23/10/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Tại Kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Nhiều nội dung trong dự án Luật sửa đổi thời gian qua đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh.
Xung quanh dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đặc biệt là cơ chế phân loại phim, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL).
Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 đã có những tác động tích cực và hiệu quả đối với sự phát triển của ngành Điện ảnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đưa Luật Điện ảnh vào cuộc sống đã bộc lộ một số quy định chưa phù hợp với thực tế hoặc đặc thù của hoạt động điện ảnh nên thiếu tính khả thi hay chưa đề cập đến nhiều vấn đề mới nảy sinh.
Từ các phương thức phát hành phim đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Đó là những vấn đề như:Chính sách ưu đãi của Nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được thực hiện đầy đủ như: Chính sách ưu đãi về thuế, về hỗ trợ vay vốn đầu tư và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đối với các hoạt động điện ảnh; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam.
Chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ cho đơn vị sản xuất phim tư nhân để sản xuất phim lịch sử, phim thiếu nhi, phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…
Định hướng quản lý của Nhà nướchiện nay là tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế thamgia sản xuất, kinh doanh, chú trọng tăng cường kiểm soát đầu ra của sản phẩm.
Quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăngký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim” đã hạn chế việc nhập khẩu phim của các công ty phát hành phim nhỏ do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vì không sở hữu rạp chiếu phim.
Quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa khả thi, do Luật Điện ảnh chưa quy định về nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ tồn tại, phát triển; cho nên đến nay Quỹ vẫn chưa được thành lập.
Chưa có quy định cụ thể liên quan đến công nghệ số trong hoạt động điện ảnh như: Chưa có phương thức phát hành phim qua vệ tinh, trên mạng Internet tại Việt Nam, thông qua các dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật số…
Chưa quy định việc lưu trữ đối với phim định dạng kỹ thuật số, trong đó có cần cấp mã khóa khi lưu trữ không hay chuyển định dạng nào để có thể kiểm tra, theo dõi, sử dụng khi thực hiện bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục hoặc khai thác phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng…
Chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan, đơn vị nào được phép thay mặt Nhà nước có quyền khai thác, phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng để phát huy hiệu quả giá trị di sản hình ảnh động quốc gia.
Với những lý do trên, Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điệnảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong và ngoài nước, góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa, phát triển nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại.
Đến cơ chế duyệt phim: Tiền kiểm hay hậu kiểm?
Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ chế duyệt phim (tiền kiểm) chuyển sang hậu kiểm (tức là cho trình chiếu mà không cần kiểm duyệt và cấp phép trước, nếu phim có vấn đề thì mới cấm chiếu và xử phạt).
Vấn đề này cần phải hết sức thận trọng vì mỗi quốc gia với chế độ chính trị và điều kiện kinh tế xã hội cũng như dân trí khác nhau cần có cách giải quyết khác nhau. Ở Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh hậu quả xấu, đôi khi trả giá quá đắt. Cụ thể:
Đối với phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình không chiếu rạp và không phát hành rộng rãi quốc tế thì có thể áp dụng hậu kiểm.
Đối với phim truyện điện ảnh, nó có phạm vi phổ biến rộng rãi, tác động rất nhanh và sức ảnh hưởng lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội và là một công cụ tuyên truyền tư tưởng mạnh mẽ. Nếu không có cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm duyệt nội dung trước thì các nhà sản xuất có thể sẽ đưa các hình ảnh về chính trị, chủ quyền quốc gia, tình dục, khỏa thân, bạo lực vào phim sẽ gây ra những tác hại rất lớn tới đạo đức xã hội. Vì vậy, các tác phẩm phim truyện điện ảnh bắt buộc phải trải qua kiểm duyệt trước khi được cấp phép trình chiếu.
Điện ảnh là ngành gây ảnh hưởng rất rộng và nhanh chóng, nên hầu như tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp "tiền kiểm" đối với phim truyện điện ảnh, bởi chỉ có phương pháp này là đảm bảo tốt việc ngăn chặn những bộ phim có nội dung xấu, độc hại trước khi chúng được công chiếu. Còn phương pháp "hậu kiểm" thì có nhược điểm rất lớn, đó là cơ quan kiểm duyệt sẽ không thể phát hiện ra vi phạm trước khi phim được trình chiếu. Mặt khác, đa số các nhà rạp là đơn vị kinh tế tư nhân không phải cơ quan Nhà nước, không có bộ máy đủ mạnh và hiểu biết về tư tưởng chính trị như các đài truyền hình hay các cơ quan phổ biến phim của Nhà nước vì vậy họ khó phát hiện hoặc khi phát hiện ra vi phạm và cấm trình chiếu thì cũng không còn tác dụng gì nữa, vì chỉ cần 1 ngày trình chiếu tại các rạp phim là đã có hàng trăm nghìn người xem và bị ảnh hưởng xấu từ bộ phim đó rồi, không thể thu hồi lại được nữa.
Do việc kiểm duyệt và phân loại phim có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất áp dụng, trách nhiệm pháp lý và sự tuân thủ cao như vậy nên tại đa số các nước (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia, Ấn Độ...), việc kiểm duyệt phim được thực hiện theo hình thức tiền kiểm. Tại Anh, từ năm 1985 đến năm 2018, Hội đồng phân loại phim cấm 39 bộ phim có những nội dung được xem là vi phạm pháp luật và đạo đức.
Ở Việt Nam hiện nay đang được thực hiện theo hình thức “tiền kiểm”. Trung bình mỗi năm, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện kiểm duyệt gần 300 phim nhập khẩu (cấm phổ biến gần 30 phim), gần 40 phim do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, thành phần, tiêu chuẩn, chất lượng của thành viên Hội đồng duyệt phim cần được quy định rõ; trong đó cần có đại diện của cơ sản xuất phim hoặc các nhà làm phim tư nhân; đồng thời quyền lợi, trách nhiệm của Hội đồng cũng cần được nâng lên tương xứng.
Có nên phân cấp cho Hội đồng duyệt phim ở địa phương duyệt phim truyện điện ảnh không?
Hiện nay, dự thảo Luật Điện ảnh đang phân cấp thẩm quyền ở Trung ương (Bộ VH,TT&DL) và địa phương (UBND cấp tỉnh).
Tuy nhiên, như đã nêu phần trên. Chúng ta cần hết sức thận trọng vì Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng có phạm vi phổ biến rộng, tác động rất nhanh và là một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ. Trong khi, điều kiện phòng chiếu duyệt phim truyện điện ảnh chiếu rạp và trình độ chuyên môn, chính trị đội ngũ cán bộ ở mỗi địa phương khác nhau, vừa thiếu, vừa yếu, nhiều địa phương không đủ điều kiện để thực hiện, dẫn đến tình trạng thành phố/ tỉnh này cấp phép, tỉnh kia từ chối; nguy hại hơn nữa có thể cho ra rạp những bộ phim chất lượng thấp, phim “thảm họa điện ảnh” và kéo theo niềm tin về điện ảnh Việt Nam sẽ giảm sút, khó thực hiện hiệu quả mục tiêu chung là phát triển nền điện ảnh dân tộc, xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Do vậy, theo tôi, chỉ nên phân cấp cho địa phương duyệt đối với phim tài liệu, phim truyền hình và các loại phim không chiếu rạp, không phát hành rộng rãi quốc tế. Còn đối với phim truyện điện ảnh, phim hoạt hình và các phim chiếu rạp, phát hành quốc tế cần giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ thực hiện việc kiểm duyệt và phân loại các bộ phim để đảm bảo tính thống nhất trong nội dung kiểm duyệt và trình chiếu trong và ngoài nước.
Trên thế giới: Tại Ấn Độ, mọi bộ phim chiếu rạp và phim truyền hình đều phải được kiểm duyệt bởi Ủy ban Chứng nhận Phim Trung ương (CBFC), cơ quan kiểm duyệt và phân loại trực thuộc Bộ Thông tin và Phát thanh của Chính phủ Ấn Độ. Các bộ phim có nội dung, hình ảnh xâm phạm đạo đức xã hội của Ấn Độ sẽ được cơ quan này yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ, thậm chí là bị cấm trình chiếu.
Tại Trung Quốc, đối với phim chiếu rạp, nội dung bộ phim phải được 37 thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua. Họ gồm các quan chức, viện sĩ, biên tập tạp chí điện ảnh và đạo diễn, cùng ngồi lại xem xét các chi tiết hình ảnh, lời thoại liên quan đến tình dục, bạo lực và yếu tố chính trị của bộ phim. Phim điện ảnh muốn phát hành ở thị trường điện ảnh Trung Quốc đều phải trải qua khâu kiểm duyệt rất khắt khe.
Ở các nước như: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia… việc kiểm duyệt phim sẽ do cơ quan Chính phủ đảm nhiệm.
Ở Hoa Kỳ, việc kiểm duyệt, đánh giá được giao cho Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPAA (bởi MPAA có thực quyền rất mạnh để có thể khiến các công ty sản xuất phim phải tuân thủ…).
Quyền sở hữu các phim do Nhà nước đặt hàng Hiện nay, hầu hết các đơn vị, hãng phim, Đài truyền hình khi được Nhà nước đặt hàng và cơ quan lưu trữ phim vẫn đang tự do khai thác hoặc băn khoăn trong việc khai thác, phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng. Vấn đề này chúng ta cần thấy rõ, Nhà nước trả tiền lương bộ máy làm phim và Nhà nước đầu tư kinh phí làm phim thì quyền sở hữu các bộ phim đó phải thuộc về Nhà nước chứ không phải của các đơn vị, cơ sở sản xuất phim. Vậy cơ quan nào có đủ tư cách quản lý, lưu giữ, khai thác những phim này? Điều này Luật Điện ảnh cần nêu rõ để làm sao đảm bảo thống nhất trong quản lý, đảm bảo việc giữ gìn các bộ phim đạt chất lượng cao nhất và khi khác thác nguồn lợi của Nhà nước phải được tái đầu tư cho điện ảnh thông qua thuế hoặc Quỹ phát triển điện ảnh (khi được thành lập). |
Cần có quy định lưu trữ phim lâu dài như là di sản văn hóa của quốc gia? Hiện nay, Luật Điện ảnh chưa quy định việc lưu trữ đối với phim định dạng kỹ thuật số, trong đó có cần mở mã khóa khi lưu trữ không hay chuyển định dạng nào để có thể kiểm tra, theo dõi, sử dụng khi cần…? Ở các nước tiên tiến trên thế giới, ngay từ khi xu thế kỹ thuật số định hình cho ngành điện ảnh, người ta đã sớm có ý thức về trang bị các hệ thống lưu trữ đối với phim địnhdạng kỹ thuật số lâu dài. Hầu hết các cơ sở sản xuất phim đều lưu phim trong các ổ cứng rời. Điều này không an toàn cho dữ liệu vì các ổ cứng có thể hỏng bất cứ lúc nào (mặc dù các hãng vẫn khuyến cáo tuổi thọ là 5 năm). Điều này dẫn đến việc mất dữ liệu phim lưu trữ trong các ổ cứng là hoàn toàn có thể. Điện ảnh cần có quy định lưu trữ phim lâu dài như là di sản văn hóa của quốc gia, trong đó cần có cơ quan có hệ thống thiết bị hiện đại, an toàn, đảm bảo chất lượng phim sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Do vậy dữ liệu số cần được đưa về một kho dữ liệu lớn gồm đầy đủ: Hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống quản trị dữ liệu, hệ thống sao lưu dữ liệu, hệ thống dự phòng sự cố. Và lưu giữ song song trên nhiều định dạng vật liệu khác nhau. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và tiến hành sao chép dữ liệu khi thấy nguy cơ mất an toàn, có như vậy mới đảm bảo sứ mệnh bảo tồn và giữ gìn những di sản hình ảnh của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ muôn đời sau. |
NSND Vương Duy Biên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất