09/07/2013 10:31 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân 100 ngày mất nhà văn Võ Hồng (ông sinh năm 1921, mất ngày 31/3/2013), NXB Trẻ và Công ty Văn hóa Hương Trang ấn hành tập sách Văn chương và nhân cách Võ Hồng. Cuốn sách gồm những bài viết của các trí thức, văn nghệ sĩ in trên sách báo từ năm 1975 đến nay về nhà văn Võ Hồng.
1.Văn chương và nhân cách Võ Hồng được chính nhà văn Võ Hồng sưu tập những bài viết về mình vào những năm 1990 khi ông còn khỏe. Ông rất muốn xuất bản tập sách này gọi là để “tạ lòng tri kỷ” với những người đã viết về mình, nhưng rất tiếc đến nay mới ra mắt bạn đọc được.
Năm 1995, nhà văn Võ Hồng đã gửi tặng bản thảo “tạ lòng tri kỷ” đến người bạn văn vong niên - nhà thơ Phạm Chu Sa. Trong bản thảo này, chính tay Võ Hồng đã viết lại các trích đoạn mà người khác nhận xét về mình như một cách tâm đắc giữa những tri kỷ với nhau. Phạm Chu Sa cũng là người đem bản thảo cuốn sách và bổ sung thêm một bài viết của mình và của hai nhà văn đồng hương với Võ Hồng, gồm: Trần Huiền Ân, Nguyễn Lệ Uyên để hoàn thành Văn chương và nhân cách Võ Hồng.
Bìa sách Văn chương và nhân cách Võ Hồng |
Trong thư viết tay gửi nhà thơ Phạm Chu Sa vào tháng 1/1995, nhà văn Võ Hồng viết: “Trong luận án Phó Tiến sĩ Trần Hữu Tá và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có nhận xét VH (Võ Hồng - PV) là “một nhà văn xuất sắc”, là “một cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học đô thị miền Nam”. Bản chất khiêm cung, tôi nghĩ rằng chỉ 2/3 hay 3/4 lời khen đó đã là hân hạnh rồi”.
Cũng trong bức thư đó, nhà văn nói về sức khỏe của mình kèm chút hoài tiếc về tuổi trẻ: “Con mắt tôi đang xuống cấp nên đọc ít và viết cũng ít. Nhìn ít rõ nên tất cả đều khó khăn. Rút kinh nghiệm: hãy sống hạnh phúc khi tuổi trẻ bạn đang nắm trong tay, hỡi bạn Phạm Chu Sa ơi!”.
2. Ngoài tư cách nhà văn, Võ Hồng còn là một nhà giáo được nhiều thế hệ học trò yêu quý. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm Hiệu trưởng Trường Trung học Lương Văn Chánh, nay là trường chuyên của tỉnh Phú Yên. Từ năm 1956 đến khi qua đời, Võ Hồng làm nghề giáo ở phố biển Nha Trang. Văn chương của Võ Hồng cũng như cuộc đời dạy học của ông đều muốn hướng tình yêu của con người đến với quê hương và dân tộc.
Việc viết văn của Võ Hồng cũng xuất phát từ tình yêu quê hương và những con người nhỏ bé trên vùng đất Phú Yên của ông. Khi ra Hà Nội học tú tài, nhiều người ở Hà Nội không hề biết Phú Yên là nơi nào trên nước Việt. Nhiều người Hà Nội, kể cả giới quan quyền khi đó đều gọi chung người miền Trung ra Hà Nội là người đến từ Huế. Võ Hồng viết văn là để ít nhất người Việt ở những vùng miền khác biết đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Lòng tự tôn và tình yêu xứ sở của ông luôn được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của mình.
Vâng, mỗi nhà văn có một vùng đất trong đời thực và trong văn chương, với Võ Hồng là vùng đất Phú Yên, cũng như Nam Bộ có Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, xứ Quảng có Nguyễn Văn Xuân vậy!
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất