“Nan đề” ngoại binh

20/12/2011 12:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Cách đây 2 năm, Leandro từng thẳng thắn bộc bạch với TT&VH rằng sở dĩ anh nhận lời khoác áo XM.HP thay vì sang châu Âu chơi bóng ở giải VĐQG Nga hoặc giải hạng Nhì Tây Ban Nha như đề nghị của người đại diện chỉ đơn giản là bởi tại V-League Leandro được trả tiền rất hậu hĩnh. Mới 2 năm trôi qua nhưng bây giờ tình hình đã hoàn toàn thay đổi, khi kết thúc mùa bóng vừa qua đã có 2 ngoại binh là Samson (HN.T&T) và Sunday (Thanh Hóa) suýt nữa thì đã toại nguyện thi đấu ở trời Âu nếu như họ không bị níu chân vào phút chót vì những khoản đền bù kếch xù cho việc phá vỡ hợp đồng trước thời hạn.

Mặc dù cả 2 thương vụ của Samson và Sunday đều ít nhiều mang dấu ấn đạo diễn của cha con HLV Henrique Calisto, nhưng qua đấy cũng chứng tỏ một sự thực rằng với những ngoại binh có trình độ nhất nhì V-League như Samson hay Sunday hiện nay, việc được chuyển sang thi đấu cho một CLB châu Âu, dù chỉ là ở một giải đấu không thuộc nhóm đầu châu Âu như Bồ Đào Nha, cũng là thử thách hấp dẫn hơn nhiều so với chuyện hàng tuần xỏ giày ra sân ở V-League với các đồng đội hoặc đối thủ có đẳng cấp thấp hơn hẳn để đổi lấy việc được nhận một khoản thu nhập kha khá.


Samson (trái) suýt chút nữa đã khoác áo Atletico của TBN

Đúng như phân tích của một chuyên gia môi giới cầu thủ lão luyện như GĐĐH Sài Gòn FC Trần Tiến Đại, chỉ cần có thể thoát ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á thì không có ngoại binh nào từ chối cơ hội này và lúc ấy có đặt tiền tấn trước mặt họ thì cũng khó lòng làm họ rung động. Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng dù bóng đá VN đã có sự tiến bộ đáng kể trong hơn một thập kỷ vừa qua, nhưng với những nền bóng đá hàng đầu châu lục thì các CLB VN vẫn còn thua kém một khoảng cách rất xa, huống hồ nói gì tới bóng đá châu Âu.

Chẳng thế mà cầu thủ VN từng có cơ hội chạm trán với ngoại binh của các CLB Nhật Bản hay Hàn Quốc ở AFC Champions League trước đây đều không tránh khỏi ngây ngất vì trình độ xuất sắc của các ngoại binh mà những đội bóng này sở hữu. Với một cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp, tất nhiên làm kinh tế luôn là ưu tiên số một, vì sự nghiệp sân cỏ thường không kéo dài quá 10 năm, nhưng với những cầu thủ còn trẻ và có tiềm năng thực sự như Samson hay Sunday, hẳn là họ không cam lòng gắn bó trọn đời ở một giải đấu mà cho tới khi treo giày giải nghệ thì cũng chẳng mấy ai biết tới.

Nói một cách khác, nếu chất lượng chuyên môn của V-League được cải thiện thì trình độ của các ngoại binh khi đến VN chơi bóng cũng tăng lên tương xứng, hoặc họ đơn giản chỉ coi V-League là bước đệm, là “sân tập” để hoàn thiện kỹ năng chơi bóng của mình rồi tới khi trở thành sao số thực sự thì tìm cách đến với chân trời mời vì không muốn rơi vào cảnh “thằng chột làm vua xứ mù”.

Vậy nên chẳng hề ngạc nhiên khi mấy năm gần đây công cuộc tuyển chọn và giữ chân ngoại binh lại trở nên đặc biệt khó khăn đến thế với các đội bóng, kể cả những CLB thuộc nhóm “nhà giàu” như B.BD.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm