Chuyện một người bị bỏ qua trong giải Nobel Hóa học 2008

13/10/2008 13:59 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Những ai từng đi qua cửa hàng đại lý xe tải Toyota Bill Penney ở Huntsville, bang Alabama, Mỹ, hẳn không thể quên được tài xế Douglas Prasher ở bộ phận sửa chữa xe hỏng, một người đàn ông vui tính, thích nói chuyện phiếm với khách hàng. Chẳng ai có thể ngờ rằng ông vốn là một nhà khoa học tài ba và chính ông đã cung cấp những kết quả nghiên cứu mang tính nền tảng của mình cho Martin Chalfie và Roger Tsien, giúp họ vừa đoạt giải Nobel Hóa học 2008. Lẽ ra ông cũng có phần trong giải này nếu cuộc đời không lấy mất một chút may mắn của ông.
 

Người tìm ra mẫu gene quan trọng
 
Douglas Prasher cho biết ông đã bắt đầu quan tâm tới loài sứa Aequoria Victoria vào năm 1983, khi đang nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Georgia. Hai thập kỷ trước đó, nhà khoa học Nhật Bản Osamu Shimomura là người đã phát hiện những protein huỳnh quang xanh lục (GFP) giúp loại sứa này có khả năng phát sáng xanh rất đặc biệt trước ánh đèn tia cực tím. Nhưng cho tới lúc Prasher bắt tay vào nghiên cứu, vẫn chưa có ai tìm hiểu về loại gene đã hình thành GFP.
 
Khoa học gia đổi nghề tài xế Douglas Prasher

Năm 1988, Prasher quyết định đi vào mảng vấn đề còn bỏ ngỏ này khi ông nhận được khoản tài trợ trị giá 220.000 USD của Hội chống ung thư Mỹ để tìm kiếm và nhân bản loại gene GFP đã giúp loài sứa phát sáng.

Sau một thời gian dài kỳ công bắt sứa bằng lưới từ vùng vịnh vùng Friday Harbor và trích xuất một lượng lớn protein để phân tích, năm 1992 Douglas Prasher nghiên cứu thành công về trình tự chuỗi DNA của gene GFP và bắt đầu nhân bản loại gene này. Nhưng đó cũng là lúc khoản tiền tài trợ nghiên cứu khoa học bắt đầu hết dần. Prasher không thể kiếm đâu ra nguồn tiền mới để tiếp tục công việc.

Đúng lúc này, các nhà nghiên cứu Martin Chalfie ở Đại học Columbia và Roger Tsien, Đại học California, đã gọi điện cho ông xin mẫu gene. "Tôi có thể giữ mẫu gene cho riêng mình" - Prasher tâm sự trên tờ Huntsville Times mới đây - "Nhưng khi bạn bắt đầu cạn tiền, bạn phải có trách nhiệm chia sẻ. Tôi đã đưa mẫu gen, họ lấy nó và tiếp tục nghiên cứu".

Nhờ vào đó, ngay từ thập kỷ 1990 Chalfie đã chứng minh GFP là "một chuỗi gien phát sáng" còn Roger Y. Tsien đã khám phá ra cơ chế hoạt động của GFP. Mới đây, hai nhà khoa học Mỹ này cùng Shimomura đã được trao giải Nobel Hóa học 2008 bởi kể từ khi được phát hiện tới nay, GFP đã trở thành một trong những công cụ nghiên cứu khoa học tối quan trọng. Với đặc tính phát quang của GFP, các nhà nghiên cứu có thể quan sát quá trình phát triển của các tế bào thần kinh trong não hay sự di căn của một tế bào ung thư, điều mà trước đây không thể nào thực hiện nổi. Ngoài ra GFP còn được ứng dụng trong nhiều hoạt động nghiên cứu y học, công nghệ sinh học và sinh học tế bào.

Cởi áo khoa học gia, khoác áo tài xế

Trong khi cả ba nhà khoa học đoạt giải Nobel đang ăn mừng chiến thắng và sắp được hưởng 1,4 triệu USD tiền thưởng thì Prasher vẫn nhẫn nại kiếm từng đồng một để nuôi gia đình. Sau khi ngừng nghiên cứu về loài sứa phát quang, Prasher nhận một công việc nghiên cứu cho Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ở tuổi 51, ông bị một cơn đau tim nhẹ và các bác sĩ chuẩn đoán nguyên nhân có thể do sức ép công việc.

Với mong muốn thay đổi môi trường làm việc, Prasher lui tới Huntsville. Tại đây Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đặt hàng Prasher phát triển một loại máy cầm tay có thể giúp phát hiện các tế bào và vi trùng độc hại có trong các con tàu vũ trụ.

"Đó là một trong những công việc thú vị nhất mà tôi từng tham gia. Tổng thống Bush đã vạch kế hoạch đưa người lên sao Hỏa nên tôi nghĩ mình có thể trụ lại ở công việc này trong thời gian dài" - Prasher kể.

Ông đã lầm. Không lâu sau đó, NASA cắt bỏ dự án nghiên cứu chiếc máy quét và Prasher bị thất nghiệp. Ông cố tìm một công việc nghiên cứu mới nhưng không nơi nào nhận.

Một lần, khi đưa xe tới sửa tại cửa đại lý Toyota Bill Penney, Prasher thấy ông chủ cửa hàng đang tuyển tài xế chuyên làm mỗi việc là lái những chiếc xe hỏng tới nơi sửa. Đang trong cảnh hóa đơn đòi nợ chồng chất, Prasher đã nhảy vào xin làm. Prasher nhận điều khiển xe tải còn với hy vọng công việc này, do tính chất yêu cầu ông phải gặp nhiều khách hàng mới mỗi ngày, có thể giúp mang tới một công việc khác khá khẩm hơn. Cuộc sống hiện nay của Prasher khá khó khăn. Công việc của ông mang lại mức thu nhập khoảng 10 USD/giờ, chỉ đủ để gia đình ông chi tiêu sinh hoạt và nuôi hai cô con gái học đại học.

Không cảm thấy bị bỏ rơi

Một câu hỏi được đặt ra là vai trò của Prasher lớn đến đâu trong thành tựu phát hiện và phát triển protein huỳnh quang xanh (GFP)? Hãy nghe lời tâm sự của Chalfie, một trong 3 nhà khoa học vừa được công bố trao giải Nobel hóa học 2008: "Những gì Prasher làm được rất quan trọng và cần thiết với công việc của chúng tôi. Họ (ủy ban chấm giải Nobel) có thể dễ dàng trao giải cho anh ấy cùng hai người còn lại (chỉ Shimomura và Tsien) và loại tôi ra ngoài".

Dù không được trao giải nhưng Prasher chẳng lấy thế làm buồn. Mặc dù đi đầu trong nghiên cứu gene GFP nhưng Prasher cho biết hướng nghiên cứu của ông không giống với Chalfie hay Tsien và có thể đã không đạt được những kết quả tốt như hai nhà khoa học này đã làm. Ông đã bày tỏ cảm xúc vui sướng khi biết tin hai người này giành giải Nobel.

Lẽ dĩ nhiên Prasher vẫn muốn quay trở lại làm công việc nghiên cứu. Nhưng ông tuyên bố bản thân không còn hứng thú với loài sứa Aequoria Victoria nữa. "Tôi đã có một quãng thời gian đẹp và vậy thôi" - ông nói - "Có những thứ bạn cần phải bỏ lại trong quá khứ".

Gia Bảo

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm