15/09/2015 11:52 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài mấy ý theo kiểu tổng kết số liệu để vỗ về HLV Miura của TTK VFF Lê Hoài Anh, hầu như đã không có một quan chức nào thuộc VFF công khai đứng ra bảo vệ ông thầy người Nhật Bản trước búa rìu dư luận. Nặng đô nhất trong số những ý kiến phản biện, khá bất ngờ, lại thuộc về ông Đoàn Nguyên Đức, đương kim PCT VFF.
Điều-kiện-sa-thải HLV Miura đồng thời là đảm bảo của bầu Đức: Sẽ lo trọn gói cho ĐTQG, từ khâu tuyển chọn HLV đến các kế hoạch tập huấn, chế độ, lương bổng..., cho đến khi đội tuyển Việt Nam thắng được Thái Lan và vô địch Đông Nam Á thì thôi.
1. Có lẽ bầu Đức đã hơi vội và quên rằng, đội tuyển Việt Nam từng hơn một lần thắng Thái Lan trong lịch sử các lần tham dự giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Một trong số chiến thắng đó từng giúp bóng đá Việt Nam chinh phục ngai vàng Đông Nam Á: AFF Suzuki Cup 2008. Không thể bỏ qua dụng ý sâu xa trong điều kiện sa thải của bầu Đức, nếu ông chủ ý bơm quân của HAGL vào U23 Việt Nam và xa hơn là đội tuyển Việt Nam, như từng làm với U19 Việt Nam.
Trở lại với HLV Miura. Ngay trong buổi lễ ký kết hợp đồng với VFF, người viết bài báo này có đặt thẳng vấn đề rằng tại sao và như thế nào HLV Miura không yêu cầu “cấy” vào cabin BHL các ĐTQG các trợ lý người Nhật Bản để tạo thành “ê-kíp” làm việc. Cần lưu ý, điều này là hết sức bình thường và gần nhất, người tiền nhiệm Falko Goetz đã từng đề xuất và được chấp thuận một trợ lý HLV thể lực là người Đức.
Ông Miura được toàn quyền quyết định mọi việc về chuyên môn. Ảnh: Thanh Hà
HLV Miura cho biết mình hoàn toàn tin tưởng vào những trợ lý người bản địa mà VFF hỗ trợ?! Thực tế là trong sự nghiệp huấn luyện ở Nhật Bản, HLV Miura chưa từng tạo được “ê-kíp” trợ lý giỏi. Vào thời điểm đó, cơ quan chủ quản của HLV Miura cũng đảm bảo cho HLV Miura một bộ phận chuyên môn trực thuộc, những người sẽ giúp HLV Miura trong việc tư vấn tuyển quân và các hỗ trợ kỹ thuật khác (nếu cần).
“Tổ chuyên môn của VFF” như ông Hoàng Gia, Phạm Như Thuần, Lê Tuấn Long… được thành lập không chính thức sau đó và cũng “bốc hơi” lúc nào không hay. Trong khi đó, các trợ lý HLV các ĐTQG còn làm việc từ ngày ấy đến bây giờ, nói thẳng, không phải là những người thực sự được đánh giá cao trong lĩnh vực huấn luyện, dù phần đa trong số họ đã lên lão. Tiềm năng như Đặng Phương Nam cũng đứt gánh giữa đường.
HLV Miura đã phải trải qua bao sóng gió, nhưng trợ lý HLV nào là người đứng ra “đỡ” HLV trưởng của mình một tay, khi ông thầy người Nhật Bản rơi vào tâm bão?! Thật đáng tiếc, không ai cả.
2. Khi HLV Calisto trở lại cabin BHL các ĐTQG lần 2, ngay lập tức ông mời HLV kỳ cựu Trần Văn Khánh và trợ lý Phan Thanh Hùng, dù ông Hùng vào thời điểm năm 2008 mới chỉ thành công với bóng đá trẻ (giúp U21 SHB Đà Nẵng lần thứ 2 lên ngôi tại một VCK U21 QG sau 5 năm). Khi U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam đồng thời tập trung, ông thầy người Bồ Đào Nha mời thêm các HLV Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Sỹ…
Hầu hết các trợ lý HLV và các cầu thủ từng có duyên làm việc với HLV Calisto đều thừa nhận, họ học được rất nhiều từ chuyên gia người Bồ Đào Nha về nghệ thuật cầm quân và thậm chí cả thuật dùng người. Truyền đạo và dìu dắt các trợ lý người bản địa chính là một cách tận dụng triệt để chất xám của các chuyên gia người nước ngoài, chứ không chỉ phó thác các ĐTQG cho họ rồi chấm hết.
HLV Thanh Hùng khi dẫn dắt ĐTQG thay HLV Calisto đã mời thêm các HLV Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Văn Phụng, Phùng Thanh Phương và Hoàng Văn Phúc (chăm U22 và U23 QG); rồi ông Phúc lại cấy thêm vài người khác sau đó..., trong khi HLV Miura hơi yếu ở khâu này. Các trợ lý của HLV Miura lên đội tuyển để giúp việc, chứ không phải học hỏi (để sử dụng sau này) và càng không phải để phản biện.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất