Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước

26/02/2024 06:38 GMT+7 | Văn hoá

Một đêm thơ dưới mưa vào tối ngày Rằm tháng Giêng (24/2) tại Hoàng thành Thăng Long có lẽ là điều ấn tượng trước nhất của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Cảm giác giá lạnh của mưa Xuân dường như bị xóa tan bởi những tiếng thơ ấm nồng, bởi tình yêu thơ thổn thức.

Như lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) bày tỏ trong lời phát biểu khai mạc: "Gió rét và mưa bay như một thách thức của thi ca nhưng với dân tộc Việt Nam càng trong thách thức, khổ đau và mất mát, những "đóa hoa" của trái tim, của mỗi gương mặt được mở ra".

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại đêm thơ

"Bản hòa âm đất nước" đa sắc màu

Tại sân khấu chính của đêm thơ, lần lượt các màn đọc thơ, trình diễn thơ được thể hiện theo 5 chương. Ở mỗi phần trình diễn, sắc màu thi ca của từng dân tộc được thể hiện sống động và lắng đọng. Đó là không gian then cổ xưa huyền bí và linh thiêng được mở ra với sự xuất hiện của NNƯT Duy Quang khi trình diễn làn điệu Bách hoa bách điểu. Lời ca hòa nhịp trong tiếng đàn tính dìu dặt cùng tiếng xóc lúc khoan thai khi lại dồn dập mang đến những thanh âm chơi vơi, mơ màng của điệu hát thần tiên trong quan niệm người Tày.

Đó là tiếng thơ mang theo cả "ngô lúa cười reo tận sân trời" của nhà thơ Pờ Sảo Mìn (người Pa Dí). Ông xuất hiện giữa ngày thơ như chính nguyên mẫu trong bài thơ Con trai người Pa Dí ông đọc: "Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt da vàng/ Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian/ Con trai người Pa Dí/ Đã đi như là chạy/ Như mưa bay lửa cháy ầm ầm/ Đã uống không biết say/ Chỉ âm thầm quay cuồng trong bão gió"…

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 2.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn đọc bài thơ “Con trai người Pa Dí”

Ông hóm hỉnh: "Thưa tất cả các ông, các bà, hôm nay, ngày này, giờ này, ở chỗ này tôi tự đọc bài thơ Con trai người Pa Dí. Bài thơ tôi viết cách đây khoảng 50 năm, bây giờ tôi đã thành một ông già rồi, các bạn có công nhận không? Tôi nói thật, tôi năm nay đã 81 tuổi. Tôi vừa tự hào vừa ngao ngán. Xin đọc trước 2 câu bằng tiếng mẹ đẻ, sai đúng tùy các bạn bình xét".

Rồi cả vũ trụ Mường ba tầng, bốn thế giới trong Khúc hát mùa Xuân được nữ nhà thơ Bùi Tuyết Mai mang về ngày thơ trong xênh xang áo váy, trong tiếng cồng chiêng vi vút núi rừng. Với Digan phương Đông, chàng trai người Dao Lý Hữu Lương tìm về: "Trong những ngôi nhà vách đất/ Đàn ông và đàn bà/ Hát những lời không thể phiên dịch/ Những bài hát không có âm điệu/ Nhịp đi là tiếng thở/ Những miếng trầm bung than lửa/ Bài hát đầu tiên hát về cội nguồn"…

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 3.

NNƯT Duy Quang trình diễn làn điệu “Bách hoa bách điểu”

Chương trình cũng sẽ không thể cất lên nếu thiếu đi những tiếng thơ vừa trầm hùng vừa lãng mạn của các tác giả miền Trung và Nam Trung bộ qua các tác phẩm Núi Mường Hung, dòng sông Mã của Cẩm Giang, Hồn du mục của Kiều Mai Ly. Cùng những giọng thơ ngọt ngào, dạt dào chất sông nước miền Tây của Thái Hồng với Nhắn người phương ấy ghé chơi, hoặc Thạch Đờ Ni với Mời bạn về với chúng tôi.

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 4.

Đội mưa nghe thơ tại Hoàng thành Thăng Long

"Hãy để thi ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mình" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, trong không gian thiêng liêng của Hoàng thành Thăng Long, các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc anh em trên mảnh đất Việt Nam đã hiện diện. Họ mang đến không gian lịch sử thiêng liêng này bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân mình, của mỗi dân tộc mình. Các nhà thơ của mọi thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đã cùng nhân dân viết lên bản tuyên ngôn bất hủ của dân tộc Việt Nam về cái đẹp và tự do.

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 6.

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai đọc bài thơ “Khúc hát mùa Xuân”

Ông Thiều đặc biệt nhấn mạnh: "Hãy để thi ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mình. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này".

"Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên Bản hòa âm đất nước. Tất cả những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thi ca của dân tộc Việt Nam".

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 7.

Nhà thơ Lý Hữu Lương đọc bài thơ “Digan phương Đông”

Không chỉ khẳng định vẻ đẹp thơ của các dân tộc, một trong những dấu ấn khác của Ngày thơ Việt Nam năm nay còn phải kể đến sự xuất hiện lần đầu tiên của các nhà thơ quốc tế. Họ đã viết về đất nước và con người Việt Nam bằng những tình cảm chân thành. Bản hòa âm thi ca dân tộc như được cộng hưởng thêm bởi những bài thơ của các tác giả quốc tế đọc tại đêm thơ.

Cụ thể, nhà thơ Jeon - Min (nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc) mang đến đêm thơ bài thơ Có một vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội với những câu thơ ấm áp và thấu hiểu: "Hà Nội - Việt Nam, hòn ngọc Đông Nam châu Á/ Ôm những vì sao trên bầu trời mùa Đông/ Trong làn sóng của mỗi con đường/ Tiếng mô-tô như đàn ong nhộn nhịp/ Những ngón tay thêu thùa như nhảy múa/ Rượu vang cuộc đời phảng phất hương thơm"…

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 8.

Nhà thơ Hàn Quốc Jeon - Min đọc bài thơ “Có một vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội”

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 đã khép lại nhưng dư âm của nó hẳn sẽ còn lâu dài. Đó là dư âm của Bản hòa âm đất nước trong mưa lạnh thấu xương nhưng ấm nồng tận tâm can bởi những câu thơ nâng niu hồn dân tộc vẫn được cất lên.

Cùng thơ cất lên bản hòa âm đất nước - Ảnh 10.

Không gian đường thơ dẫn đến Nhà ký ức

      ***

"Vật vã trong thơ/ Ướt sũng cùng thơ/ Em bảo không phải mưa đâu mà là trời đang khóc/ Từ núi rừng Tây Bắc đến đất mũi xa xôi/ Tiếng lòng Bạc Liêu mong manh sơ mi trắng/ Lạnh thấu xương giữa Hoàng Thành"… Đó là những câu thơ được nhà thơ Lê Quý Dương (Tổng đạo diễn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22) viết ngay sau khi kết thúc đêm thơ diễn ra vào tối ngày Rằm tháng Giêng (24/2) tại Hoàng thành Thăng Long. Chỉ từng ấy câu thơ đủ gói trọn những cảm xúc đặc biệt tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề Bản hòa âm đất nước.

Đắm chìm trong không gian thi ca các dân tộc

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 với chủ đề Bản hòa âm đất nước mang đến không gian đặc sắc tôn vinh di sản thi ca quý báu của 54 dân tộc Việt Nam và những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc, cũng như tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam.

Đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay do Ban tổ chức tuyển chọn. Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc.

Trên đường thơ, công chúng có thể bắt gặp từ những câu thơ quen thuộc như: "Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình" (Tố Hữu), "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng" (Nguyễn Khoa Điềm); "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời" (Quang Dũng); "Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương" (Y Phương)…

Đi hết đường thơ sẽ dẫn đến Nhà ký ức gây ấn tượng với hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên với mái được trang trí bằng các họa tiết thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Năm nay, Nhà ký ức trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật như Nông Quốc Chấn, Hồ Dzếnh, Bàn Tài Đoàn, Yến Lan, Quách Tấn, Y Điêng, Y Phương…

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm