Graham Sutcliffe: Có đâu như ở đây?

27/01/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lần đầu tôi tới Việt Nam đúng vào Tết, một cái Tết lâu lắm rồi, chính xác là năm 1989. Tôi đã trở lại vào năm 1990, một lần nữa năm 1992 và ở lại đây luôn từ đó.

Chuyến đi đầu tiên của tôi là tới TP.HCM, và đó chắc chắn là một chuyến đi giúp tôi “mở mắt”. Tôi đã từ lâu muốn đến, sống, làm việc ở châu Á, và bến cảng đầu tiên của tôi sau khi rời châu Âu, nơi tôi dạy nhạc tại Đức, là Singapore. Tôi đã ở đó 3 năm. Singapore là một nơi tuyệt vời để làm “căn cứ”, từ đó, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể rời công việc để du lịch sang Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Tôi đã yêu những đất nước và con người ở đây và nhanh chóng nhận ra rằng châu Á thực ra là một vùng rộng lớn đa dạng, một nồi thập cẩm những nền văn hóa, sắc tộc và tín ngưỡng. Nhưng cho tới khi đến Việt Nam, tôi mới cảm thấy đối mặt trực tiếp với châu Á nghĩa là thế nào. Việt Nam là ngã ba đường của nhiều nền văn hóa châu Á, với những ảnh hưởng thật rõ ràng, dẫu vậy, tôi cũng ngay lập tức nhận ra Việt Nam độc lập một cách mãnh liệt, một đất nước mà con người cởi mở, chấp nhận lẫn nhau và rất thực tế.

Thật dễ để nói về những thay đổi tôi đã chứng kiến ở đây kể từ năm 1992, sự giàu có gia tăng của mọi người và của đất nước, xe hơi, những tòa nhà cao tầng, sự chuyển đổi từ một đất nước thế giới thứ ba sang một nước đang phát triển nhanh chóng. Thật dễ để viết nhiều trang về những năm đầu, chuyến đi đầu tiên của tôi từ sân bay Tân Sân Nhất, khi đó là sân bay cũ kỹ duy nhất ở TP.HCM, tới khách sạn Kim Đô lúc ấy còn chưa được trang hoàng, nơi tôi chỉ phải trả 30.000 đồng một tối! Thật dễ để nói về việc tôi đã dành ra cả năm đi làm và về nhà bằng xích lô, hay tôi đã thuê căn nhà giá rẻ đầu tiên ở Phú Nhuận, hay chúng tôi đã sống sót mà không có nước nóng hay không có điện bốn ngày mỗi tuần! Có rất nhiều câu chuyện để kể về cuộc sống và những chuyến phiêu lưu tôi đã có với những người bạn Việt Nam, rất nhiều người là học trò tôi mà tôi dạy họ tiếng Anh ngay từ khi mới đến. Hồi đó, còn rất ít trường ngoại ngữ và ai cũng muốn học tiếng Anh. Những câu chuyện phiêu lưu, những trải nghiệm mới, học hỏi về lịch sử và văn hóa Việt Nam và được tham quan rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời, bờ biển, những hòn đảo, những ngọn núi và cao nguyên và vùng đồng bằng chắc chắn khiến tôi muốn ở lại Việt Nam lâu hơn bình thường, lâu hơn bất cứ một nơi nào khác mà tôi từng sống trên thế giới, bao gồm quê hương tôi, nước Anh!

Nhạc trưởng Graham Sutcliffe trong một buổi biểu diễn
cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam

Có rất nhiều lý do tại sao người nước ngoài ở lại Việt Nam lâu. Một số người kết hôn, những người khác ở lại vì công việc, một số vì tiêu chuẩn sống cao và đời sống xê dịch mà họ sẽ không bao giờ được trải nghiệm ở quê hương mình, hoặc vì mức lương cao của những công ty trả cho những người sẵn sàng làm việc ở nước ngoài. Lý do của tôi không phải là như thế. Cũng có những người ở lại một nơi trong nhiều năm vì họ cảm thấy họ có đóng góp giá trị cho xã hội đó. Tôi hy vọng tôi đã đóng góp chút gì đó cho Việt Nam qua việc dạy tiếng Anh, và gần đây qua công việc phát triển âm nhạc cổ điển ở đây, nhưng đó vẫn chưa phải toàn bộ câu chuyện.

Với tôi, điều đó luôn là con người Việt Nam, những người Việt Nam tôi đã gặp, đã làm việc cùng và phải, đôi khi có xung đột. Một số người tôi yêu thương, những người khác trở thành bạn bè cả đời, và có rất nhiều người tôi thật sự ngưỡng mộ, từ họ tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi rất thích thú với những mâu thuẫn rõ ràng trong xã hội Việt Nam, cách mà nhiều người Việt Nam rất kiên nhẫn khi tiến hành các kế hoạch của họ và có thể đợi nhiều năm để có được kết quả, đồng thời họ cũng thường chỉ nghĩ về những kết quả ngay lập tức của gần như mọi hành động mà không suy nghĩ gì về dài hạn. Tôi cũng thấy thú vị với cách người Việt Nam lịch sự và thân thiện với người nước ngoài có thể là những người hoàn toàn xa lạ, nhưng lại có vẻ thô bạo và nghi ngờ khi nói chuyện với nhau. Và tôi cứ tự hỏi tại sao con người ở đây có thể tuân theo những quy tắc Khổng giáo nghiêm ngặt về cách cư xử với nhau trong những tình huống chính thức, rồi lại thể hiện sự ngang ngược và sự bực dọc rất đường phố khi leo lên xe hơi hay xe gắn máy? Và còn rất nhiều ví dụ khác…

Là ngã ba đường của nhiều nền văn hóa châu Á nhưng Việt Nam độc lập một cách mãnh liệt

Tuy nhiên, tôi là một người nhiều cảm xúc, cảm xúc về âm nhạc, về con người, và ở Việt Nam tôi đã có thể theo đuổi những cảm xúc của mình, cùng với những người cũng chia sẻ cảm xúc như tôi. Phải yêu âm nhạc, ca hát và trình diễn lắm mới có thể thường xuyên đến những buổi tập mà tiền thù lao chỉ đủ để mua xăng và một ly cà phê vào giờ nghỉ!

Việt Nam là một đất nước trẻ trung, đầy những người trẻ tuổi nhiều nhiệt huyết và năng lượng với thái độ “có thể làm được”. Trong 20 năm ở Việt Nam tôi đã gặp nhiều nhạc sĩ và nghệ sĩ giỏi, nhiều người sẵn sàng dành rất nhiều tâm sức để giúp các ý tưởng thành hiện thực nếu họ tin rằng điều đó đáng làm. Và nhiều thứ tôi cho rằng chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam. Có ở đâu mà người ta lại mang hai chiếc đàn piano trên những chiếc xe đẩy tay cho một buổi hòa nhạc của trẻ em ở trường khi một chiếc xe tải không thể đi qua? Có ở đâu mà một buổi tập hòa nhạc vào nửa đêm chuẩn bị cho buổi trình diễn ngày hôm sau vì không còn thời gian nào khác mọi người có thể tập hợp lại với nhau? Có ở đâu mà một dàn nhạc 60 người sẵn sàng ngồi ép nhau ở một chỗ chỉ dành cho 30 người, chỉ để họ có thể cùng nhau chơi nhạc? Có ở đâu mà cả dàn nhạc sẵn sàng biểu diễn miễn phí ở đám cưới của một thành viên, và trong những chuyến thăm đặc biệt với những cha mẹ lớn tuổi của các thành viên? Chơi trong một dàn nhạc, hát hay múa trong một vở opera hay ballet có nghĩa là nhiều người cùng trình diễn với sự hòa hợp như một cơ thể. Có một cảm giác cộng đồng gần gũi giữa các nghệ sĩ ở Việt Nam và cảm giác đoàn kết này giúp đóng góp vào thành công trong âm nhạc.

Tôi tự hào được làm việc với các nhạc sĩ Việt Nam và tự hào đã tham gia hàng trăm buổi biểu diễn thành công trong nhiều năm qua. Nếu như cảm xúc âm nhạc của tôi chỉ được truyền cho vài người tôi đã làm việc cùng, hay những người tôi đã chơi nhạc cho nghe, thì cũng là xứng đáng rồi.

Graham Sutcliffe
(Hải Minh - chuyển ngữ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm