Cổ Jisoo BlackPink lại sưng vì hạch bạch huyết: Căn bệnh phổ biến nhưng tiềm ẩn nguy cơ chuyển biến thành ung thư

07/11/2022 13:12 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống

Thông thường tình trạng sưng hạch bạch huyết của Jisoo BlackPink không quá nguy hiểm, nhưng sẽ trở thành mối lo khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường đi kèm.

Cụ ông 100 tuổi từng bị ung thư dạ dày từ chối hoá trị, lên núi sống an nhiên, 3 năm sau quay lại bác sỹ bất ngờ với kỳ tích xảy ra

Cụ ông 100 tuổi từng bị ung thư dạ dày từ chối hoá trị, lên núi sống an nhiên, 3 năm sau quay lại bác sỹ bất ngờ với kỳ tích xảy ra

Tự chữa bệnh bằng cách chữa lành tâm hồn mình trước, cụ ông vừa làm theo chỉ định của bác sỹ vừa chọn cho mình cuộc sống an nhiên nơi rừng núi.

Mới đây, nữ ca sĩ Jisoo (BlackPink) gây lo lắng vì hình ảnh vết sưng trên cổ. Theo Koreaboo, ngay sau đó, YG Entertainment xác nhận nữ ca sĩ không gặp vấn đề sức khỏe gì nghiêm trọng. Jisoo hoàn toàn khỏe mạnh. Song, đây không phải lần đầu tiên người hâm mộ nhận thấy cổ của nữ nghệ sĩ bị sưng hạch.

Trước đó, tháng 9/2021, trong teaser chương trình Delicious place, chị cả BlackPink xuất hiện với bên phải cổ có nốt hạch to, nổi rõ.

Ngày 10/9/2020, tài khoản SBS Entertainment đăng video giới thiệu chương trình ẩm thực Tasty Square với khách mời là thành viên Jisoo của BlackPink. Trong clip dài 35 giây, người hâm mộ tinh mắt phát hiện ra chi tiết bất thường của Jisoo khi tham gia chương trình. Trong cảnh quay bắt cận Jisoo từ góc bên phải, khán giả phát hiện trên cổ trưởng nhóm BlackPink xuất hiện vết sưng hạch bạch huyết.

Năm 2019, người hâm mộ từng thấy vết sưng hạch bạch huyết tương tự trên cổ Jisoo trong thời gian cô và các thành viên BlackPink lưu diễn thế giới.

Chú thích ảnh
Hạch bạch huyết bị sưng ở vùng cổ của Jisoo - Ảnh: Cắt từ clip

Hạch bạch huyết là gì?

Các hạch bạch huyết là thành phần quan trọng của hệ bạch huyết. Ngoài hạch bạch huyết, hệ bạch huyết còn có hệ thống các mạch máu, cơ quan trải khắp cơ thể.

Hạch bạch huyết là hệ thống gồm hàng trăm khối tế bào nhỏ như hạt đậu. Chúng ta có hơn 600 hạch bạch huyết nằm rải rác khắp cơ thể, nhiều nhất tại vùng cổ, xương đòn, nách, bẹn. Tuy nhiên, chỉ trong ít số đó là có thể chạm và cảm nhận được. Kích thước của mỗi hạch bạch huyết cũng khác nhau tùy thuộc vào các vị trí khác nhau.

Hệ bạch huyết đóng vai trò rất quan trọng với chức năng miễn dịch của cơ thể. Chúng hoạt động giống như bộ lọc giúp loại bỏ virus, vi khuẩn và bất kỳ tác nhân nào có thể gây bệnh.

Trong hầu hết các trường hợp, hạch bạch huyết sưng lên ở vùng cổ là do phản ứng với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra. Nguyên nhân gây bệnh thường là do vi khuẩn và virus.

Vết sưng là do các tế bào máu tích tụ nhiều ở vị trí bị nhiễm trùng để chống lại mầm bệnh. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do viêm xoang, viêm họng do liên cầu khuẩn và tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

Thông thường, khi bị sưng hạch bạch huyết, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sưng và đau ở vị trí hạch bạch huyết sưng. Cụ thể:

- Đau khi ấn vào tuyến bị sưng

- Khu vực sưng nhạy cảm hơn

- Các hạch sưng rất lớn, to bằng hạt đậu Hà Lan hoặc hơn

Thông thường các hạch bạch huyết bị sưng có thể sẽ trở lại bình thường mà không cần phải điều trị. Đó cũng là lúc tình trạng viêm nhiễm của cơ thể đã khỏi.

Chú thích ảnh
Sưng hạch bạch huyết là do các tế bào máu tích tụ nhiều ở vị trí bị nhiễm trùng để chống lại mầm bệnh - Ảnh: pinterest

“Khi chữa khỏi được căn bệnh do virus, vi khuẩn gây ra hoặc khắc phục được nguyên nhân viêm nhiễm sẽ giúp triệu chứng sưng hạch bạch huyết được thuyên giảm”, bác sĩ Amy Zack tại phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) giải thích.

Tuy nhiên, nếu sưng hạch bạch huyết lâu ngày vẫn không khỏi hoặc chúng ngày càng lớn hơn, vết sưng rộng hơn 2,5 cm, gây đau đớn kèm theo các triệu chứng khác như sốt thì cần phải đến bác sĩ kiểm tra ngay. Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư.

Khi nào sưng hạch bạch huyết có nghĩa là ung thư?

Như đã nói, sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu cho thấy hệ thống này đang làm việc quá sức. Nhiều tế bào miễn dịch và chất thải có thể đã tập hợp lại khiến các hạch sưng đau. Sưng thường là do một số dạng nhiễm trùng, nhưng cũng có thể gây ra bởi một tình trạng khác, như viêm khớp dạng thấp, lupus hoặc ung thư (hiếm gặp).

Dấu hiệu cho thấy các hạch bạch huyết đã trở nên bất thường bao gồm:

- Có kích thước từ 1,3 cm trở lên;

- Sờ thấy cứng hoặc giống như cao su;

- Di chuyển được;

- Phần da bên ngoài bị đỏ, kích ứng và ấm nóng;

- Sưng không biến mất sau vài tuần.

Chú thích ảnh
Khi bị sưng hạch bạch huyết kèm theo triệu chứng sụt cân bất thường, bạn cần đi khám bác sĩ - Ảnh: pinterest

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng khác kèm theo như:

- Khó thở hoặc khó nuốt;

- Đổ mồ hôi đêm;

- Sốt liên tục;

- Sút cân mà không rõ lý do;

- Mệt mỏi.

Đặc biệt, ở người trên 40 tuổi, nếu các hạch bị sưng nằm gần xương đòn hoặc phần dưới cổ thì nhiều khả năng là dấu hiệu của ung thư. Hạch bị sưng nằm bên phải liên quan đến phổi và thực quản, bên trái báo hiệu vấn đề ở các cơ quan trong bụng. Đau hạch bạch huyết ở nách nhưng không kèm theo phát ban hoặc vết loét trên cánh tay cũng là dấu hiệu nghi ngờ ung thư.

Nguyễn Phượng

Theo Healthline, Webmd

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm