Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một cuộc bứt phá ngoạn mục trong tháng 8, đạt mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới sau khi các biện pháp bình ổn nền kinh tế của chính phủ đã phát huy tác dụng |
Sau kỳ nghỉ, thị trường trở lại với một phiên tăng điểm khá ấn tượng, nhưng khối lượng giao dịch đã giảm mạnh tại cả hai sàn.
Trở lại sau đợt nghỉ 4 ngày, thị trường có dấu hiệu khởi sắc ngay từ đầu phiên, khi giá chứng khoán và hai chỉ số cùng tăng khá mạnh.
VN-Index mở đầu phiên đầu tiên của tháng 9 với mức tăng 13,5 điểm trong đợt 1, tái lập mốc 550 điểm. Trong đợt này, khối lượng báo hiệu một phiên hạn chế so với tuần trước khi chỉ có 5,8 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trong đợt 2, xu hướng đi lên của thị trường đã khẳng định, sự hứng khởi thể hiện rõ ở đà tăng giá đồng loạt của cổ phiếu; VN-Index có thời điểm tăng trên 18 điểm. Khối lượng qua đợt 2 tiếp tục kìm ở mức thấp, chỉ đạt 15 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên, thị trường khép lại một phiên tăng điểm khá thuận lợi, màu xanh đã trở lại với VN-Index sau hai phiên mất điểm cuối tháng 8. Hiện chỉ số này ở mức 555,14 điểm, tăng 16,04 điểm. Tuy nhiên khối lượng giao dịch đã giảm mạnh so với tuần thanh khoản kỷ lục vừa qua; chỉ đạt 17,6 triệu đơn vị, bằng hơn phân nửa so với những phiên từ 32 – 35 triệu đơn vị liền trước.
Ở phiên này, khối lượng giao dịch giảm mạnh có thể nhìn nhận ở quyết định cùng kìm bán của nhà đầu tư, tin và chờ ở khả năng có đà tăng nối tiếp. Sự chờ đợi đó, cũng như sự trở lại khá ấn tượng phiên hôm nay, có cơ sở từ những thông tin tác động thuận lợi.
Cụ thể nhất là thông tin điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được công bố ngày 29/8 vừa qua. Theo đó, lãi suất cơ bản vẫn tiếp tục duy trì ở mức 14%; chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Ở chính sách này, dự tính giảm lãi suất cơ bản trước đó của một số nhà đầu tư tạm thời chưa xẩy ra, nhưng việc giữ nguyên nói trên nhận được khá nhiều ủng hộ, khi đặt trong yêu cầu kiềm chế lạm phát thời gian tới.
Quyết định khác đáng chú ý của Ngân hàng Nhà nước là tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng từ 1,2% lên 3,6%. Quyết định này góp phần giảm chi phí đầu vào của các ngân hàng, tạo điều kiện để lãi suất cho vay đầu ra giảm. Thực tế, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay, giảm bới chi phí vay vốn của doanh nghiệp…
Với riêng hai cổ phiếu ngân hàng – hai đầu tàu ACB của Ngân hàng Á châu và STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín tại sàn Hà Nội và Tp.HCM, việc lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc được tăng thêm 2,4% là một thông tin thuận lợi, tạo thêm nguồn thu cho ngân hàng trong bối cảnh khó khăn. Cả STB và ACB phiên hôm nay đền đã tăng kịch trần và có ảnh hưởng nhất định đến kết quả chung của VN-Index và HASTC-Index.
Ngoài thông tin trên, thị trường thời điểm này nhận được khá nhiều thông tìn bình luận tích cực, đặc biệt là về tâm lý nhà đầu tư sau khi trải qua một tháng giao dịch ấn tượng nhất kể từ đầu năm.
Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một cuộc bứt phá ngoạn mục trong tháng 8, đạt mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới sau khi các biện pháp bình ổn nền kinh tế của chính phủ đã phát huy tác dụng.
“Chỉ số VN-Index tăng mạnh 87,74 điểm, tương đương tăng 19,4% so với tháng 7, trong tháng vừa rồi, tỷ lệ tăng trong một tháng cao nhất kể từ đầu năm. Các chính sách ồn định kinh tế vĩ mô và kích thích thị trường phát triển của Nhà nước đã cải thiện đáng kể tính thanh khoản của thị trường, đồng thời cũng làm cho các nhà đầu tư vững tin rằng nền kinh tế sẽ đi vào ổn định vào các tháng cuối năm”, hãng tin trên nhận định.
Nối tiếp sang tháng 9, ở phiên đầu tiên, chứng khoán lại đồng loạt tăng giá khá mạnh, dư bán hạn chế và dư mua xuất hiện lớn. Trong phiên này, trên sàn Tp.HCM có tới 142 mã tăng giá, 11 mã ở giá tham chiếu và chỉ còn 7 mã giảm.
Trong phiên, phần lớn các mã đều xác định hướng đi lên dứt khoát, nhưng cũng có những thay đổi cục bộ đáng chú ý. Đó là VIC, có thời điểm giảm nhẹ 1.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đã kịp về giá tham chiếu vào cuối phiên; tương tự là KDC. BBT, một trong những cổ phiếu được dư luận chú ý nhất trong tháng 8, cũng đã lội ngược dòng thành công từ mức giảm sàn lên thêm 200 đồng/cổ phiếu.
Cùng với VIC, 3 mã lớn là PPC, PVD và VPL cũng lưỡng lự ở giá tham chiếu, chưa cùng xu hướng chung của thị trường để hỗ trợ VN-Index tăng điểm mạnh hơn.
Ngược lại, một trong những mã tăng mạnh nhất tháng 8 là VIS đuối dần về cuối phiên và giảm sàn. VNS, LBM, KMR, IMP, BTC, BBC là những mã giảm giá còn lại.
Tại sàn Hà Nội, một phiên giảm mạnh về khối lượng giao dịch cũng thể hiện; chỉ đạt 6,67 triệu cổ phiếu, bằng hơn 1/3 khối lượng của phiên liền trước, trị giá 367 tỷ đồng.
Chỉ số HASTC-Index đầu phiên tăng khá mạnh, thêm gần 4 điểm, nhưng về cuối phiên chỉ còn tăng 1,87 điểm, lên 194,3 điểm. Tính chung tại đây có 138 cổ phiếu tăng giá (trong đó có tới 114 mã tăng trần), còn lại 8 mã giảm và 1 mã không có giao dịch.
(Theo VnEconomy)