Costantino Sambuy: Văn hóa mạnh hơn thương hiệu

28/01/2012 07:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Khi tôi đến Việt Nam, Piaggio mới chỉ có mấy chục người. Sang năm thứ hai, con số đã lên tới hàng trăm, và bây giờ chúng tôi có một nghìn người. 3 năm đủ để tôi thấy mình sắp đến lúc không thể rời đất nước này được”, Costantino Sambuy, Tổng giám đốc công ty Piaggio Việt Nam, mở đầu câu chuyện với phóng viên TT&VH trong căn phòng làm việc của ông trên phố Hàng Vôi, Hà Nội, một ngày cuối năm bận rộn.

* Ông nói, 3 năm là thời gian hợp lý để ở Việt Nam. Nếu nhiều hơn, sẽ không rời đất nước này mà đi nổi. Một nghệ sĩ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng- ông Graham cũng nói vậy. Thậm chí sau cả chục năm ở đây, ông ấy còn cho rằng khó hòa nhập lại cuộc sống ở Anh. Với ông thì sao?

- Đúng là thế. Bản thân tôi cũng thấy nhiều điểm tương đồng với quê hương mình ở Việt Nam, cho dù cũng có khó khăn khi sống ở một nơi không phải quê mình. Ý gần như là một đất nước nhộn nhịp, tấp nập phát điên nhất thế giới, chẳng khác gì Việt Nam. Nếu ở Roma, chúng tôi đỗ xe hàng bốn thì ở Việt Nam các bạn đi xe máy hàng tư. Nhưng Napoli mới là nơi giống Hà Nội nhất với trật tự lộn xộn chẳng giống ai. Và ở đâu, cũng có nhiều xe máy.

Nhà báo châu Âu của năm 2004, một người Ý, ông Beppe Severgnini, từng thoải mái khám phá Hà Nội theo “phong cách Ý” trên chiếc xe máy “made in Italia” như thế này. Ảnh: Huy Khâm.

* Có điều, ở Việt Nam chúng tôi chưa có nhiều chương trình, nhiều doanh nghiệp tài trợ văn hóa như ở Ý. Ông nghĩ sao về các chiến dịch tài trợ văn hóa và thông qua đó để quảng cáo?

- Thực sự, nghệ thuật quan trọng với người Ý đến nỗi nó là thứ đứng đầu trong đời sống. Bản thân các sản phẩm Ý luôn là hình mẫu của vẻ đẹp đa dạng, sự tinh tế trong thiết kế. Các sản phẩm của chúng tôi cũng vậy, mỗi mẫu xe là một sản phẩm không lặp lại. Thậm chí có những mẫu có thể thiếu thực tiễn nhưng vẫn phải đẹp.

Nói như Steve Jobs, hóa ra công nghệ và nghệ thuật rất gần nhau, tới độ nhiều khi không thể phân biệt nổi. Thế nên, ngay từ khi bắt đầu quảng cáo, Piaggio cũng đã mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia rồi. Chẳng hạn từ những năm 1950, Salvado Dali đã được mời để vẽ trên xe Piaggio. Bây giờ chiếc xe tuyệt đẹp đó vẫn còn ở trong bảo tàng của hãng.

Từ góc độ văn hóa doanh nghiệp, vì bản thân hãng muốn dùng văn hóa để quảng bá sản phẩm nên trừ những người ở phòng kỹ thuật, số nhân viên còn lại đều phải có hiểu biết, mối quan hệ với giới làm văn hóa rất tốt.

* Tôi nhớ là trong show diễn thời trang Đẹp Fashon Show do hãng tài trợ, Piaggio còn mời các nghệ sĩ nổi tiếng vẽ lên xe của mình. Nhưng ông có nghĩ rằng cách quảng bá thương hiệu này sẽ khiến chỉ những khách hàng thuộc giới “tinh hoa” quan tâm đến sản phẩm của hãng không?

- Chúng tôi xác định ngay cả quảng bá thương hiệu cũng phải được làm một cách duy mỹ nên đã trao xe cho các nghệ sĩ để họ sử dụng như một tấm toan.  Nhưng thực sự, trong cuộc đời, khách hàng Việt của hãng đã sáng tạo đến mức có những chiếc xe còn không thể tưởng tượng được đó đã từng là một chiếc Vespa.Hiện chúng tôi chỉ sản xuất bảy màu xe, và trong lịch sử khoảng 70 màu xe. Nhưng số màu trên Vespa ở Việt Nam đã vượt xa điều đó. Tôi thậm chí còn nhìn thấy những chiếc xe trông như cơ thể người, trên đó có những hình xăm!

Vespa là một chiếc xe đặc biệt, chỉ nhìn thôi đã thấy muốn sáng tạo trên đó rồi, bởi tính nghệ thuật của nó rất mạnh. Cộng thêm việc khí chất nghệ sĩ của những người yêu thích thiết kế này, Vespa thực sự chưa bao giờ dành cho tầng lớp bình dân. Vì thế, để tài trợ văn hóa, có những hãng chọn nghệ thuật đường phố, còn chúng tôi chọn mỹ thuật, opera…

Costantino Sambuy trong phòng làm việc ở công ty Piaggio Việt Nam. Ảnh: Trần Văn Huấn

* Ông có nghĩ tài trợ văn hóa là cách quảng bá hình ảnh thông minh hay phù phiếm?

- Lựa chọn tài trợ, cách thức tài trợ là công việc của từng hãng. Với chúng tôi, lựa chọn thương hiệu luôn gắn với văn hóa. Chẳng hạn, chúng tôi có một loạt chương trình làm với Sứ quán Ý để quảng bá văn hóa Ý thông qua các chương trình hòa nhạc, opera. Trong đó, có một tài trợ nhỏ với Luna để họ thực hiện các chương trình hòa nhạc, opera thường xuyên. Bản thân vợ tôi cũng tham gia dàn hợp xướng ở đó. Hiện chúng tôi tài trợ nhưng không đặt logo lớn ở đó. Trong khi đó, nhiều chương trình ca nhạc lại có những biển quảng cáo to đùng. Cách đó không phải lựa chọn của chúng tôi.

Thực sự, tôi muốn bán sản phẩm một cách khéo léo qua văn hóa. Ai cũng muốn công chúng thấy mình lớn mạnh, nhưng chúng tôi không thấy mình lớn hơn văn hóa, chúng tôi muốn là một phần của nó.

* Trong một tác phẩm, nhà báo Ý nổi tiếng Beppe Severgnini có nói “Làm người Ý là một công việc toàn thời gian”. Tôi hiểu câu này là người Ý có quá nhiều bận tâm nên bao nhiêu thời gian cũng tiêu hết. Cái này thì phần nào giống người Việt. Ông nghĩ sao về công việc làm người Ý?

- Có người nói với tôi tại sao tác giả lại có thể tự nói xấu người Ý như vậy. Có lẽ họ đã không hiểu khiếu hài hước đặc biệt của người Ý. Còn công việc làm người Ý ư? Chúng tôi đi đâu cũng phải diễn một tí, giương vây múa võ một tí. Bởi trong mắt mọi người, người Ý phải thật đẹp, sang trọng… Họ kỳ vọng lớn về chúng tôi.

Còn người Việt thì khác, họ có thể thoải mái với bên ngoài, và chỉ thực sự đối mặt với kỳ vọng trong gia đình. Kiềm tỏa của gia đình với người Việt nặng nề hơn. Ở châu Âu, nếu ai không muốn quay về nhà thì đó là vấn đề của riêng người ấy. Còn ở Việt Nam thì đó là vấn đề của cả nhà.

* Đã mấy cái Tết ở Việt Nam rồi, ông thấy Tết thế nào?

- Thực sự ấm áp, giống như những ngày Giáng sinh ở nước tôi vậy. Có điều, do gia đình Piaggio ở Việt Nam giờ đã quá đông nên tôi không thể chúc Tết từng người như năm đầu tiên mình mới sang được nữa. Chúng tôi đang lớn hòa vào nhịp phát triển của đất nước các bạn.

Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đến Việt Nam nhiều điều giống nước Ý vào những năm 1950-1960, đó là thời kỳ phát triển nổi bật của nước tôi. Vào thời kỳ đó, mọi thứ phát triển rất nhanh. Cả đất nước đứng trước một cơ hội chuyển mình lớn, và mọi người lao đi kiếm giá trị bản thân mình. Có thể thấy sức sống đó trên khắp phố phường. Đây cũng là thời điểm rất tốt để nghệ thuật phát triển. Bản thân chiếc Vespa lừng danh, một loạt phim kinh điển cũng ra đời trong thời điểm đó. So sánh này càng mạnh mẽ hơn khi châu Âu hiện đang trầm lại.

Còn về cá nhân tôi thực sự hài lòng với những bức tranh Việt mà mình đã mua tại nước bạn để treo trong nhà.

* Xin cảm ơn ông!

Trâm Vũ - Ngữ Yên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm