29/03/2011 08:34 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Ba chương trình Điều còn mãi, Ngọn lửa cao nguyên, Vietnam Idol 2010 đều có những thế mạnh riêng để đoạt giải Chương trình của năm tại giải Âm nhạc Cống hiến 2010. Hãy nghe những người tạo tác chương trình đưa ra ý kiến về đứa con tinh thần của họ.
Nhạc sĩ Dương Thụ (Đạo diễn Điều còn mãi): Bất ngờ vì Điều còn mãi được đề cử 2 năm liền
Tôi yêu nhạc Việt Nam. Những tác phẩm âm nhạc trong lĩnh vực thính phòng giao hưởng, những tác phẩm trong lĩnh vực thanh nhạc (ca khúc) đậm chất thính phòng do hoàn cảnh hiện tại thường ít được biết đến hoặc chưa bộc lộ hết được giá trị nghệ thuật. Nó chưa có chỗ để được giới thiệu thật sự, lại chưa có công chúng thật sự, vì thế giới nhạc và những người có lòng với âm nhạc nghiêm túc phải tự thân vận động thôi. Cho nên khi cơ hội đến (anh Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Vietnamnet, muốn tổ chức cuộc hòa nhạc thường niên và mời tôi làm giám đốc nghệ thuật), tôi đã đưa ý tưởng của mình về một concert nhạc thính phòng giao hưởng thuần túy Việt Nam tổ chức định kỳ hàng năm (điều chưa có ở Việt Nam). Hiện tại giấc mơ làm triệu phú khiến chúng ta “quên” mất nhiều thứ. Âm nhạc nghiêm túc thuộc về văn hóa đỉnh cao và với ý nghĩa đúng thì nó là hồi ức đẹp của những gì chúng ta đã sống qua. Nếu làm tốt nó sẽ nhắc nhở và giúp chúng ta “nhớ” ra nhiều điều. Vì vậy dự án này tôi đặt tên là Điều còn mãi và được sự đồng thuận rất cao. Chương trình đã diễn ra được hai năm, ngày một chất lượng hơn, được biết đến và được chờ đợi. Tôi thấy mình đúng hướng.
Ca sĩ Khánh Linh trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi 2010. Ảnh: Na Sơn
Khi làm chương trình này, tôi có nhiều thuận lợi lắm: Được tôn trọng và tin tưởng nên được toàn quyền về chuyên môn, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Được sự đồng tình của Nhà hát giao hưởng Việt Nam, đặc biệt là của giám đốc Ngô Hoàng Quân. Được sự cộng tác nhiệt tình trên tinh thần nghệ thuật của các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu. Vietnamnet đảm bảo về nguồn tài trợ tuy không nhiều, nhưng ổn định. Và cũng có nhiều khó khăn: Ê-kíp làm việc mới hình thành khi làm chương trình, và chương trình một năm chỉ có một lần nên còn thiếu kinh nghiệm. Số tiền có được từ các nhà tài trợ còn khiêm tốn nên phải liệu cơm gắp mắm, không thực hiện được nhiều khâu về kỹ thuật sân khấu, âm thanh ánh sáng nên không phát huy hết được hiệu quả biểu diễn, không thực hiện được một số khâu trong dự án nhằm khai thác hiệu quả chương trình như làm sách, làm video để quảng bá. Dàn nhạc và các nghệ sĩ solo gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp thời gian để luyện tập, họ phải hy sinh nhiều cả về thời gian lẫn tiền bạc. Về lâu dài điều này chắc không ổn.
Thực ra tôi không quan tâm nhiều lắm đến các giải thưởng âm nhạc… Nhưng Cống hiến thì khác đấy. Giải Cống hiến đã sang năm thứ sáu, nó bắt đầu tạo được uy tín bởi sự khá nghiêm túc trong các tiêu chí đề cử và đặc biệt việc đề cử và bỏ phiếu bình chọn lại do các nhà báo viết về âm nhạc. Điều còn mãi là chương trình nghệ thuật thuần túy, hai năm liền được đề cử làm tôi rất bất ngờ. Đó là dấu hiệu tích cực của công luận đối với loại nhạc kén công chúng như loại nhạc này. Giữa lúc văn hóa xuống cấp mà có những đề cử như thế khiến tôi có thêm động lực để làm nghệ thuật. Thực ra ở các nước phát triển, nhạc thính phòng giao hưởng không chỉ dành cho giới tinh hoa mà còn dành cho đại chúng. Muốn góp phần nâng cao văn hóa âm nhạc cho người nghe, các bạn hãy cùng chúng tôi cổ súy cho những chương trình kiểu này, dĩ nhiên nếu đó là một chương trình tốt. Thay mặt ê-kíp làm chương trình, rất cám ơn các bạn.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Đạo diễn Ngọn lửa cao nguyên): Hy vọng nhà báo sẽ cân nhắc lá phiếu của mình
Đối với tôi, đó là một chương trình đặc biệt, tôn vinh một con người huyền thoại, đó không phải là một chương trình ca nhạc bình thường mà là chương trình của cả một cuộc đời. Chương trình này có những điều mà tôi nghĩ sẽ khó có một chương trình ca nhạc nào khác có được, thậm chí ở cả thế giới:
- Có nghệ sĩ nào mà ngay trong đêm biểu diễn của mình được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đến tận nơi để trao tặng quyết định của Chủ tịch nước cho danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của một người nghệ sĩ?
Chương trình Ngọn lửa cao nguyên. Ảnh: Mỹ Dung
Bên cạnh đó tôi nghĩ thế này, với một người khi lên sân khấu mà cái chết cứ lởn vởn xung quanh và sau đó không lâu đã qua đời như nghệ sĩ Y Moan thì chương trình đó mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Tôi rất hiểu ý nghĩa của đề cử Chương trình của năm tại giải Cống hiến, tôi biết sẽ rất khó cho một chương trình như Ngọn lửa cao nguyên khi đứng cạnh những Vietnam Idol hay Sao Mai - Điểm hẹn. Tôi chỉ muốn nhắc lại một chút ý nghĩa về chương trình ca nhạc tôn vinh một con người, một con người cống hiến. Ý nghĩa của chương trình đã lan tỏa và không ít người đã khóc khi xem chương trình này. Tôi hy vọng các bạn nhà báo sẽ cân nhắc lá phiếu của mình và cá nhân tôi nghĩ Ngọn lửa cao nguyên hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (Đạo diễn Vietnam Idol): Giải thưởng luôn là sự khuyến khích
Năm 2010 công ty BHD được Đài truyền hình Việt Nam, công ty Unilever và Frementanle đặt hàng sản xuất phiên bản Vietnam Idol 2010. Đây đều là những khách đối tác lớn và đã hợp tác lâu năm cùng với BHD trong nhiều những chương trình khác nhau. Điểm thuận lợi là đây là một format rất lớn và thành công ở nước ngoài. Ngoài ra sau hai năm sản xuất Vietnam Idol cũng có những thành công nhất định và tên tuổi đã được xây dựng tốt đối với giới trẻ. Vì cũng có kinh nghiệm của hai năm trước đó, chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn. Điểm khó khăn nhất là làm sao có thể sửa đổi những nội dung để vừa giải trí phù hợp với giới trẻ và xã hội Việt Nam.
Chương trình Vietnam Idol. Ảnh: V.C
Dĩ nhiên với ê-kíp sản xuất chương trình, giải thưởng luôn là sự khuyến khích, động viên chúng tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đưa những chương trình tốt phục vụ cho khán giả truyền hình. Về việc nhận giải thì không chỉ có tôi mà ai cũng sẽ vui thôi.
Cung Tuy - Huyền Thơ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất