(TT&VH Online) - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa cho biết kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng phí đường bộ năm 2005 và 2006 tại phòng Tài chính, phòng Kế hoạch – Đầu tư, 4 Khu quản lý đường bộ và 4 BQL dự án đường bộ của Cục Đường bộ VN, cho thấy hàng chục tỷ đồng chưa được nộp vào ngân sách, số tiền phải xử lý tài chính lên tới hơn 57 tỷ đồng, đồng thời đơn vị này “lười” tự động hóa việc thu phí mà dùng sức người là chính, gây tồn đọng vốn và thất thu ngân sách.
Hầu hết các dự án đều phải trả 30 – 50% tiền lãi
Theo KTNN, mô hình tổ chức thu phí giao thông hiện nay chưa phù hợp, các trạm thu phí là đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp cổ phần hoặc doanh nghiệp công ích, lao động thu phí theo định biên và quỹ lương do Cục Đường bộ giao. “Các Cty này thực hiện 2 cơ chế tài chính riêng biệt trong khi chưa xây dựng được tiêu thức phân bổ chi phí gián tiếp cho 2 loại hoạt động này dẫn đến một số Cty sử dụng số thu phí được để lại sai mục đích, đồng thời chiếm dụng số thu phải nộp NSNN và nộp Quỹ Hiện đại hóa, Quỹ điều hòa để sản xuất, kinh doanh” – KTNN nhận xét.
Cụ thể, năm 2005 chưa nộp đầy đủ, kịp thời số phí đã thu vào NSNN hơn 19,6 tỷ đồng. Năm 2006, chưa nộp hơn 16,7 tỷ đồng. Nợ Quỹ Hiện đại hóa của Cục năm 2005 – 2006 là 25,9 tỷ đồng và 19,2 tỷ đồng. Các đơn vị thuộc Cục này cũng chưa kịp thời trả nợ vốn vay (năm 2005 còn dư 5,9 tỷ đồng, năm 2006 là hơn 6,6 tỷ đồng. Qua kiểm toán, hầu hết các dự án ở đây đều phải trả lãi từ 30-50% tiền vay, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án và tăng chi NSNN. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng đến hiệu quả đầu tư khi quyết định đầu tư dự án bằng vốn vay”, trong khi Quỹ Hiện đại hóa vẫn còn dư hơn 184,7 tỷ đồng, quỹ khen thưởng của Cục dư hơn 6,1 tỷ đồng chưa sử dụng.
KTNN cũng phát hiện trong 2 năm này đã có 3,9 tỷ đồng được chi trên danh nghĩa mua 13 ô tô chuyển tiền cho các trạm thu phí nhưng đây không phải là xe chuyên dụng cho chở tiền mà hầu hết các Cty sử dụng xe ô tô vào mục đích khác. KTNN cũng phát hiện Khu quản lý đường bộ V sử dụng sai mục đích kinh phí sửa chữa thường xuyên hơn 9,1 tỷ đồng.
Thừa tiền nhưng “lười” xây trạm thu phí tự động
Năm 2005, các trạm thu phí đường bộ thu được 1.020 tỷ đồng, đạt 97% dự toán và vượt hơn 4% so với năm trước; năm 2006 thu 1.065 tỷ đồng, đạt hơn 99% dự toán, đồng nghĩa với việc chưa hoàn thành kế hoạch 2 năm liên tiếp. Nhiều khoản chi hỗ trợ, thuê công an, chi kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, quảng cáo… chưa hiệu quả và có thể giảm tỷ lệ này xuống dưới 15% để tiết kiệm chi cho NSNN, trong khi số thu phí giao thông đường bộ mới chỉ đáp ứng được 30% kinh phí duy tu đường bộ hàng năm.
Thu phí bằng máy đọc tiền xu - một giải pháp tiến tới thu phí điện tử được giới thiệu tại hội thảo “Công nghệ thu phí - Giải pháp thu phí liên trạm” do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức từ 27/05/2005 (ảnh VNN) |
Các trạm thu phí chủ yếu sử dụng hình thức thu thủ công. Trạm thu phí số 2 QL 14 (tỉnh Bình Phước) áp dụng công nghệ tự động hóa với giá trị công trình đề nghị quyết toán hơn 5,7 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng tháng 7/2006. Sau ít tháng đi vào hoạt động, so sánh kết quả cho thu phí từ tháng 7 đến 12/2005 và tháng 7 đến tháng 12-2006, số thu đã tăng 116% (5,6 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng), trong khi đó số lao động giảm từ 68 xuống còn 57 người. Chi phí in vé cũng giảm từ 51 triệu xuống hơn 28,7 triệu đồng. KTNN kết luận, với việc áp dụng công nghệ tự động đã góp phần tăng thu so với thủ công 16%, giảm biên chế 16%. Số lao động thực tế năm 2006 của Cục này lên tới 3.980 người, có thể thấy, nếu có kế hoạch tự động hóa việc thu phí đường bộ hoàn thiện có thể tăng thu, giảm chi đáng kể.
Mặc dù Quỹ Hiện đại hóa đã được trích lập từ năm 2003, số dư của quỹ tính đến hết năm 2007 là hơn 184,7 tỷ đồng, trong khi Cục Đường bộ vẫn phải vay vốn đầu tư thì việc để tồn dư quỹ hiện đại lớn là một lãng phí cho NSNN, ước tính lãi suất hàng năm trên 10 tỷ đồng. Và việc áp dụng công nghệ thu tự động hóa đã có kết quả khá ưu việt, vừa làm tăng thu, tiết kiệm chi, vừa thể hiến sự văn minh, tiện dụng cho các phương tiện tham gia giao thông nhưng việc triển khai hiện đại hóa của Cục quá chậm, đến nay mới hiện đại hóa được 4 trạm. KTNN ước tính nếu đầu tư một trạm khoảng 4 tỷ đồng thì số tiền của quỹ hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vốn cho toàn bộ các trạm còn lại.
Thuần Chấn