03/01/2023 19:00 GMT+7
Sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường âm nhạc diễn ra trong suốt năm 2022 được xem là "bung tỏa" rực rỡ. Đây chính là vườn hoa muôn sắc để các giải thưởng về âm nhạc lựa chọn, trong đó có Giải thưởng Cống hiến của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Mùa giải năm nay sẽ chính thức được khởi động vào ngày mai (thứ Tư, 4/1) tại TP.HCM với format mới.
So với thời điểm âm nhạc chỉ có thể lên sóng trên các ứng dụng công nghệ, truyền hình, các trang nhạc số trước đó thì ở năm 2022, âm nhạc thực sự "sống lại" với nhiều liveshow, lễ hội, các MV được quay sống động ngoài phòng thu, các sản phẩm âm nhạc được đầu tư chỉn chu lên đến tiền tỉ… Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm được nhiều nghệ sĩ trẻ, mới lựa chọn trình diện với công chúng.
Cộng và trừ
Với liveshow, live concert, có thể kể đến hàng loạt chương trình "đình đám" như Tri âm - Mỹ Tâm; Những vết thương lành - Hà Anh Tuấn; Yên - Hoàng Dũng; Mùa thu của Phương - Thu Phương; Love songs - Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương 20 năm ca hát, Hà Nội riêng tôi - Vũ Thắng Lợi… Tiếp đến là các lễ hội âm nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế như HAY festival, BridgeFest, Hozo festival... hoặc các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc như Ca sĩ mặt nạ, Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân…
Riêng với MV - một trong những thể loại luôn thu hút người xem và có thước đo theo hàng triệu view trên các bảng xếp hạng, có thể nói đây là thị trường vô cùng sôi động với sự đa dạng về ý tượng, tạo hình cho đến âm nhạc và kết cấu tổng thể cho một sản phẩm hoàn chỉnh. Vì thế, những MV như Cô đơn trên sofa của Hồ Ngọc Hà dù ra mắt gần cuối năm vẫn gây sức hút, hay MV 906090 của Tóc Tiên, MV Vì mẹ anh bắt chia tay của Miu Lê và Karik với ý tưởng và tạo hình ấn tượng cũng lọt vào top những MV có lượt xem triệu view trong thời gian ngắn.
Trong khi những "thương hiệu" như Sơn Tùng, Hoàng Thùy Linh, Đen Vâu, Văn Mai Hương, Hari Won… vẫn duy trì ra sản phẩm với những đổi mới, một "làn sóng" của Mono, Tăng Duy Tân, Mỹ Anh, Phương Mỹ Chi, MCK hay Tlinh, Low G và Hieuthuhai… lại cho thấy các nghệ sĩ gen Z có vẻ chiếm ưu thế hơn về hình ảnh và sản phẩm. Đặc biệt, những nhân tố mới chỉ cần xuất hiện với một sản phẩm như Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân), Mỗi khi anh nhìn em (Mỹ Anh), Waiting For You (Mono) cũng đủ tạo nên hiện tượng âm nhạc của năm.
Trong dòng chảy âm nhạc của 2022 vẫn "trôi" đều với pop ballad, rock, hip-hop, rap, R&B, dân gian… nhưng vẫn có sự "lên bổng xuống trầm" ở từng nhánh. Như pop ballad - thể loại dễ nghe nhất - có nhiều sản phẩm hơn cả nhưng không phải cứ "đa số thắng thiểu số". Và ngay cả khi được thể hiện bởi những ca sĩ có tiếng thì với lối mòn trong tư duy sáng tạo, nhiều sản phẩm ở thể loại này vẫn không tạo được dấu ấn.
Đó là một góc phản ánh cuộc cạnh tranh tích cực của làng nhạc Việt Nam năm qua. Phần còn lại, là những "mặt trái" trong hành trình này ở một số sản phẩm, bao gồm bản quyền và nhạc rác. Nhạc rác được liệt kê năm qua có thể kể đến Ngôi sao cô đơn (Jack), Black Hickey và Sashimi (Chi Pu), There's No One At All (Sơn Tùng).... Ngoài ra, vẫn có nhiều ca khúc tuy chưa đến mức "có vấn đề" về lời nhưng cũng chưa đảm bảo về mặt ngôn ngữ thẩm mỹ của ca từ.
Ở lĩnh vực bản quyền, cũng chính bởi độ "nóng" của các ca khúc như Bên trên tầng lầu, Ai chung tình được mãi, Từng yêu mà việc hát khi chưa xin phép chính chủ đã diễn ra giữa các nghệ sĩ.
Các nhà báo nói gì?
Để có thêm góc nhìn về thị trường nhạc Việt của năm 2022, Thể thao và Văn hóa đã ghi lại ý kiến của một số nhà báo theo dõi lĩnh vực âm nhạc:
* Nhà báo Thùy Trang (Báo Người lao động): Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Thị trường nhạc Việt 2022 thực sự bùng nổ với lượng sản phẩm âm nhạc không đếm xuể. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi V-pop đã có 2 năm " đứng im" vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cảm giác, sau ngủ Đông, tất cả các nghệ sĩ đều háo hức với những hoạch định riêng của mình. Và điều đó đã tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt để tìm vị thế.
Theo đó, những sản phẩm âm nhạc tiền tỉ đầu tư được tung ra với chất lượng sản phẩm được bảo chứng. Trong cuộc đua để tìm ưu thế này, chỉ có những đầu tư thực sự mới có thể trụ lại. Và điều đó cũng góp phần tạo nên một thị trường nhạc Việt chất lượng hơn, tiến bộ hơn.
Trong số những sản phẩm âm nhạc đầu tư tiền tỉ, tôi đánh giá cao những MV như Bo xì bo của Hoàng Thùy Linh, Cô đơn trên sofa của Hồ Ngọc Hà hay Tất cả đứng im của Ngô Kiến Huy.
Sự thăng hạng của nhiều giọng ca underground cũng là điểm nhấn thú vị của V-pop 2022. Những gương mặt như Tăng Duy Tân, Chu Thúy Quỳnh, Đạt Long Vinh...với tôi là những nghệ sĩ underground có hit thật sự. Cũng chính vì thế, sự choáng ngợp của giới mainstream đã không còn chiếm thế thượng phong. Khán giả đi tìm những sản phẩm âm nhạc chất lượng, phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ và gu âm nhạc của họ. Vì vậy, cơ hội nổi tiếng rải đều cho mọi nghệ sĩ- những người thực sự tâm huyết với công việc mà họ đang theo đuổi.
Dù vậy, showbiz Việt vẫn chưa hoàn toàn được thanh lọc sạch sẽ khi thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những giọng ca thảm họa. Dù khán giả ngày nay đã cực kỳ tỉnh táo, tẩy chay những trường hợp, giọng ca, sản phẩm kém chất lượng nhưng vẫn còn những gương mặt tin rằng "bị chửi" cũng là cách để họ nổi tiếng".
* Nhà báo Ngô Bá Lục (Tạp chí Sân khấu): Mạnh mẽ, sôi động
Năm 2022 chứng kiến sự "bừng tỉnh" của thị trường âm nhạc sau 2 năm rưỡi "ngủ vùi" vì đại dịch. Các show ca nhạc diễn ra tưng bừng khắp nơi, đặt biệt là thời điểm bắt đầu bước vào mùa Hè khi hàng loạt tỉnh thành khai trương mùa du lịch.
Các ca sĩ cũng đã có những tăng tốc rất nhanh trên đường đua âm nhạc. Hàng loạt liveshow ra đời, từ những ngôi sao kỳ cựu như Mỹ Tâm, Tùng Dương đến các ca sĩ trẻ như Vũ, Hoàng Dũng… trải dài suốt từ Bắc đến Nam. Những tụ điểm ca nhạc mới được khai trương nhưng đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ như Mây Lang Thang (Đà Lạt), Soul of the Forest - Âm nhạc giữa rừng thông (Đại Lải)… quy tụ những ngôi sao hàng đầu V-pop từ những diva, divo đến các ca sĩ trẻ.
Tuy nhiên, mạnh mẽ và sôi động nhất vẫn là các MV được phát hành liên tục hàng tuần thuộc tất cả các dòng nhạc. Ở ngoài Bắc, những ca sĩ thành danh từ cuộc thi Sao Mai cũng liên tục ra sản phẩm, showbiz phía Nam thì chứng kiến sự sôi động và cạnh tranh của hàng loạt MV từ ngôi sao đến những gương mặt mới, từ các ca sĩ nhạc pop đến các rapper tạo nên sự đa sắc màu của vườn hoa âm nhạc. Ngoài ra, rất nhiều ca sĩ đã phát hành các CD vật lý cho thấy sự "trở lại" của thể loại CD "truyền thống" chứ không chỉ phát hành online như xu hướng hiện nay.
Năm 2022 còn chứng kiến sự trở lại của các cuộc thi âm nhạc mà điển hình là Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và cuộc thi Sao Mai. Đây là 2 sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp và mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Hàng loạt chương trình âm nhạc được dàn dựng công phu như các vở nhạc kịch, các chương trình được đầu tư công phu về âm nhạc mang lại cho Liên hoan chất lượng nghệ thuật cao. Cuộc thi Sao Mai cũng thay đổi cả format lẫn quy chế thi, chứng kiến cuộc "đổ bộ" của các gương mặt trẻ, mới - vì thế, màu sắc âm nhạc cũng trẻ trung, hiện đại, cập nhật hơn so với "truyền thống" Sao Mai thời xa xưa.
1 năm nhìn lại, chứng kiến sự "hồi sinh" của thị trường âm nhạc chúng ta càng thêm hy vọng vào một năm mới sẽ còn tưng bừng và sôi động hơn nữa với chất lượng nghệ thuật ngày càng nâng cao và guồng máy showbiz ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.
"Rất nhiều ca sĩ đã phát hành các CD vật lý cho thấy sự "trở lại" của thể loại CD "truyền thống" chứ không chỉ phát hành online" – nhà báo Ngô Bá Lục.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất