21/06/2019 08:12 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Có một khoảnh khắc tuy diễn ra sau khi trận đấu đã kết thúc, mà đấy lại là một trận đấu thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng khoảnh khắc ấy vẫn làm nóng cộng đồng mạng suốt một thời gian dài và được xuất hiện trong danh sách đề cử của 2 cuộc bầu chọn giải thưởng thể thao uy tín trong năm 2018.
Người viết đang nói tới khoảnh khắc mà mình ghi lại được khi tuyển thủ quốc gia Duy Mạnh leo lên gò tuyết trắng trên sân Thường Châu (Trung Quốc) để cắm lá cờ Tổ quốc rực một màu đỏ sau khi kết thúc trận chung kết giải U23 châu Á năm 2018.
Hình ảnh này đã được BTC cuộc bầu chọn giải thưởng Cúp Chiến thắng năm 2018 đưa vào danh sách đề cử trong hạng mục “Hình ảnh của năm” và cuối cùng đã giành chiến thắng tuyệt đối, còn Hội đồng Thẩm định Giải thưởng Fair Play 2018 cũng thống nhất lựa chọn khoảnh khắc Duy Mạnh cắm cờ trên sân Thường Châu để đưa vào danh sách đề cử chính thức, vì lý do “phù hợp với tiêu chí, đồng thời có giá trị về mặt tinh thần lẫn ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam, đến xã hội”.
U23 Việt Nam 0-0 U23 Syria (VCK U23 châu Á) - Nguồn: VTV6
Chỉ qua danh sách đề cử của 2 cuộc bầu chọn ấy thì chúng ta có thể hiểu được hành động cắm cờ trên sân Thường Châu của Duy Mạnh đã tạo ra sự lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến thế nào. Vậy bản thân Duy Mạnh thì nghĩ sao?
Chia sẻ trên sóng truyền hình về khoảnh khắc nói trên, Duy Mạnh kể lại:" Sau trận đấu (trận chung kết giải U23 châu Á với U23 Uzbekistan – PV), tôi và rất nhiều các đồng đội đã rơi nước mắt.
Khi chúng tôi tới chỗ CĐV để tri ân thì người hâm mộ đã đưa lá quốc kỳ để chúng tôi khoác lên vai hoặc giơ cao ăn mừng. Trước mắt tôi lúc đó là đống tuyết khá cao và cùng lúc đó người hâm mộ vẫn đang gọi tên tôi.
Ngay lập tức, tôi đã nghĩ tới việc sẽ lên cắm cờ trên đống tuyết để sau này có nhìn thấy khoảnh khắc này sẽ giúp tôi nhớ tới những kỷ niệm không thể nào quên ở Trung Quốc. Thực sự, khi cắm lá cờ cũng là lúc tôi vẫn còn đang khóc vì tiếc nuối. Sau đó, tôi đã cúi chào lá cờ với sự tất cả sự tự hào nhất vì U23 Việt Nam đã làm được điều kỳ tích cho bóng đá nước nhà".
Thông thường các nhân viên an ninh làm việc tại sân vận động ở các giải đấu nước ngoài sẽ rất ít khi can thiệp hoặc tham gia vào màn giao lưu giữa CĐV với cầu thủ đội khách, trừ khi xảy ra sự cố liên quan tới an ninh, an toàn, nhưng ở trận chung kết giải U23 châu Á năm 2018 lại là một câu chuyện rất khác.
Sau khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu, các cầu thủ U23 Việt Nam di chuyển về phía khán đài B để cảm ơn CĐV đã không quản mưa tuyết cổ vũ cho mình trong suốt thời gian thi đấu, và đấy cũng là lúc các CĐV liên tục chuyển quốc kỳ mà họ đã sử dụng trong trận cho các cầu thủ U23 Việt Nam ở dưới sân để cùng nhau chia sẻ cảm xúc.
Trong số đó cũng có không ít lá quốc kỳ không tới được tay cầu thủ và bị rơi lại trên tuyết trắng. Chứng kiến cảnh tượng như vậy, một số cảnh sát chống bạo động của Trung Quốc, những người đeo khiên, cầm dùi cui và đứng quay mặt về khán đài của CĐV Việt Nam để giám sát trong suốt 120 phút thi đấu với thái độ rất lạnh lùng và chuyên nghiệp, đã tiến lên nhặt lấy những lá cờ bị rơi trên tuyết và chạy theo đoàn cầu thủ Việt Nam để trao lại tận tay.
Có lẽ vào cái đêm mưa tuyết ngập trời tại Thường Châu đó, màn trình diễn quả cảm của Duy Mạnh và các đồng đội đã nhận được sự tôn trọng lớn lao của tất cả những thành viên của BTC địa phương, nên họ đã phá bỏ cả những nguyên tắc làm việc thông thường để thể hiện thái độ của mình, và hình ảnh Duy Mạnh cắm cờ trên núi tuyết Thường Châu như là nét bút cuối cùng để hoàn tất bức họa bi tráng và hào hùng mà U23 Việt Nam đã viết nên ở giải U23 châu Á năm 2018.
Là người có may mắn ghi lại toàn bộ hình ảnh Duy Mạnh cắm cờ trên tuyết ở Thường Châu, từ lúc Duy Mạnh nhận cờ Tổ quốc do CĐV Việt Nam từ khán đài B chuyển xuống, cho tới khi Duy Mạnh cúi đầu chào lá cờ với tất cả sự kính cẩn, tôn trọng để di chuyển sang khu vực nhận huy chương, tôi đã được tận hưởng một trải nghiệm hiếm thấy trong cuộc đời làm phóng viên thể thao.
Có một chi tiết cần phải kể thêm rằng vào cái đêm 27/1/2018 đó, mưa tuyết và giá lạnh ở Thường Châu rất khủng khiếp, mà do trận đấu phải gián đoạn nhiều lần để BTC cho người cào tuyết ở sân, nên thời gian thực tế của trận chung kết không phải là 2 giờ đồng hồ mà có thể lên tới 3 hoặc 4 giờ đồng hồ.
Vì thế, hầu hết các phóng viên ảnh ở sân Thường Châu lúc đó đều phải đi găng tay để chống chọi với cái lạnh và trong bối cảnh mưa tuyết rợp trời, rất nhiều bức ảnh đã trở thành phế phẩm vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt quá mức, và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ, nhất là khi tôi chưa có sự chuẩn bị để tác nghiệp trong hoàn cảnh tuyết rơi.
Thế nhưng, có một điều lạ là gần 100 bức ảnh mà tôi ghi lại khoảnh khắc Duy Mạnh cắm cờ ở Thường Châu đều ở tình trạng hoàn hảo, không mờ, không rung hay không nhòa nét, và tôi chợt nghĩ rằng có phải lúc đó nhờ các bậc tiền nhân tiên tổ hiển linh để phù hộ cho hành động đầy ý nghĩa của Duy Mạnh nên tôi mới có cơ hội “thơm lây” và bắt trọn toàn bộ khoảnh khắc hiếm thấy trong nghề báo như vậy?
Nhà báo Hoàng Linh hiện đang công tác tại báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và phụ trách chính về mảng thể thao, bóng đá trong nước. Cùng với bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Duy Mạnh cắm cờ ở Thường Châu (Trung Quốc), nhà báo Hoàng Linh còn tham gia xuất bản cuốn sách Đi ra biển lớn kể về hành trình lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK giải U23 châu Á 2018. Chuyện về bức ảnh” Biểu tượng của tinh thần dân tộc” Sau khi trận đấu giữa U23 Việt Nam với U23 Qatar cũng trong khuôn khổ VCK giải U23 châu Á, chiến thắng thuộc về thầy trò HLV Park Hang Seo thì mọi ngả đường trên cả nước, người dân đổ xuống đường ăn mừng. Trong đó điểm nóng phải kể đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hồ Gươm - Hà Nội với biển người tay cầm quốc kỳ và cùng hô vang "Việt Nam vô địch". Để ghi lại những hình ảnh lịch sử này, phóng viên ảnh báo Thể thao & Văn hóa đã quyết định "chiếm lĩnh" leo nóc nhà KFC, đối diện tòa nhà Hàm Cá Mập (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) làm điểm bấm máy. Và trong số những bức ảnh đã chụp, khoảng khắc đẹp nhất là hình là cờ Tổ quốc hiện rõ trên nền cờ, ánh đèn lung linh cùng hàng vạn người hâm mộ đang ăn mừng. Với chúng tôi, những người làm báo đã đặt cho bức ảnh với cái tên “Biểu tượng của tinh thần dân tộc”. |
Nhà báo Hoàng Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất