Cuộc chiến của Man City đang phá hỏng Premier League

15/10/2024 06:48 GMT+7 | Bóng đá Anh

Phán quyết của tòa án trong vụ kiện giữa Manchester City và Premier League vào tháng 6 chủ yếu xoay quanh một thỏa thuận thương mại gây tranh cãi. Đó là hợp đồng năm 2023 của đội bóng này với hãng hàng không Etihad Airways của Abu Dhabi.

Đó là một thỏa thuận có quy mô lớn bất thường về mặt quyền lợi dựa theo giá trị thị trường.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Hợp đồng của Man City và Etihad Airways được thông qua vào đầu năm ngoái. Trong hơn 30 trang phán quyết của tòa án trọng tài được công bố tuần qua, 3 thành viên hội đồng đã khẳng định rằng Premier League không vô lý khi đánh giá thỏa thuận với Etihad cao hơn giá thực tế thị trường. Tuy nhiên, Man City đã tự tin liên hệ với 19 câu lạc bộ khác tại Ngoại hạng Anh và thông báo với tất cả qua cố vấn pháp lý Simon Cliff rằng những cáo buộc của Premier League là sai.

Một cuộc họp cổ đông khẩn cấp sẽ được triệu tập vào tuần này, sau khi tòa tuyên bố rằng một số quy tắc về giao dịch của bên liên quan (APT) thuộc Premier League là bất hợp pháp và không công bằng về mặt thủ tục. Man City đã giành chiến thắng quan trọng trong phiên điều trần về quy tắc APT trước Premier League. Kết quả này không chỉ ảnh hưởng đến Man City mà còn có thể tạo ra làn sóng thay đổi trong cách vận hành tài chính của các câu lạc bộ Premier League, đặc biệt là việc tuân thủ Quy tắc về lợi nhuận và bền vững (PSR).

Với những việc đang làm, Man City đã thách thức tính hợp pháp của các quy tắc APT, sau khi chúng được thắt chặt. Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh đã viết thư cho 20 đội bóng thành viên để thông báo rằng, họ sẽ nhận được thông tin cập nhật về kế hoạch của tuần tới. Trong cáo trạng dài 175 trang được công bố tuần qua, hội đồng gồm 3 thẩm phán đã xác định các quy tắc của APT là bất hợp pháp vì chúng không bao gồm các khoản vay.

Manchester City: Cuộc chiến đang phá hỏng Premier League - Ảnh 1.

Cuộc nội chiến “phá hỏng” bóng đá Anh

Các đội bóng đã cung cấp cho giải đấu thông tin chi tiết về các khoản vay của cổ đông trong vài ngày qua, khi các đề xuất được đưa ra để sửa đổi các quy tắc APT. Các quy tắc này được đưa ra vào năm 2021 để ngăn các đội bóng tăng doanh thu bằng cách ký các hợp đồng thương mại và tài trợ thổi phồng với các công ty có liên hệ với chủ sở hữu và cổ đông của họ. Các câu lạc bộ bao gồm cả Man City đã bỏ phiếu chống lại việc đưa các khoản vay của cổ đông vào các quy tắc hạn chế này.

Cuộc họp tuần tới có khả năng sẽ chứng kiến 20 đội bóng chia thành các nhóm tương tự như những nhóm đã ủng hộ Man City hoặc ủng hộ Premier League tại phiên điều trần kéo dài hai tuần vào tháng 6. Chelsea, Newcastle và Everton đứng về phía Man City tại phiên điều trần, trong khi Premier League nhận được sự ủng hộ của Arsenal, MU, Liverpool, Tottenham, Brighton, West Ham, Brentford, Bournemouth, Wolves và Fulham, nghĩa là họ đang có nhiều đội bóng ủng hộ hơn là Man City.

Hệ lụy khôn lường

Một số vấn đề có thể dễ dàng khắc phục, chẳng hạn như cho Man City quyền khiếu nại trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, một số vấn đề lại không thể khắc phục và sẽ mất nhiều thời gian cũng như tiền bạc của các bên. Dẫu vậy, mọi người đều đồng ý rằng các quy tắc bị vi phạm đã ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh Premier League.

Để dễ hình dung, vụ việc này có thể so sánh với scandal liên quan tới hành vi sử dụng doping của huyền thoại Lance Armstrong. Rất nhiều người thần tượng tay đua này đã chỉ trích Cơ quan chống doping của Mỹ vì đã công khai phơi bày việc sử dụng doping của Lance Armstrong. Các chuyên gia có nhiệm vụ duy trì đúng sai của pháp luật, nhưng nó có thể trở nên lệch lạc về quan điểm khi những thần tượng bị công khai sai phạm. Không có nghi ngờ gì về việc Man City đang hành động vì lợi ích của chính họ và có một cuộc chiến lớn hơn đang manh nha xảy ra. Điều đó sẽ khiến Premier League và các thành viên của giải đấu trở nên xấu đi trong mắt của người hâm mộ.

Rõ ràng, cuộc chiến giữa Man City và Premier League đang nóng hơn bao giờ hết. Đôi bên đều muốn làm mọi cách để giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý liên quan đến các quy tắc APT. Điều này sẽ càng khiến sự chia rẽ trở nên lớn hơn trong thời gian tới. Nên nhớ, nếu các quy tắc được điều chỉnh và lãi suất được áp dụng cho các khoản vay, nhiều câu lạc bộ có thể đột nhiên rơi vào trường hợp vi phạm các quy tắc PSR. Tờ The Times báo cáo rằng Everton, Brighton và Arsenal hiện đang nợ nhiều nhất, với số tiền lần lượt là 451 triệu bảng, 373 triệu bảng và 259 triệu bảng. Những đội bóng này chắc chắn sẽ cùng Premier League chống lại Man City nhằm bảo vệ lợi ích riêng của họ.

Cái giá của cuộc nội chiến

Các câu lạc bộ tham dự Premier League mới đây đã bị cảnh báo rằng cái giá phải trả cho cuộc nội chiến liên quan tới Man City là rất lớn. Có nhiều đội bóng ủng hộ nỗ lực của Man City nhằm tuyên bố quy tắc APT hiện tại là bất hợp pháp sau phán quyết của một tòa án độc lập. Man City cũng đang đấu tranh với Premier League về 115 cáo buộc không cung cấp thông tin tài chính chính xác trong một vụ kiện riêng biệt.

Luật sư thể thao hàng đầu Simon Leaf, đối tác của công ty luật quốc tế Mishcon de Reya tin rằng Premier League có thể phải trả giá đắt khi các hợp đồng tài trợ bị ảnh hưởng. "Nếu Premier League liên tục phải đấu tranh pháp lý với các câu lạc bộ thành viên thì điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu của họ. Đây là một giải đấu được coi là viên ngọc quý của nước Anh. Thiệt hại có thể không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng khi trận đấu diễn ra trong phòng xử án thay vì trên sân cỏ, thì đó không phải là điều mà các nhà tài trợ và đài truyền hình muốn tham gia", ông Simon Leaf khẳng định.

Viết Thành

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm