Con chim oanh của mùa Xuân

11/03/2010 13:52 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Trước Tết, gọi điện thăm, ông dặn: “Đừng đến, cứ alô là được rồi”. Thế mà giờ đây, tôi bất ngờ nghe tin ông đã lâm trọng bệnh.

1. Xuân Oanh, sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Cuộc sống quá khó khăn, ông trải qua rất nhiều nghề, hết làm nghề đúc kẽm tại quê nhà lại ra Hải Phòng làm nghề thợ vẽ, đánh đàn trong tiệm trà kiếm sống. Năm 1942 Xuân Oanh lưu lạc lên Hà Nội làm nghề đóng giày, kèm cho con cái nhà khá giả học thêm. Cũng năm này, ông được nhà thơ Nguyễn Đình Thi giác ngộ cách mạng. Cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi cuộc đời của ông.

“Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, bài hát Mười chín tháng Tám có một vị trí đặc biệt, được sáng tác đúng thời điểm lịch sử hào hùng của đất nước, với nhịp hành khúc trữ tình, hùng tráng, đã và sẽ sống mãi với thời gian” (nhạc sĩ Hồ Quang Bình).

Những ngày mùa Thu tháng 8 năm 1945, cả nước sôi sục như một thùng thuốc súng, chàng trai 22 tuổi Xuân Oanh cùng đoàn người từ phía Nam như làn sóng đổ về Nhà hát Lớn dự mít-tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Bao nhiêu nỗi uất hận, đau thương của kiếp người nô lệ dồn nén trong lòng nay bung ra. Như linh cảm thấy thời điểm lịch sử phá tan xiềng gông nô lệ đã đến, câu hát đầu tiên vừa vang lên trong lòng Xuân Oanh, ông đã hát lên: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai... mười chín, tháng Tám ánh sao tự do đem tới, cờ bay nơi nơi...”. Nghĩ ra được câu nào, ông hát to lên cho mọi người cùng hát theo. Đến quảng trường Nhà hát Lớn thì bài hát cũng hoàn thành. Bài hát mang tên rất giản dị: “Mười chín tháng Tám” được một nhà xuất bản ở chợ Hôm phát hành, và phát liên tục trên trên đài phát thanh, trở thành khúc tráng ca cách mạng loan truyền khắp cả nước. Bài hát chỉ có 102 từ, mà đến bây giờ thế hệ trẻ không biết đến bom rơi, đạn nổ vẫn cảm thấy sự lôi cuốn thúc giục lòng người, sát vai nhau bảo vệ nền độc lập được xây bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ đi trước...



Nhạc sĩ Xuân Oanh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Kháng chiến bùng nổ, ông được phân công lên chiến khu Việt Bắc, công tác ở báo Cứu Quốc, làm mọi việc từ in ấn, viết bài, vẽ tranh. Hồi đó chưa có máy ảnh, các minh họa trên báo Cứu Quốc đều là tranh do họa sĩ Trần Đình Thọ (sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) và Xuân Oanh vẽ... Một đêm ngồi quanh bếp lửa, nhà văn Nam Cao thủ thỉ: “Xuân Oanh viết một bài hát về anh bộ đội và quê hương đi!” thế là ông làm bài hát Quê hương anh bộ đội. Ngay khi ra đời, bài hát này đã được mọi người, không chỉ những anh bộ đội Cụ Hồ, yêu thích. Đấy là một bài hát nổi tiếng ghi đậm phong cách Xuân Oanh: trữ tình, đằm thắm... Nhưng lại bị phê bình là... yếu đuối.

2. Xuân Oanh tự trào “Suốt đời mình tự học”, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông là phát thanh viên đọc bản tin tiếng Anh đầu tiên trên Đài tiếng nói Việt Nam. Trong chiến khu Việt Bắc, nhờ học hỏi các bậc đàn anh về ngoại ngữ, ông đã đạt trình độ tiếng Anh, Pháp hiếm thấy, được đồng nghiệp ngoại giao coi là chuyên gia dịch ngược từ Việt sang tiếng Anh, Pháp. Ngoài ra, ông có thể sử dụng thông thạo tiếng Nga, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Tất cả kiến thức này đã giúp ông rất nhiều trong hoạt động ngoại giao nhân dân - lĩnh vực ông đã có những đóng góp xuất sắc, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Với bút danh Anh Thư, ông đã dịch hàng chục tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng Mac Twain, Jefferey Archer... Cái tai âm nhạc đã giúp ông nhiều trong việc ngoại ngữ, “Mình cứ nghe người nước ngoài phát âm, nghe giai điệu của tiếng họ, thuộc từng câu trọn vẹn rồi “hát” lên câu đó. Nhớ lần chuẩn bị bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thảm hoạ hạt nhân Hirosima và Nagadaki, mình nhờ bạn Nhật đọc cho nghe, sau đó mình tập lại, chính nhờ cái “tai âm nhạc” mà sau đó được đồng chí Phó Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nhật hỏi rằng, đã học ở đâu mà phát âm như người Nhật.

Ông có một cái thú vui là vẽ tranh, một lần nhân dịp sinh nhật đồng chí Tổng Bí thư đảng Cộng sản Pháp - Waldeck Rochet, ông Xuân Thuỷ đang tìm quà tặng, Xuân Oanh đề nghị “Để tôi vẽ tặng đồng chí ấy bức chân dung”. Khi cùng anh Xuân Thuỷ mang tặng tranh, đồng chí ấy rất thích thú, hóm hỉnh nhận xét: “Rất tuyệt vời, chỉ có điều tác giả tặng tôi thêm vài sợi tóc, vì đầu tôi ít tóc lắm”.

3. Nghỉ hưu hơn 30 năm, nhưng nhạc sĩ Xuân Oanh làm việc đều đặn “tám giờ vàng ngọc”; vào mạng internet đọc tin tức, trả lời thư từ bạn bè bốn phương rồi xoay ra dịch sách, mỏi thì vẽ tranh và lúc sáng tác trên cây đàn piano đặt ở giữa phòng ông.

Trong căn phòng nhỏ phố Quán Sứ luôn có hình bóng ông già nhỏ nhắn có đôi mắt sáng và nụ cười hóm hỉnh luôn thân thiết với bạn bè.

Hằng năm đến ngày 19/8 bài hát của ông lại vang lên.

Cầu chúc cho Xuân Oanh - người nhạc sĩ của mùa Xuân sớm hồi phục trở lại.

Nguyễn Phú Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm