Cuộc sống sau ống kính: Nhà tranh vách đất

28/07/2024 13:10 GMT+7 | Văn hoá

Những người thuộc thế hệ 9x trở đi, nhất là lại ở thành phố chắc không biết thế nào là "nhà tranh vách đất".

Tôi đã được sinh ra và lớn lên trong một căn nhà như thế, ngôi nhà tranh vách đất kiểu đồng bằng Bắc bộ. Ba gian, hai chái, tường đất, mái lợp rạ, nó là chỗ cho cả gia đình tôi ở vào mùa hè, vì không ai muốn vào ngôi "nhà trên" bằng gỗ lim, lợp ngói nóng như nung.

Cuộc sống sau ống kính: Nhà tranh vách đất - Ảnh 1.

“Tổ hợp” nhà tranh vách đất ở huyện An Dương, năm 1997

Tôi cũng biết cách làm nhà đất khi đi xem hàng xóm làm nhà. Ngoài khung, mái và cửa tương đối khó, thì làm một ngôi nhà đất khá dễ. Đầu tiên là đổ đất làm nền, rồi đắp chân tường và cắm lên đó các cây tre nhỏ thành bộ xương ô vuông. Đất sét được nhào thành bùn, trộn rơm và trét theo bộ xương tre để làm vách. Muốn đẹp thì lấy đất nhào nước, xoa bên ngoài vách cho nhẵn, xịn nữa thì lấy vữa xi măng trát bên ngoài, giả nhà xây.

Cuộc sống sau ống kính: Nhà tranh vách đất - Ảnh 2.

Ngôi nhà tranh vách đất sắp đổ ở phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng, năm 2003

Nhưng tôi không biết "tranh" là gì, vì ở làng tôi người ta lợp nhà chủ yếu bằng rạ, xịn lắm thì dùng lá cọ. Có dạo thì rạ cũng khá xa xỉ vì hợp tác xã vận động người dân cấy lúa Nông nghiệp 8, là loại lúa lùn, khi gặt thì cắt cả cây chứ không chia riêng được hai phần rơm - rạ.

Mái nhà tôi lợp bằng rơm này quanh năm bị chim sẻ và chuột bới để tìm thóc còn sót, hoặc làm tổ, đến mùa mưa thì dột lung tung. Lợi thế của nhà tranh là rất mát, "hại thế" là dễ đổ trong mùa mưa bão và đặc biệt là (nói dại) khi cháy thì vô phương cứu chữa.

Cuộc sống sau ống kính: Nhà tranh vách đất - Ảnh 3.

Bên trong ngôi nhà tranh vách đất ở phường Tràng Cát

Khi tôi đi bộ đội, đóng quân ở một vùng rừng núi, nay là khu vực Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang, được đơn vị giao cho đi "đánh tranh". Rừng Tây Yên Tử 40 năm trước rất nhiều tre, nứa. Chúng tôi chặt nứa về, đẵn từng đoạn bằng nhau rồi đập dập và đan thành các tấm "tranh" để lợp doanh trại. Đây là cách gọi phỏng theo những tấm lợp đan bằng cỏ tranh mà từ đó có câu ngạn ngữ "đều như vắt tranh" (nhưng đa số người vẫn gọi nhầm là vắt chanh, tức vắt quả chanh).

Tiếc là đến những năm 1990, khi tôi biết chụp ảnh, thì những ngôi nhà tranh vách đất như đã kể không còn nhiều. Đến nay thì nhà tranh vách đất đã là của hiếm.

May mắn thay, vào năm 1997 ở huyện An Dương, Hải Phòng, tôi vẫn còn chụp được một "tổ hợp" nhà tranh vách đất rất điển hình với nhà chính, nhà bếp, nhà vệ sinh. Ít năm sau, khi về phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng, tôi cũng chụp được một ngôi nhà tranh vách đất sắp đổ. Những ngôi nhà này giờ đều đã không còn.

Cuộc sống sau ống kính: Nhà tranh vách đất - Ảnh 5.

Ngôi nhà tranh vách đất được phục dựng công phu trong Việt phủ Thành Chương ở Sóc Sơn, Hà Nội

Ngày nay, thật khó để tìm thấy một ngôi nhà tranh vách đất điển hình theo phong cách đồng bằng Bắc bộ. Có lẽ vì thế mà trong khu Việt phủ Thành Chương, họa sĩ cũng xây dựng một ngôi nhà tranh vách đất nhưng rất cầu kỳ. Hãy cùng xem những bức ảnh này và nhớ về một thời nghèo khó, để thấy cuộc sống hôm nay đã đủ đầy nhưng cũng oi ả, nóng nực bao nhiêu…

Lưu Quang Phổ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm