Cuộc thi sáng tác kịch bản phim hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới

08/10/2024 21:07 GMT+7 | Văn hoá

Lễ tổng kết cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023 - 2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Và dù không có giải Nhất, nhiều tín hiệu từ cuộc thi này vẫn khiến người trong cuộc lạc quan.

1. "Tuy không có giải Nhất, một số chủ đề còn thiếu và yếu nhưng đa số nội dung các kịch bản đã phần nào phản ánh sinh động công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Vì thế, chúng ta vẫn có thể lạc quan khi tiếp tục mở rộng cuộc thi này trong thời gian tới" -PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Trưởng ban Chung khảo Kịch bản phim truyện) chia sẻ trong lễ tổng kết cuộc thi.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông khẳng định: Cuộc thi đã tạo thêm môi trường sáng tác chuyên nghiệp cho các nhà biên kịch, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong việc chuyển tải những câu chuyện lịch sử, cách mạng. "Điều này giúp điện ảnh Việt Nam không ngừng phát triển, đa dạng hóa các thể loại và nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục "- ông nhấn mạnh.

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới - Ảnh 1.

Cục trưởng Vi Kiến Thành phát biểu tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi (nguồn: Bộ VHTTDL)

Các thống kê cho biết: Cuộc thi đã nhận được 70 tác phẩm của các nhà biên kịch chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Có những những tác giả tham gia 2 kịch bản ở một loại hình và có kịch bản dự thi cả ở 2 loại hình phim tài liệu và phim truyện; tác giả trẻ độ tuổi 25-35; tác giả lớn tuổi nhất đã ngoài 80 tuổi. Ngoài ra, có cả tác giả là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Qua đó, theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Ban giám khảo đã làm việc rất nghiêm túc, chấm giải chặt chẽ với mong muốn có những kịch bản tốt, phản ánh được lịch sử của Đảng qua các sự kiện, nhân vật, từ thời kỳ kháng chiến cứu quốc đến đổi mới, từ các cấp lãnh đạo Đảng đến đảng viên.

Tuy nhiên, trong quá trình chấm giải, Ban giám khảo của nội dung kịch bản phim truyện nhận thấy cuộc thi vẫn còn nhiều "khoảng trống" về đề tài như thiếu các tác phẩm phản ánh về thời kỳ đổi mới, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra, cuộc thi cũng chỉ có duy nhất một tác phẩm viết về Nam Bộ, không có tác phẩm nào viết về Tây Nguyên, hoặc thiếu các tác phẩm viết về giai cấp công nhân và một số lĩnh vực khác.

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới - Ảnh 2.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải cho tác giả đoạt Giải Ba kịch bản phim truyện (nguồn: Bộ VHTTDL)

Còn ở nội dung kịch bản phim tài liệu, theo nhận định của đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương, (Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh, Trưởng ban Chung khảo Kịch bản phim tài liệu), có nhiều kịch bản tốt về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng trong thời gian qua.

"Các kịch bản được giải có ưu điểm lớn: Tác giả đã tìm tòi, thu thập rất nhiều tài liệu một cách công phu. Trong đó có nhiều yếu tố mới để làm cho kịch bản phong phú, tăng sức hấp dẫn. Chắc chắn khi dựng lên phim sẽ hay khi có nhiều chi tiếtcụ thể" - ông Chương đưa quan điểm - "Nhưng chủ quan, tôi thấy có nhiều tác giả không chuyên viết về kịch bản phim tài liệu. Điều này cho thấy, kịch bản tốt vẫn cần có thêm sự dàn dựng công phu của đạo diễn, từ đường hình, đường thoại theo ngôn ngữ điển hình của phim tài liệu khi dựng phim".

2. Mặc dù kết quả còn có những hạn chế nhưng theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, chủ đề cuộc thi là mảnh đất rộng lớn để khai thác. Từ đó, ông đề nghị phát động các cuộc thi tiếp theo.

Cùng suy nghĩ này, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho rằng, kết quả cuộc thi lần này phần nào mới phản ánh được không khí sôi động, hào hứng của các tác giả khi hướng đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới - Ảnh 3.

Với hơn 20 năm công tác tại Công ty cổ phần phim truyện 1,tác giả Đào Thùy Trang đã giành giải Ba ở hạng mục phim truyện

"Từ nay đến năm 2030, chúng ta còn 6 năm nữa để chào mừng sự kiện trọng đại của Đảng. Vì vậy, sau đây, chúng tôi sẽ mở trại sáng tác và các cuộc thi khác hướng tới chủ đề này" -bà Dung cho hay - "Cục điện ảnh cũng có hướng sẽ giới thiệu những tác phẩm đạt giải trong cuộc thi này đến các cơ sở điện ảnh, sản xuất phim để họ tiếp cận và có thể chuyển hóa các kịch bản thành tác phẩm điện ảnh. Tôi cũng hy vọng khi phim ra mắt sẽ được công chúng đón nhận tích cực".

Còn nhà biên kịch Đào Thùy Trang, tác giả giành giải Ba ở hạng mục phim truyện với tác phẩm Niềm tin và hy vọng chia sẻ thêm: "Chủ đề về kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một chủ đề khó nhưng lại cuốn hút tôi. Ở đó, tôi thấy có rất nhiều câu chuyện cảm động để có thể xây dựng kịch bản. Và khi tìm hiểu về cuộc đời nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc, tôi đã có cảm hứng để xây dựng kịch bản của mình với hình tượng này". Nhà biên kịch Đào Thùy Trang hy vọng kịch bản đoạt giải có thể sớm lên màn ảnh.

Các giải thưởng của cuộc thi

Sau 8 tháng phát động và trong 2 tháng tiếp nhận kịch bản (từ ngày1/2đến hết ngày 1/4/2024), cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030)" đã nhận được 70 kịch bản phim tài liệu và kịch bản phim truyện tham dự. Cả hai thể loại dự thi (phim truyện và phim tài liệu) đều không có giải Nhất.

Ở hạng mục Kịch bản phim truyện, giải Nhì thuộc về kịch bản Lựa chọn thiên tài của tác giả Lê Ngọc Minh. 3 giải Ba được trao cho Mùa xuân đầu tiên (Nguyễn Thị Khánh Ly), Niềm tin và tình yêu (Đào Thùy Trang) và Dấu chân huyền thoại (Đoàn Tuấn).2 giải Khuyến khích được trao cho Một số phận kỳ lạ (Nguyễn Anh Tuấn) và Cuộc thiên di màu đỏ (Đặng Thu Hà).

Ở hạng mục Kịch bản phim tài liệu, giải Nhì được trao cho kịch bản Nhà báo trẻ đi tìm nhà văn Sơn Tùng nơi Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh của Đào Tuệ Trinh. 2 giải Ba thuộc về Văn Cao - Đảng với đa tài, Đảng với thiên tài (Giang Hà Vỵ - Nguyễn Hoài Giang) và Ngôi trường xưa bên dòng sông Công (Nguyễn Thị Mỹ Trang).

Thanh Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm