Chuyển nhượng Arsenal: Đừng nước đến chân mới nhảy

22/07/2013 19:59 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Cho tới giờ, Arsenal chưa có hoạt động gì đáng kể trên thị trường chuyển nhượng, bất chấp việc họ được liên hệ với hàng loạt tên tuổi lớn. Bài học quá khứ cho thấy HLV Arsene Wenger cần phải ra tay sớm nếu ông muốn tăng cường lực lượng hiệu quả, bởi lẽ những hợp đồng vội vã từng khiến đội bóng áo đỏ-trắng phải trả giá đắt.

Cuối tháng 8/2011, Arsenal trải qua thất bại nặng nề nhất trong lịch sử Premier League của mình với trận thua 2-8 dưới tay kình địch M.U. Lúc đó, Cesc Fabregas và Samir Nasri vừa rời CLB và Wenger cần những giải pháp khẩn cấp trong cơn tuyệt vọng để vá víu quá nhiều lỗ hổng trong đội hình.



Món hàng hớ Andre Santos là minh chứng cho việc mua sắm vội vàng của Arsenal

Bài học từ quá khứ

Chiến lược gia người Pháp giống như một bà nội trợ phải chuẩn bị một bữa tiệc cho 100 người nhưng vào phút chót lại thấy mình còn thiếu quá nhiều nguyên liệu đã đẩy vội chiếc xe vào siêu thị trước giờ đóng cửa và cố vơ vét những gì còn lại trên các giá hàng.

Chỉ trong 2 ngày, Arsenal đưa về 5 cầu thủ vào những khoảnh khắc cuối cùng của kỳ chuyển nhượng hè năm 2011. Trong số 5 người đó, 2 người đã trở thành các trụ cột ở đội bóng. Không thể tranh cãi rằng Per Mertesacker và Mikel Arteta đã là những thành công lớn trong đội 1 áo đỏ-trắng. Tuy nhiên, đó cũng là 2 lựa chọn dễ dàng. Mertesacker khi đó là một tuyển thủ Đức nhiều kinh nghiệm, còn Arteta đã có 6 năm chơi bóng ở Premier League cho Everton.

3 người còn lại là những thất bại thảm hại. Yossi Benayoun, hợp đồng cho mượn 1 năm, chủ yếu ngồi trên ghế dự bị và không phải là một tiền vệ ở đẳng cấp một đội dự Champions League. Chữ ký với cầu thủ người Hàn Quốc Park Chu Young từ Monaco cho tới giờ vẫn khiến nhiều người thấy khó hiểu. Tính từ khi Park đến Emirates vào ngày 30/8/2011 tới nay, anh mới có duy nhất 1 trận ra sân, một thất bại toàn diện.

Nhưng người cuối cùng trong danh sách mua sắm hoảng loạn đó mới là điển hình cho một sai lầm trên thị trường chuyển nhượng có thể tai hại ra sao: hậu vệ trái người Brazil Andre Santos.  Vào thời điểm đó, Santos vừa được gọi vào đội tuyển quốc gia Brazil và khá nổi tiếng trên… YouTube với những bàn thắng từ khoảng cách rất xa. Thật ra, kỳ vọng ở anh không chỉ có mình Wenger. Kênh thể thao ESPN đánh giá về Santos: “Đó là một chữ ký rất đáng chú ý. Từng nhận được sự hướng dẫn của Roberto Carlos khi còn chơi bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh có thể là một hợp đồng giá rẻ thành công lớn của Arsenal. Santos đã có 22 trận khoác áo Brazil và kinh nghiệm chơi ở Champions League. Anh ấy sẽ hòa nhập tốt ở Premier League”.

Andre Santos & những món hàng cần thanh lý

Không điều nào trong đó trở thành sự thật. Dù ghi được vài bàn quan trọng trên sân khách vào lưới Chelsea và West Brom mùa 2011-12, sự nghiệp của Santos ở Arsenal đơn giản là tai họa. Không thể trách Santos là thiếu nỗ lực và tinh thần học hỏi. Anh luôn chơi bóng hết mình trên sân và là một cá tính lớn bên ngoài đó. Chỉ đơn giản là anh không đủ tài năng. Dẫu chơi thất vọng, Santos vẫn là một cầu thủ được yêu mến ở Emirates, nhưng giống như người cũng giữ vị trí hậu vệ trái trước anh ở Arsenal, Emmanuel Eboue, dù Santos có làm gì, anh vẫn không thể thành công.

Khoảnh khắc không may mắn sẽ định nghĩa cả sự nghiệp của Santos ở Arsenal trong mắt nhiều CĐV là khi anh đuổi theo Robin van Persie trong trận gặp M.U chỉ để túm áo cầu thủ này, mà còn không được. Ngoài vài pha vào bóng lóng ngóng và những đường chuyền về đẩy thủ môn đội nhà vào thế đối mặt với tiền đạo đối phương, các CĐV ở Emirates không còn gì nhiều để hồi tưởng về Santos.

Nhưng cũng phải thông cảm cho anh. Mọi cầu thủ gia nhập Arsenal trong cuộc mua sắm hoảng loạn năm 2011 đều là những hợp đồng với rủi ro rất cao và việc Wenger đưa về Nacho Monreal vào tháng 1 năm sau đã khiến cầu thủ người Brazil không còn cơ hội đá chính nữa.

Tin tức về việc Santos hoàn tất hợp đồng trở lại Brazil khoác áo Flamengo không làm ai ngạc nhiên. Thật ra, Arsenal vẫn còn rất nhiều “chân gỗ” sẽ phải thanh lý trong mùa hè này, với Marouane Chamakh, Park và Nicklas Bendtner hiện vẫn còn trong danh sách trả lương. Nhưng đó chỉ là phần việc phụ, phần việc chính của Wenger lúc này, và cũng là kỳ vọng lớn của các CĐV áo đỏ-trắng, là sớm có những chữ ký lớn mà ông đã hứa hẹn.

8,6 Tính tới thời điểm này, trong cả năm 2013, Arsenal chỉ chi ra 8,6 triệu bảng để mua cầu thủ, với hợp đồng mất tiền duy nhất Nacho Monreal từ Malaga. Đội chi nhiều nhất Premier League, Manchester City đã bỏ ra 95 triệu bảng tăng cường lực lượng.

16 Arsenal đã tiết kiệm được 16 triệu bảng tiền lương mỗi năm sau khi đẩy đi hàng loạt người thừa trong mùa hè. Danh sách bao gồm: Andrey Arshavin, Andre Santos, Francis Coquelin, Vito Mannone, Denilson và Johan Djourou.

90 Tổng quỹ lương của Arsenal mùa vừa rồi là 90 triệu bảng.


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm