Có một người thầy như thế!

20/01/2024 07:31 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến!' Trong cuốn Nghệ thuật hiện đại Đông Dương (L'Art Moderne En Indochine) ra mắt cuối tuần qua, tác giả Charlotte Aguttes-Reynier đã tôn vinh trường Mỹ thuật Đông Dương - ngôi trường đã đào tạo nên các thế hệ nghệ sĩ ưu tú cho Việt Nam đầu thế kỷ 20, trong đó Victor Tardieu (1876 - 1937), vị hiệu trưởng đầu tiên, là người thầy có ảnh hưởng rất lớn.

Cách đây 100 năm, Victor Tardieu đã viết một bản báo cáo gửi cho Toàn quyền Đông Dương chỉ ra nhu cầu cấp thiết của việc mở một trường nghệ thuật tại Hà Nội.

Trong báo cáo đó, ông đã mô tả tài năng nghệ thuật đặc thù của những người An Nam, bắt đầu phát triển vào thế kỷ 18 và được thể hiện một cách hoàn hảo nhất vào đầu thế kỷ 19. Sau đó, công nghiệp hóa và sự đối đầu với văn hóa phương Tây đã khiến cho nghệ thuật Đông Dương mất phương hướng đến mức dần suy thoái và trở thành những nghề thủ công tầm thường có mặt ở khắp mọi nơi vào đầu thế kỷ 20.

Cũng trong bản báo cáo của mình, Victor Tardieu bày tỏ lòng quyết tâm với "Dự án Đổi mới Nghệ thuật tại Đông Dương" và đưa ra một phương thức hoạt động chi tiết để thực hiện nó.

Ngay sau đó, lập luận của Victor Tardieu đã được lắng nghe và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chính thức được thành lập vào ngày 27/10/1924.

Có một người thầy như thế! - Ảnh 1.

Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi thứ 4 từ trái qua) cùng thầy trò và sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Trong Nghệ thuật hiện đại Đông Dương, tác giả Charlotte còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Victor Tardieu trong các cuộc triển lãm công cộng. Lo lắng về tương lai nghề nghiệp và tài chính của học trò, ông hướng dẫn họ từ những năm đầu tiên và nhiệt tình khuyến khích họ tham gia các cuộc triển lãm và hội chợ quốc tế. Ông chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho những tài năng triển vọng được nở rộ.

Theo đó, kể từ năm 1928, tức là 3 năm sau khi trường hoạt động, các sinh viên bắt đầu giới thiệu một vài sáng tác của mình tới đông đảo công chúng nhân dịp hội chợ lớn thường niên diễn ra tại Hà Nội.

Sophia thân mến!

100 năm đã trôi qua, nhưng đọc thư từ qua lại giữa Victor Tardieu và các học trò được trích dẫn trong sách, ta có thể thấy rõ, người thầy này luôn hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các học trò của mình cả trước, trong và sau khi tốt nghiệp.

Như trường hợp của họa sĩ Tô Ngọc Vân, người theo học khóa 2 (1926 - 1931), sau khi tốt nghiệp và có nhiều thành công tại các cuộc triển lãm trước đó, Victor Tardieu đã tiến cử Tô Ngọc Vân lên với Toàn quyền Đông Dương để trở thành giảng viên chính thức.

Hay như trường hợp Nguyễn Tường Lân - sinh viên khóa 4 (1928 - 1933) - ngay sau khi nhận được bằng tốt nghiệp, người họa sĩ trẻ ngày đó đã gửi thư cho thầy Victor Tardieu rằng: "Nếu như có những ngày đắng cay/ Thì cũng có những ngày ngọt ngào… Câu chuyện cuộc đời em, thưa thầy, chỉ gói gọn trong hai dòng này. Biết bao điều em đã được học - một năm trôi qua cùng với thầy đủ để hiểu những giá trị sâu sắc của nghệ thuật… Thầy đã dạy cho em biết thế nào là nghệ thuật, nghệ thuật vĩ đại, nghệ thuật vĩnh cửu, bất biến, rằng sự lao động nghiêm túc và siêng năng có thể đưa chúng ta đi xa tới đâu".

Trong bài phát biểu tại trường Mỹ thuật Đông Dương nhân kỷ niệm một năm ngày mất của Victor Tardieu, Nguyễn Ngọc Ngoan, sinh viên ngành Kiến trúc, đã bày tỏ: "Người ta nói rằng phúc cho những ai rời khỏi thế gian này mà để lại một tấm gương sáng để người đời noi theo! Cố Hiệu trưởng của chúng ta là một trong số những người như vậy…".

Hẳn Sophia cũng sẽ đồng ý rằng, nhờ những người thầy như thế thì mới có những học trò xuất sắc như các thế hệ nghệ sĩ của trường Mỹ thuật Đông Dương. Mà ngày nay, ta có thể thấy, tác phẩm của họ không chỉ có trong các bảo tàng, mà còn thường xuyên xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế, với số tiền từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô la, làm rạng danh cho nền nghệ thuật nước nhà.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm