29/07/2014 13:21 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, hôm nay, đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam lại có dịp hội ngộ chung vui cùng nhau tại Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam lần thứ 18, tổ chức tại huyện Bắc Trà My. Đây không chỉ là sân chơi giải trí, mà còn là tiếng trống chiêng đánh thức những di sản đại ngàn.
1. Nhắc đến Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến những di sản như Hội An hay Mỹ Sơn. Nhưng mảnh đất xứ Quảng còn có nhiều giá trị lớn hơn thế. Đó là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong lòng cộng đồng các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Co, Ca Dong, Giẻ Triêng... Họ sinh sống trên hơn 80% diện tích tỉnh Quảng Nam.
Nếu như các địa phương khác thường trực nỗi lo “Kinh hóa” cộng đồng dân tộc thiểu số, thì Quảng Nam hoàn toàn có quyền tự hào khi vẫn giữ được bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ kiến trúc nhà Gươl, trang phục truyền thống, đến ẩm thực, lễ hội,….của đồng bào vẫn còn nguyên.
Nếu ai đó từng dừng chân trên đường lên Tây Giang, Đông Giang hẳn sẽ lạc vào làn khói bếp ban chiều với tiếng chiêng trống rộn ràng của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Nếu ai từng say men trong chợ tình của người H’Mông, hẳn sẽ ngất ngây trong vũ điệu tung tung za zá của các thiếu nữ Cơ Tu - vũ điệu được cho là muôn phần gợi cảm.
Nhưng hơn tất cả mọi thứ, mà chúng ta dễ dàng nhận thấy chính là cách ứng xử hồn nhiên, đầy tính nhân văn của đồng bào nơi đây trong mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
2. Nói thế, không có nghĩa là Quảng Nam đang bảo thủ, không dám tiếp cận cái mới mà chỉ chăm chăm giữ những cái gọi là “ban sơ”. Trên cái nền giá trị văn hóa ấy, Quảng Nam đã đưa văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số vào làm du lịch. Họ có thể giới thiệu và bán các sản phẩm thổ cẩm, cùng du khách ăn cơm, vui chơi trong các lễ hội, sinh hoạt hàng ngày…
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Vì thế, Lễ hội văn hóa thể thao lần này được kỳ vọng sẽ đánh thức các giá trị di sản, không chỉ có ý nghĩa cho hiện tại mà còn có tầm nhìn cho tương lai trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại Quảng Nam
Lễ hội lần thứ 18 này diễn ra trong hai ngày 29 và 30/7 với nhiều hoạt động thể thao, văn hóa đặc sắc, có sự tham gia của hơn 1.500 người đến từ 9 huyện miền núi. Hiếm có một lễ hội cấp địa phương nào lại đông đảo như thế. Đó là bằng chứng thể hiện tinh thần đoàn kết, niềm hoan hỉ muốn gặp lại anh em, bạn bè sau 4 năm xa cách (lễ hội lần thứ 17). Mỗi huyện đều mang đến lễ hội nét riêng của địa phương mình: sức trẻ của những chàng trai đôi mươi trong những trận bóng, thi kéo co, sự duyên dáng của những cô gái trong ánh mắt, nụ cười, hương vị từ những sản vật địa phương,….
3. Không phải ngẫu nhiên Bắc Trà My được chọn để đăng cai lễ hội. Thời gian gần đây, huyện này liên tục phải hứng chịu nhiều trận động đất. Nếu trong thời gian lễ hội xảy ra động đất thì sao? Đây là câu hỏi nhiều người đã đặt ra và hẳn lãnh đạo tỉnh đã nghĩ đến. Nhưng có lẽ, người dân xứ Quảng muốn chứng tỏ rằng, dù có muôn vàn khó khăn nguy hiểm, họ vẫn đến với nhau bằng cái tình cái nghĩa, bằng bản lĩnh kiên cường, dám đối mặt với những bất trắc của thiên nhiên.
Trong lễ hội lần này, một kỳ vọng lớn về du lịch được mở ra. Đó là sự kết nối xuyên suốt từ di sản Hội An, Mỹ Sơn đến hồ Phú Ninh, di tích quốc gia Khu ủy khu V,…Đặc biệt, huyện Bắc Trà My cũng giới thiệu những điểm đến mới: nhà máy thủy điện sông Tranh, đi thuyền trên lòng hồ thủy điện,…
Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Ngày khai mạc lễ hội chính là tiếng trống giục giã đánh thức các giá trị vật thể và phi vật thể của di sản đại ngàn.
Đăng Khoa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất