CPI tháng 7 tăng thấp nhất trong 10 năm qua: Tăng chủ yếu do thi cử và nắng nóng

24/07/2015 13:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,68% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 7 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.

Bà Đỗ Bích Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, so sánh trong 10 năm gần đây, CPI tháng 7 năm nay so với tháng 12 tăng thấp nhất và tăng dưới 1%. Loại trừ năm 2012, CPI tháng 7 năm 2015 so với tháng trước cũng có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Theo bà Đỗ Bích Ngọc, CPI tháng 7 tăng chủ yếu do diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2015, cùng với thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện cao làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,32%, nước sinh hoạt tăng 0,22%. Từ ngày 1/7/2015, giá dịch vụ y tế ở Tp.Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng ở một số quận cũng làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,15% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng. Theo đó, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép, có mức tăng cao nhất 0,25%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng thấp nhất 0,1%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm giao thông tăng 0,16%... Chỉ số giá nhóm giáo dục gần như không tăng. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng do tháng 7 và tháng 8 hàng năm là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới nên nhu cầu và sức mua các mặt hàng tăng; tác động đến giá của một số mặt hàng này tăng nhẹ: vải các loại tăng 0,38%, mũ nón tăng 0,26%, giầy dép tăng 0,18%.

Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%, chủ yếu là do nhu cầu xây dựng tăng và khai thác cát gặp khó khăn vào mùa khan hiếm nước; giá điện sinh hoạt tăng 1,32%; giá nước sinh hoạt tăng 1,3% do nhu cầu sử dụng tăng vào những ngày nắng nóng trong tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 7/2015 như: giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; ngày 1/7/2015, giá gas điều chỉnh giảm 3.500-4.000 đồng/bình 12 kg nên chỉ số giá gas giảm 2,21% so với tháng trước. Thêm vào đó giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 19/6 và ngày 4/7/2015 (giảm 500 đồng/lít).

Cũng trong tháng 7, giá vàng biến động theo giá vàng thế giới, giá vàng giao ngay dưới mức 1.150 USD/ounce là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15/7 dao động quanh mức 3.300.000 đồng/chỉ vàng SJC. Giá vàng giảm do những tác động từ những tuyên bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed về triển vọng tích cực của kinh tế Mỹ.

Trong tháng 7, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,09%. Nhìn chung tỷ giá đô la Mỹ khá ổn định do nguồn dự trữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Tỷ giá dao động quanh mức 21.835 đồng/USD.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng loại trừ khi tính lạm phát cơ bản với các mặt hàng còn lại là tương đương. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,22%, cao hơn mức của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo về CPI tháng 8, bà Đỗ Bích Ngọc cho biết, sẽ có mức tăng nhẹ do nhu cầu một số mặt hàng thực phẩm phục vụ cho Rằm tháng 7 và Rằm Trung thu tăng. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng nên lượng điện, nước sinh hoạt sẽ tiêu thụ nhiều hơn so với tháng 7/2015 cùng với một số trường học Đại học cao đẳng học sớm có thể điều chỉnh học phí năm 2015-2016. Ngoài ra một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu có thể tăng hơn so với tháng trước do đồng USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác, nên cũng góp phần làm tăng CPI tháng 8…/.

Thúy Hiền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm