Cơ trưởng Katagiri: Người còn sống duy nhất trong số những kẻ đáng chết

24/05/2015 05:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khác cơ phó Andreas Lubitz của Hãng Germanwings và các phi công chán đời khác, Seiji Katagiri là người lái duy nhất sống sót trong những vụ tương tự. Nhưng phần đời còn lại sẽ ra sao với 24 nạn nhân rủi ro gửi gắm số mệnh vào tay ông?

Cuộc sống ấy của Katagiri có lẽ còn nặng nề hơn cái chết của những gã phi công đã gây ra các cuộc thảm sát từ hành vi tự sát của mình.

Cái tên “Katagiri”  

… Dán trên bảng tên sứt sẹo cạnh cửa nhà mang số 1642-70, nhưng ai bấm chuông sẽ được nghe một giọng phụ nữ gắt gỏng qua loa: “Chúng tôi không tiếp bất cứ khách nào!”.

Cũng dễ hiểu thôi, vì gia đình này hầu như không có khách, và tên tuổi Katagiri chỉ còn ý nghĩa liên quan đến một trang sử đen tối của hàng không dân dụng Nhật Bản.

Ngày 9/2/1982 một phi công chán sống đã đâm máy bay xuống vịnh Tokyo, vài trăm mét trước điểm tiếp đất ở phi trường Haneda. Viên phi công đó là Seiji Katagiri, hôm nay sống với vợ ở Hayama, một thị tứ nhỏ với 33.000 dân.


Phi công Katagiri (phải) ngay sau khi rơi máy bay

Vợ chồng Katagiri muốn quên đi quá khứ, quên vụ xử trước tòa, quên những năm trong trại tâm thần, sự phẫn nộ của thân quyến những người tử nạn cũng như tội lỗi tày trời mà ông Karagiri gây ra. Nhưng những gì, mà phần nào nhạt nhòa với thời gian, sẽ lại trào lên bề mặt sau vụ Andreas Lubitz đem theo 149 người vào cõi chết.

Giữa hai sự kiện có rất nhiều điểm trùng hợp, trừ một khác biệt là Seiji Katagiri sống sót - người duy nhất trong những vụ cố tình làm rơi máy bay. Năm nay ông 67 tuổi và là chủ nhân một ngôi nhà sang trọng ở thành phố Hayama ven biển, cách Thủ đô Tokyo 70 phút tàu hỏa. Ba cây số ra đến bờ nước là có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ hoành tráng.

Hàng xóm ít thấy mặt ông và cũng khó bắt chuyện. Thỉnh thoảng ông lái chiếc ô-tô điện đi chợ hoặc bơm xăng rồi vội về nhà ngay, một chiếc Toyota Prius tầm tầm và không nổi bật, hệt như chủ nó, một người âm thầm lùi lũi đi như bóng ma. Cả thành phố biết rõ vụ tháng 2/1982, nhưng không mấy ai biết ông Katagiri là thủ phạm.


Lực lượng cứu hộ tiếp cận chiếc McDonnell Douglas 

Một người hiền lành

… Như Katagiri thì cớ gì biến thành sát thủ cách đây 33 năm? Seiji Katagiri không phải trong đám phi công Thần Phong, dám lao phi cơ vào máy bay hay tàu chiến địch trong cơn điên tư tưởng hệ. Đơn giản là Katagiri chỉ muốn chết, và hình như ông không hề áy náy khi trên máy bay còn có 166 hành khách cùng 8 phục vụ viên.

Katagiri lái chiếc McDonnell Douglas DC-8-61 cùng phi công phụ Yoshifumi Ishikawa và kỹ sư hoa tiêu Yoshimi Ozaki. Họ đến từ Fukuoka cách đó 900km và sắp hạ cánh xuống sân bay Haneda sát biển. Đột ngột Katagiri kéo cần lái cho máy bay chúi xuống và tắt chế độ lái tự động, đảo chiều hai trong bốn động cơ - khi máy bay cách mặt biển chưa đầy 100m.

“Ông làm gì thế, cơ trưởng?”, sau này người ta sẽ nghe tiếng hét thất thanh của cơ phó trong băng ghi âm, khi người này cố gắng lấy lại thăng bằng cho máy bay. Quá muộn. Phần đuôi máy bay chạm nước biển trong vịnh Tokyo và vỡ toác. 24 người chết, 77 người bị thương nặng.

Katagiri nhanh chóng đổi đồng phục lấy một áo len và đi lẫn vào các hành khách đầu tiên được đưa ra khỏi xác phi cơ. Ông cho nhân viên cứu nạn biết mình là tiếp viên và được lên chiếc xuồng đầu tiên - một hành vi bị cực lực lên án ở bất cứ nước nào trên thế giới, lại càng nặng nề hơn ở Nhật Bản, xứ sở nổi tiếng của ý thức kỷ luật và tinh thần tương ái.


Bảng tên bên cửa nhà Katagiri

Mấy tiếng đồng hồ sau

… Cảnh sát mới bắt được ông để thẩm vấn. Cho đến nhiều năm sau, trong từ vựng Nhật còn thông dụng khái niệm “Katagiri” như một từ đồng nghĩa với ích kỷ và vô trách nhiệm.

Phán quyết của tòa dành cho Katagiri khá nhẹ: viên phi công với 5.648 giờ bay và 10 năm thâm niên được coi là có bệnh tâm thần và do đó không bị tù.

Biên bản xử án ghi lại lời khai của Katagiri: “Khi tắt chế độ lái tự động và chuyển sang thủ công để hạ cánh, tôi đột ngột bị chóng mặt dữ dội, tôi hoảng hốt mà không rõ lý do, rồi ngất đi”. Băng ghi âm cũng cho thấy ông la hét, khóc nức nở và nói lung tung. Khi nước biển ùa vào khoang, phi công Katagiri vẫn ngồi thừ ra trên ghế và nói: “Thế là tôi đã làm xong”.     

Ông Katagiri được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Matsubara ở Tokyo, ở đó bác sĩ xác định ông bị tâm thần nặng. Vài năm sau ông được ra viện, tuy không khỏi bệnh hẳn nhưng được coi là không nguy hiểm cho xã hội. Bằng chứng là người ta không thu bằng lái ô-tô của ông.

Dĩ nhiên Katagiri không được bay nữa, nhưng tiền hưu rất cao của công ty hàng không cho phép ông sống khá thoải mái.

Ngày ấy

… Lẽ ra người ta đã chặn được thảm họa, hệt như đối với Andreas Lubitz sau này. Trước chuyến bay số 350 định mệnh, Katagiri đã bị cho nghỉ từ 11/1980 đến 11/1981 vì tinh thần bất ổn định. Nhưng cuộc sát hạch sau đó có kết quả rất tốt, và cơ phó Katagiri được lên bậc cơ trưởng.

 Không ai hỏi bác sĩ vẫn điều trị cho ông ở Hayama hoặc hàng xóm để biết Katagiri thường lên cơn trầm uất và hoang tưởng. Cũng vì chứng đó mà vợ ông sợ hãi bỏ nhà ra đi, tuy nhiên về sau lại tái đoàn tụ. Có lần Katagiri gọi cảnh sát vì nghi bị nghe lén. Cách hành xử của ông ta khiến cảnh sát nghi ông sử dụng ma túy.

 Nhưng bộ phận quản lý của Japan Airlines không hề biết các chi tiết đó - không khác gì Germanwings mới đây. Ấy là chưa kể chỉ một ngày trước thảm họa, Katagiri bay cùng tổ lái trên cùng phi cơ từ Tokyo đến Fukuoka dưới miền Nam. Đột ngột cơ trưởng đảo chiều hai động cơ bên phải khiến máy bay đi chệch hướng. Cơ phó Ishikawa 33 tuổi và 456 giờ bay còn khá non tay nhưng kịp thời cứu được tình thế, song chính hệ thống thứ hạng nghiêm ngặt và thủ cựu trong xã hội Nhật Bản đã khiến Ishikawa ngần ngại không trình báo sự cố này.   

Nếu được thế, 24 nạn nhân kia vẫn sống. Và Katagiri không phải chịu gánh nặng tội lỗi cho đến cuối cuộc đời sung túc nhưng cô đơn.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm