốt thời kỳ ông làm Tổng thống, thể hiện qua tình trạng đình công liên tiếp, sứt mẻ ngoại giao với Mỹ và Nhật. Ông cũng đưa ra nhiều chính sách thiếu thận trọng như kế hoạch di chuyển thủ đô hay thành lập liên minh với phe đối lập. Những điều đó khiến tỉ lệ ủng hộ dành cho Roh tụt dốc không phanh.

Ý nguyện cuối cùng

Một năm hai tháng sau khi rời nhiệm sở, sự sụp đổ của các chính trị gia theo phe "ủng hộ Roh, sự tan vỡ của đảng Uri do Roh góp tay gây dựng và thất bại của "người kế nhiệm" đảng này là Đảng Dân chủ tại Quốc hội Hàn Quốc đã đánh dấu chấm hết của "thế hệ 386" (những con người sinh trong những năm 1960) đã giúp đưa ông lên đỉnh cao quyền lực.

Tin tức về cái chết của ông Roh đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong nước
Bên cạnh đó, Roh lại vướng vào một vụ bê bối tham nhũng. Gia đình ông Roh được cho đã nhận ít nhất 6 triệu USD từ một doanh nhân nhiều ảnh hưởng họ Park. "Tôi không còn mặt mũi nào để nhìn mọi người. Tôi xin lỗi vì đã làm các bạn thất vọng" - Roh nói hồi cuối tháng 4, trước khi bị cơ quan công tố thẩm vấn. Đây là vết nhơ lớn với Roh, người vẫn được đánh giá là "sạch sẽ" hơn so với các Tổng thống khác của Hàn Quốc. Theo ác nhà phân tích, dường như sức ép đến từ cuộc điều tra có lẽ đã khiến Roh không chịu nổi và nghĩ tới cái chết. Được biết trong tuyệt mệnh thư, cựu Tổng thống có thổ lộ ý nguyện cuối cùng là được gia đình hỏa táng sau khi qua đời và dựng một bức tượng nhỏ gần nhà. “Hãy hỏa táng tôi và dựng một bia mộ nhỏ gần ngôi nhà của tôi. Lâu nay tôi đã nghĩ về điều đó” - ông viết. Dự kiến lễ tang của ông Roh sẽ được tổ chức tại làng Bongha, nơi ông đã sống kể từ khi về hưu hồi tháng 2 năm ngoái.
 
Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm