(TT&VH) - Thế giới bóng đá đang bị đảo lộn bởi những đồng tiền có mùi dầu lửa của các ông hoàng Ả rập. V-League ở vùng trũng, nhưng những ông bầu ở đây cũng đang tạo nên một thế giới Ả rập thu nhỏ.
Thế giới ấy không có những hoàng thân của Dubai hay của Qatar hay Saudi Arabia. Thế giới ấy chỉ có những ông chủ của các doanh nghiệp thuần Việt. Tất cả những khoản đầu tư chỉ là tờ bạc mệnh giá Việt Nam đồng. Ngân sách của một CLB ở Việt Nam chi tiêu trong 1 năm cỡ khủng như T&T HN, SHB.ĐN (chừng 50 tỉ/CLB) cũng chỉ bằng lương 3 tháng của Robinho ở Manchester City (160.000 bảng/tuần).
Nhưng, trong thế giới ấy, nếu các ông chủ Việt chơi bóng đá cũng chơi hết mình, thậm chí chỉ đúng với tiềm lực của họ thôi, thì V-League thực sự là giải ngoại hạng Anh của bóng đá Đông Nam Á, và Liga Indonesia hay S-League của Singapore khi ấy sẽ chỉ là những giải đấu tầm thường.
Từ chiếc máy bay của bầu Đức
Hơn 1 năm trước, bầu Đức mua chiếc máy bay mini hàng dùng rồi giá 7 triệu USD. Ông Đức mua để phục vụ việc đi lại trong kinh doanh, và cũng trên chiếc máy bay ấy, ông đón Lee Nguyễn về Pleiku.
Bầu Tuấn của HP.HN
Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất sắm phi cơ và nó ít nhiều cho thấy, làng bóng Việt đã và đang quy tụ được những đại gia cỡ bự của nền kinh tế thời mở cửa.
Mặt khác, việc mua phi cơ và làm bóng đá của bầu Đức cũng là một sự song hành, bởi tính đột phá trong việc tậu các ngôi sao tầm cỡ khu vực trước kia, bắt tay với Arsenal để xây học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam, đều là những bước đột phá cả.
Bầu Đức chỉ từng làm người ta không tin khi ông bảo sẽ mua Arsenal. Dù ở thời điểm ấy, khi chứng khoán hưng thịnh và cổ phiếu của HAGL trên sàn OTC được định giá ở mức gần 250.000 đồng, đưa tổng tài sản của ông lên mức gần 14.000 tỉ đồng (tức là thừa tiền để mua Arsenal), nhưng thâu tóm CLB thành London là 1 việc không thể, có tiền cũng không mua nổi.
Tới chiếc trực thăng của Hòa Phát
HPHN đang đặt mua chiếc máy bay tư nhân thứ hai ở Việt Nam (dĩ nhiên không tính hãng hàng không tư nhân Indochina của Hà Dũng), sau bầu Đức.
Chiếc trực thăng bầu Long, bầu Tuấn (2 ông chủ của đội bóng HPHN) đặt mua sẽ ngốn của họ chừng 5 triệu USD, tương đương với khoảng 90 tỉ đồng.
Bầu Tuấn cho biết, nó sẽ là phương tiện đi lại của họ trong công việc, ví như đi từ Hà Nội lên vùng núi phía Đông Bắc, nơi đang có những dự án về sắt thép của tập đoàn này.
Vậy là rõ, nó không phải là chiếc du thuyền hay một chiếc phi cơ để du ngoạn. 90 tỉ cho một phương tiện đi lại rõ ràng cho thấy HPHN nếu muốn đầu tư vào bóng đá, tham gia các cuộc đua tranh sắm các ngôi sao nội và ngoại, họ hẳn không phải là những viên đá lót đường.
5 triệu USD bây giờ gần bằng số tiền mà người ta đang định giá cho tiền đạo Van Nistelrooy của Real Madrid, người mà bầu Hiển của T&T HN nói rằng ông rất muốn sở hữu.
Và câu chuyện của bầu Kiên, bầu Hiển
Bầu Kiên không mua máy bay 7 chỗ ngồi, không sắm trực thăng, không có ý định mua Van Nistelrooy hay Deco, nhưng người trong giới bảo, những thứ đó cũng chỉ như ông chủ của HNACB sắm 1 chiếc xe máy Dream, hoặc chỉ như ngôi biệt thự ông xây cất bên khu Hồ Tây đẹp nhất Hà Nội bây giờ cũng tầm cỡ số tiền ấy.
Bầu Kiên không chỉ là VIP trong ngành tài chính (Ngân hàng ACB) mà còn vươn tay sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả đồ ăn nhanh. Sức của ông nếu chơi bóng đá, cầu thủ HNACB ước chỉ cần 1% khả năng, đội bóng cũng là đại gia.
Dân bóng đá mới biết Bầu Hiển, cũng không hiểu ông có sắm trực thăng, phi cơ đơn giản như người ta mua chiếc wave Tàu hay không, và ai cũng rõ, thời ông phất lên nhờ xe máy Trung Quốc đã qua khá lâu rồi. Nhưng ông lại đang tạo ra một cuộc tranh cãi cho những ai quan tâm BĐVN bằng những tin tức ông nhắn gửi về từ trời Âu liên quan tới Deco, Guti hay Van Nistelrooy.
Các cầu thủ T&T HN cũng không màng tới chuyện đó. Với họ, ông Hiển không mua máy bay, không xây lâu đài 7 triệu USD, nhưng cứ mỗi trận thưởng ngót 1 tỉ thì cũng như Ả rập rồi. Và hình như, bóng đá cũng chỉ cần có thế! Các cầu thủ HNACB cũng đang mơ 1 ngày nào đó, bầu Kiên của họ cũng “nổ”…
Phong Vũ