CK ngày 22/7: Hẹp cửa bán ra

22/07/2008 16:07 GMT+7 | Thế giới

Tính thanh khoản của thị trường lại trở thành một trong những lo ngại nổi bật nhất, điều đã từng xẩy ra và kéo dài trong thời gian áp dụng biên độ +/-1% trước đó
Thị trường bước sang một thái cực hoàn toàn khác: tính thanh khoản nén chặt, nhà đầu tư khó bán ra.

Đã chuẩn bị trước tâm lý, nhưng diễn biến giao dịch của phiên này có thể gây bất ngờ với nhà đầu tư, khi khối lượng giao dịch sụt giảm cực mạnh.

Toàn thị trường chỉ có 2,55 triệu đơn vị, trong đó riêng giao dịch thỏa thuận đã chiếm tới gần 1/3; giá trị giao dịch vẻn vẹn 121 tỷ đồng.

Những con số trên có thể so sánh với quy mô những phiên ảm đạm trên sàn Hà Nội. Còn với những phiên giao dịch gần đây, đó là một thái cực hoàn toàn khác. Bởi bình quân khối lượng giao dịch trên sàn Tp.HCM hai tuần gần đây có từ 17 – gần 20 triệu đơn vị/phiên.

Ngay trong đợt 1, tín hiệu về một phiên hẹp cửa bán ra đã hé mở khi chỉ có 875.300 đơn vị giao dịch thành công, khoảng 30% mã trên bảng giao dịch bất động khi không có lệnh đón mua.

Đợt 2, lệnh mua vào sàn nhỏ giọt, đưa nhiều mã không có giao dịch trước đó về giá sàn. Đây cũng là môi trường thuận lợi để có thể nhà đầu tư thả lệnh lô nhỏ “dìm giá” chứng khoán, đầu cơ giá xuống… Tuy nhiên điều này chưa xẩy ra. Khối lượng qua đợt này nhích lên 1,56 triệu đơn vị, trị giá 74,8 tỷ đồng.

Tính thanh khoản của thị trường lại trở thành một trong những lo ngại nổi bật nhất, điều đã từng xẩy ra và kéo dài trong thời gian áp dụng biên độ +/-1% trước đó. Diễn biến này được giải thích từ động lực mua vào hạn chế, cầu chứng khoán đang có tâm lý chờ đợi giá rẻ hơn. Mặt khác, dò đáy thời điểm này trở nên nhạy cảm và nhiều rủi ro.

Phiên thứ hai liên tiếp trên bảng giao dịch chỉ có duy nhất 1 mã tăng giá, và không phải là SSI. Trong phiên liền trước, SSI tạo một dấu ấn khá đặc biệt khi trở thành mã duy nhất tăng giá trên sàn, đánh dấu 21 phiên tăng trần liên tiếp, có hơn 7 triệu đơn vị được giao dịch. Tuy nhiên, ở phiên này, cổ phiếu đã có sức tăng trên 50% thời gian qua không thể tiếp tục ngược dòng diễn biến chung trên sàn.

Thay thế SSI là một cổ phiếu hoàn toàn mới trên sàn niêm yết: DDM của Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô, cổ phiếu thứ 154 của sàn Tp.HCM trong ngày chào sàn đầu tiên.

Giá tham chiếu của DDM trong ngày giao dịch đầu tiên này là 14.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên, mức giá mà cổ phiếu này tạo được là 16.800 đồng/cổ phiếu, tăng hết biên độ 20% cho phép và trở thành mã duy nhất tăng giá trên sàn.

Còn lại, có tới 151 mã giảm, phần lớn kịch sàn, và có 6 mã giữ giá tham chiếu. VN-Index chung cuộc giảm tới 12,94 điểm (2,74%), còn 457,88 điểm.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index giảm mạnh hơn phiên liền trước, mất 2,59 điểm, còn 145,69 điểm. Tính thanh khoản tại đây cũng bị nén chặt, hẹp cửa bán ra khi chỉ có chưa đầy nửa triệu cổ phiếu giao dịch thành công (446.100 đơn vị), trị giá 18 tỷ đồng.

Một hiện tượng của thời thanh khoản thấp tiếp tục thể hiện; lượng mã không có giao dịch tăng lên gần gấp đôi phiên liền trước với 36 mã. Trên bảng giao dịch chỉ còn lại hai chấm xanh là KBC và L62; trong đó KBC tăng mạnh 2.300 đồng/cổ phiếu và là một chốt chặn, gỡ điểm cho HASTC-Index phiên này.

Về phiên hôm nay, tác động từ giá xăng dầu mới vẫn là nguyên nhân chính. Trong nhiều ý kiến phản hồi về VnEconomy, có những quan điểm khác nhau, nhưng có một nhận định chung là mức tăng trên 30% của giá xăng dầu lần này là quá mạnh.

Liên quan đến tác động của giá xăng dầu đối với chứng khoán, cụ thể là phiên giao dịch hôm qua (21/7), có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng được thông báo từ hơn 9 giờ sáng, khi đó xu hướng giảm đã hình thành trên sàn nên không thể có tác động ngay.

Tuy nhiên, trong các cuộc gọi từ nhà đầu tư, một số tổ chức tự doanh tới phóng viên trước giờ mở cửa giao dịch đã đề cập đến khả năng có điều chỉnh giá xăng trong ngày.

Thậm chí, trong phiên cuối tuần trước, tại một số sàn giao dịch, khả năng tăng giá xăng dầu trở thành một chủ đề nóng của nhà đầu tư. Trong báo cáo giao dịch của một số công ty chứng khoán, khả năng đó cũng được khuyến nghị cần “cảnh giác”.

Trở lại phiên hôm nay, ngoài tác động của giá xăng dầu, thị trường còn ghi nhận những xáo trộn nhất định liên quan đến biến động nhanh và mạnh của giá USD trên thị trường tự do. Nhưng theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, người dân không nên đổ xô theo biến động trên bởi có nhiều rủi ro; mặt khác tỷ giá xoay quanh mức 16.700 VND hiện nay là hợp lý. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra tiếp tục giảm khá mạnh trong ngày hôm nay, còn 16.810 VND.

Với những tác động trên, đặc biệt là từ giá xăng dầu mới, cùng với tính thanh khoản có dấu hiệu hạn chế, những phiên giao dịch tới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.

Thông tin tích cực hiện nay là chỉ số lạm phát tháng 7, theo một lãnh đạo của Tổng cục Thống kê, dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,1% của tháng 6 trước đó. Còn tác động từ giá xăng dầu, dự báo sẽ bắt đầu thể hiện trong chỉ số lạm phát từ tháng 8 tới.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm