Cuộc chém giết 'hoài cổ'

02/05/2017 06:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Quần đảo Falkland (tiếng Anh: Falkland Islands) hay quần đảo Malvinas (người Argentina gọi là Islas Malvinas) là mấy hòn đá trơ trụi nằm ở Nam Đại Tây Dương. Vài người dân ở đây sống đạm bạc bằng nghề đánh cá hay nuôi cừu.

Hai cái tên ở hai ngôn ngữ khác nhau là ngòi nổ cho cuộc chiến vô nghĩa cách đây 35 năm.

1/4/1982: chiến tranh không thể tránh khỏi

Điện khẩn của Bộ Quốc phòng Anh vượt qua 13.000km đến đơn vị đồn trú trên đảo: Hiện đang có một hạm đội tàu chiến Argentina rẽ sóng tiến về Falkland, dự đoán sẽ đổ bộ ở đảo Đông Falkland và đảo Tây Falkland. Chỉ huy Mike Norman được lệnh cố gắng cầm cự để chờ một giải pháp ngoại giao, hoặc… bị tiêu diệt.

Không cần nghĩ lâu, Norman cũng đoán ra số phận của 68 lính thủy đánh bộ dưới quyền mình: riêng số lính Argentina đã đông gấp 20 lần, chưa kể được trang bị và tiếp tế hùng hậu. Nhưng ông không có lựa chọn. Đơn vị tỏa ra các điểm quan trọng về mặt chiến lược ngay cửa ngõ thủ phủ Port Stanley. Khi mặt trời lặn, thủ hiến Rex Hunt hôm đó không kéo quốc kỳ Anh xuống như mọi hôm, và lần đầu tiên trong đời ông gọi một người lính đến chỉ cách nạp đạn và ngắm bắn một khẩu tiểu liên 9mm.

Rạng sáng 2/3, ông nhận bức điện thứ hai từ London. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã gọi điện trực tiếp cho tổng thống Argentina là tướng Galtieri để can gián nhưng không thành. Khoảng 4h30 sáng, trực thăng thả 120 lính tinh nhuệ của Galtieri xuống đảo, đồng thời 4 tàu chiến và 4 tàu “há mồm” bắt đầu vào cảng.

Tổng cộng 13 ngàn lính Argentina được đưa đến Islas Malvinas, trước khi quần đảo thất thủ

Giáp lá cà như trong Thế chiến I

Người Anh bắn hết đạn thì xông ra “một chọi một” như ngày xửa ngày xưa. Trong vòng vài tiếng, quân Argentina chiếm toàn bộ Port Stanley và diện tích phụ cận, và thay lá cờ Anh bằng lá cờ xanh trắng của mình trước Dinh Thủ hiến. Lính Anh giơ tay hàng lúc 9h30 và bị dồn vào một khu tập trung. Thiếu tá Norman thất trận nhưng lại có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh, vì lính của ông đã hạ 5 kẻ địch, bắn bị thương 17 và diệt một xe bọc thép. “Chúng tôi không cán đích đầu tiên” - sau này Norman ba hoa trong hồi ký - “nhưng đã chạy hết chặng chứ không bỏ cuộc”.

Nhưng cuộc đổ bộ thành công của Argentina không phải là hồi kết của cuộc xung đột, mà bây giờ mới thực sự bắt đầu một cuộc chiến tranh kéo dài 74 ngày, một cuộc chiến khiến các nhà viết sử lắc đầu ngán ngẩm.

Cuối thế kỷ 20 quả thực có nhiều nội chiến trong thế giới thứ ba và xung đột vũ trang giữa các sắc tộc, đôi khi cả những cuộc đọ sức thiếu cân bằng giữa chủ nghĩa khủng bố và các quân đội trang bị kỹ thuật cao. Nhưng cuộc chiến trên quần đảo Falkland không giống bất cứ cuộc chiến tranh nào ở thời hiện tại. Nhiều hồi ký để lại cho thấy nhiều trận giáp lá cà bằng dao găm hay đọ sức trong chiến hào như trong Thế chiến I. Nhưng nguyên nhân chiến tranh mới là chuyện đáng bàn.

Lính Argentina đọc báo từ hậu phương ca ngợi chiến tích anh hùng của mình

Tính toán chính trị của tướng Leopoldo Galtieri

Nguyên nhân của “cuộc chành chọe ngu xuẩn không giống ai giữa chủ nghĩa đế quốc hoài cổ và chủ nghĩa phát xít hoài cổ” (lời nhà văn Anh Julian Barnes) là hai người đứng đầu quốc gia đều cần nó. Đôi khi chính trị có bộ mặt xấu xí như vậy.

Tướng Leopoldo Galtieri, người cầm đầu bộ máy độc tài quân sự, cần ghi điểm để xoa dịu dư luận dân chúng. Lấy lại được Islas Malvinas, ông ta hy vọng thổi lên lòng tự hào dân tộc của người dân và qua đó làm họ bớt chú ý đến các vấn đề nội trị.  

Tính toán của Margaret Thatcher cũng chẳng tử tế gì hơn, khi tung quân ra chiếm lại mấy hòn đảo vô ý nghĩa về kinh tế, nhưng lại được dân chúng ủng hộ trong kỳ bầu cử sắp tới.

Kỳ vọng của Galtieri được đáp ứng, ít nhất là về ngắn hạn. Trong niềm vui chiến thắng ngất ngây, nhiều người Argentina có vẻ quên bẵng những khó khăn kinh tế dưới quyền điều hành của bộ máy mới lên ngôi nhờ đảo chính và đặc biệt là việc Galtieri đàn áp dã man lực lượng đối lập. Nhà độc tài ở Buenos Aires bỗng được coi là chiến sĩ giải phóng thuộc địa! Quân du kích Monteneros buộc phải chiều lòng dư luận và đề nghị tạm ngừng bắn với chính quyền quân sự...

Chính vì thế mà việc Anh tái chiếm quần đảo Falkland hôm 14/6 cũng là đòn hạ bệ Galtieri. Ông tướng độc tài bị đưa ra tòa và nhận án tù 12 năm vì vô số vi phạm nhân quyền cũng như bê bối về điều hành trong chiến tranh Falkland. 

Hàng vạn dân Buenos Aires xuống đường tung hô tổng thống Leopoldo Galtieri như người hùng chống thực dân, quên các vấn đề về kinh tế và sự đàn áp dã man phe đối lập

“Bà đầm thép” cũng biết tính

Người chiến thắng – “Bà đầm thép” Margaret Thatcher - nổi lên như diều. Năm 1982 là năm khốn đốn của bà kể từ khi nhậm chức trước đó 3 năm. Đang là đối tượng chỉ trích ở Anh vì chính sách bớt thuế cho nhà giàu đi đôi với giảm trừ quỹ trợ cấp xã hội, thắng lợi Falkland khiến bà được tái bầu, không những thế, bà còn nhân 3 số ghế của Đảng Bảo thủ trong Hạ viện, mặc dù nước Anh có 3 triệu người thất nghiệp, lãi tín dụng cao ngất ngưởng và hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ.  “Đối với Anh” - báo Wall Street Journal - nhận định, “chiến thắng Falkland không chỉ có nghĩa lấy lại được mấy hòn đảo, mà cả vị thế quốc tế và lòng tự tôn”.

Thực tế quần đảo Falkland luôn là biểu tượng quyền lực của Anh. Người Anh chiếm nó từ 1883 và xua mấy người Argentina trên đảo vào đất liền. Thập kỷ 1960, khi Liên hợp quốc ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa ở Nam Mỹ, Anh từ chối ngồi vào bàn và vận động ngót 3 ngàn cư dân ở đó ủng hộ sự thống trị của Anh.     

Tuy nhiên, tài liệu được giải mật 2013 cho thấy nội bộ chính phủ Thatcher cũng có người chống lại “Bà đầm thép”. 4 ngày sau khi Argentina chiếm đảo, một số thành viên cao cấp khuyên Thatcher từ bỏ mảnh đất cằn cỗi đó và gợi ý cư dân Falkland nào không muốn sự cai trị của Argentina sẽ được bảo đảm nhận về Anh, New Zealand hoặc Australia với món hỗ trợ 100 ngàn USD mỗi gia đình. Nhưng có lẽ họ chưa thấu hiểu ngón đòn chính trị của Thatcher với hệ quả là chiến tranh bằng mọi giá.

Và cái giá phải trả

Ngày 2/5 ở hải phận quốc tế (!) một tàu ngầm Anh bắn chìm chiến hạm “Tướng Belgrano” của đối phương. 2 ngày sau tàu chiến Anh “Sheffield” trúng một loạt tên lửa của Argentina. Cuộc chiến đe dọa leo thang, khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc  Pérez de Cuéllar phải can thiệp.

11/5, khi Argentina tỏ ý chấp nhận đàm phán, ông đề nghị Anh ngừng bắn và chấp nhận một bộ máy quản lý lâm thời do Liên hợp quốc thành lập với sự tham gia của cả hai bên. Lại một lần nữa London lắc đầu và đưa một hạm đội hùng mạnh ra trận: 2 hàng không mẫu hạm, 42 tàu chiến, 22 tàu tiếp tế, 62 tàu dân sự - trong đó có tàu du lịch 5 sao “Queen Elisabeth II” được sửa thành tàu chở quân.

Chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga là 'hoàn toàn hiện thực'

Chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga là 'hoàn toàn hiện thực'

Thành viên Hạ viện đại diện bang Massachusetts Seth Moulton tuyên bố rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga là khả năng “hoàn toàn hiện thực”, và Nhà Trắng cần tính trước kế hoạch “hành động phản ứng”, The Hill cho hay.

Ngày 21/5, 3 ngàn lính Anh đồng loạt đổ bộ lên đảo. Cùng họ là 28 nhà báo. Mỗi bài báo bị qua 7 tầng kiểm duyệt! Đã nhiều trận thua được biến thành thắng và “bắn nhầm đồng đội” được sửa thành “đọ súng ác liệt.” Nhìn chung, cuộc tấn công diễn ra đúng dự định. 13 ngàn lính Argentina đồn trú trên đảo vừa kém trang bị lại vừa là lính ít huấn luyện, thậm chí không có đồ mùa Đông và tàu tiếp tế thực phẩm cũng không đến.

Ngày 14/6, Puerto Argentino (thủ phủ Port Stanley cũ) thất thủ, và một tuần sau Argentina đầu hàng.

Cuộc chiến 74 ngày ấy lấy đi mạng sống của 649 lính Argentina và 255 phía Anh. Nhờ cuộc chém giết vô nghĩa ấy mà Anh giữ được một di sản từ cuộc cướp bóc ngày xưa, trong khi vẫn phải chấp nhận nhả ra những hòn ngọc như Ấn Độ hay Gold Coast (hôm nay là Ghana). Chỉ có một an ủi lớn là cú hạ màn nhục nhã của Galtieri cũng là quân domino kéo theo các chế độ độc tài quân sự ở Brazil, Chile và Uruguay.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm