Tây Ban Nha trong vòng xoáy khủng hoảng

26/08/2011 18:59 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Cuối tuần) -  La Liga trở nên nhàm chán bởi sự thống trị của Real Madrid và Barcelona. Và chính sự thống trị cả về chuyên môn và tài chính ấy đã đẩy giải đấu này vào kết cục đáng buồn như hiện nay. Ban tổ chức La Liga đang tính chuyện dời giờ thi đấu lên buổi trưa để phục vụ khán giả châu Á, qua đó tăng sức cạnh tranh với Premier League. Nhưng với cách vận hành và quản lý kém cỏi thế này, còn lâu họ mới sánh ngang được với giải đấu hấp dẫn của người Anh.

 

Cristiano Ronaldo và Lionel Messi phải chờ đợi vì ngày khởi tranh đã bị dời lại sau cuộc đình công (chính thức) đầu tiên sau 27 năm. Vụ việc có thể gói gon như sau: các cầu thủ muốn Ban tổ chức Liga (LFP) bảo đảm những lợi ích ghi trong hợp đồng cho mình một khi CLB không còn khả năng chi trả. Họ có nhiều lý do để lo sợ điều này: Hơn phân nửa số CLB ở 2 giải đấu cao nhất Tây Ban Nha đang được bảo hộ phá sản và con số 22/42 đội chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.

 

Sân La Rosaleda, nơi dự kiến tổ chức trận Malaga - Barcelona ở vòng 1, trống vắng trong ngày La Liga khởi tranh mùa giải 2011-2012 -Ảnh Getty

Hiệp hội các cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) đồng thời yêu cầu: các cầu thủ được quyền huỷ hợp đồng một khi họ không được trả lương đến tháng thứ 3. Các CLB “quỵt” lương phải chịu hình phạt chẳng hạn như trừ điểm để răn đe. Những con số nói lên tất cả: khoảng 200 cầu thủ đang bị nợ món tiến lương lên đến 72 triệu USD và con số này sẽ ngày càng tăng theo thời gian. Mùa trước, các cầu thủ Racing và Hercules gần như thi đấu “từ thiện”.

Khi 2 trận đấu hào nhoáng của Siêu Cúp Tây Ban Nha trôi qua, khán giả yêu Liga đang gánh chịu hệ luỵ của sự thống trị mà “liên minh” Real – Barca đã tạo ra. Trận El Clasico càng hấp dẫn, càng phá những kỷ lục về doanh thu và mức độ phủ sóng thì phần còn lại của Liga càng thêm ảm đạm. Họ bao giờ cũng chiếm 2/4 suất dự Champions và chiếm những miếng bánh ngon nhất của bản quyền truyền hình.

 

Hệ lụy của việc này là La Liga sẽ dần trở thành giải Scotland, nơi chả còn CLB nào muốn thi đấu nữa vì biết trước kết cục. Hệ lụy là trận derby lẫy lừng danh tiếng Celtic - Rangers đang ngày càng mất dần sự chú ý. Trận “El Clasico” vẫn đang hấp dẫn, nhưng ai dám chắc sự hứng thú của mọi nguời sẽ vẫn vậy sau khoảng chục trận “El Clasico” nữa?

 

Việc các đội bóng thiếu tiềm lực cạnh tranh càng bị đồng loã bởi khả năng quản lý kém của các ông chủ. Việc đề đơn xin bảo hộ phá sản thực ra không phải là một sự trừng phạt mà trong chừng mực nào đó còn là một con đường, một lối thoát. Họ có thể mua cầu thủ mà... quên trả tiền, có thể quịt lương cầu thủ cũng như khỏi phải... trả nợ ngân hàng. LFP đã làm ngơ với tất cả những điều đó. Việc AFE đề nghị phải có quỹ bảo hộ tiền lương cũng có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của LFP với giải đấu của chính họ. Nghe đâu Valencia hãy còn nợ Real Betis 6 triệu euro từ tiền chuyển nhượng tiền vệ Joaquin hồi 2006. Rồi mới đây, lến đương Valencia là nạn nhân khi bán tiền vệ trẻ Isco cho Malaga với giá 7 triệu euro nhưng đến giờ chưa nhận được xu nào. LFP đứng đâu trong những vụ bê bối này?


Trong 100 cầu thủ ngồi sau lưng Chủ tịch AFE Luis Rubiales trong cuộc phát động đình công hơn nửa tháng trước, không có bất kỳ cầu thủ nào bị nợ lương. Trái lại đó là những người đang hưởng thu nhập rất cao như Santi Cazorla, Iker Casillas, Xabi Alonso, Carles Puyol hay Fernando Llorente, nhưng họ biết mình phải làm điều gì đó cho những đồng nghiệp đang bị thiệt thòi. Từ tháng 12 năm ngoái đến giờ đã có 3 lời đe doạ đình công. Như như câu chuyện “cậu bé chăn cừu” hô toáng có sói, LFP vẫn bình chân như vại vì tin các cầu thủ sẽ chả dám làm gì.

 

Mặt tối của nhà vô địch

 

Tây Ban Nha là đất nước của những nhà vô địch thế giới của Euro, nơi tuyến trẻ U19 và U21 của họ vô địch châu Âu, nơi Barcelona đang thống trị châu Âu và được xưng tụng là một trong những đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Cuộc đình công này một lần nữa cho người ta thấy mặt trái của một nền bóng đá đang oằn mình vì khủng hoảng kinh tế. 

 

Nếu nhìn vào quảng cáo trên áo đấu, người ta càng dễ dàng nhận ra vì sao các CLB lại “mặt dày” khất lương của các cầu thủ. Vào thời buổi mà Man.United đã bán quảng cáo trên cả áo tập, phân nửa các CLB tại giải cao nhất Liga vẫn chưa có quảng cáo trên áo đấu. Trong đó có những CLB lớn thi đấu tại châu Âu như Valencia, Villarreal, Atletico, Sevilla.

 

Ngay trong lĩnh bực này đã có những chênh lệch to lớn. Trong lúc Real và Barca mỗi đội bỏ túi 30 triệu euro/mùa từ quảng cáo áo đấu thì tổng số tiền quảng cáo của 18 đội còn lại gộp lại cũng chưa đến 10 triệu euro. Các đối tác viện cớ khủng hoảng để ép giá, nhưng 4 CLB lớn nêu trên thà là đá với áo “sạch” chứ quyết không hạ giá xuống thấp hơn 3 triệu euro/mùa. Cuộc khủng hoảng này thực ra không mới, nhưng “nhờ” có cuộc đình cônng mà người ta mới được dịp nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó mà thôi.


Thu Trang

Một quá trình căng thẳng

Ngày 11/8: Hiệp hội cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) với sự đồng thuận của gần 100 cầu thủ trụ cột của các CLB La Liga, trong đó có Iker Casillas, Xabi Alonso, Fernando Llorente và Santi Cazorla, chính thức phát động lệnh đình công sau nhiều lần đe doạ. Chủ tịch AFE Luis Rubiales tuyên bố chừng nào chưa đi đến thoả thuận, chừng ấy La Liga vẫn chưa thể khởi tranh. Đây là lần thứ năm trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha chứng kiến việc biểu tình. Lần đầu tiên đến vào năm 1979, không lâu sau khi AFE được thành lập.

Ngày 12/8: Hiệp hội các HLV Tây Ban Nha (ANEF) lên tiếng ủng hộ cuộc đình công. Hôm ấy, ANEF bảo đình công “không phải là một cách ép buộc mà là đòi hỏi chính đáng và hợp lý”.

Ngày 17/8: Chủ tịch LFP Jose Luis Astiazarán xác nhận cuộc họp đầu tiên giữa Ban tổ chức Liga (LFP) và AFE không đi đến thoả thuận nào và đành phải hẹn sang một cuộc họp khác vào 2 ngày sau

Ngày 19/8: Chưa đầy 24 giờ trước ngày khởi tranh La Liga theo dự kiến, 2 bên chính thức tuyên bố không kịp tìm thấy thoả thuận và vòng 1 của La Liga 2011-2012 chính thức bị hoãn. Có 2 cách để giải quyết vòng đấu bị hoãn. Một là tiến hành đá lại vào ngày 27/12 hoặc 28/12, tức ảnh hưởng đến kỳ nghỉ Giáng sinh truyền thống của các cầu thủ. Hai là huỷ luôn vòng 1, tức Liga chỉ còn 37 vòng.

Ngày 20/8: 16/20 đội vẫn ra sân tập luyện bình thường dù vẫn đang có lệnh đình công. Chỉ có 4 CLB nghỉ tập đúng theo tinh thần của AFE là Sporting Gijon, Racing Santander, Real Betis và Rayo Vallecano. 19/22 đội tại giải hạng Nhì (Segunda Liga) vẫn ra sân tập. Đây là cách các CLB chuẩn bị cho vòng 2 để không bị động một khi các bên tìm được thoả thuận trước giờ bóng lăn.

Ngày 22/8: La Liga tiếp tục hoang mang khi các bên vẫn chưa tìm thấy thoả thuận dù đã trải qua 4 buổi họp trong vòng 4 ngày (thứ Bảy, thứ Hai và thứ Ba), trong đó buổi họp hôm thứ Ba kéo dài 6 tiếng đồng hồ, Nếu vòng đấu thứ 2 vào cuối tuần này lại bị hoãn thì phải đến ngày 10-9 Liga mới hy vọng khởi tranh bởi ngay tuần sau đã là loạt trận quốc tế.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm