02/10/2008 14:13 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Viện Hàn lâm Thụy Điển luôn giữ kín kết quả trao giải Nobel văn học cho đến phút chót. Thậm thời điểm chính thức công bố giải thường chỉ được báo trước 2 ngày (năm nay dự kiến vào ngày 9/10). Vì thế thật bất ngờ khi năm nay ông Horace Engdahl, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, dường như đột nhiên sớm hé lộ kết quả trao giải với lời tuyên bố văn học Mỹ quá bó hẹp nên khó cạnh tranh được với văn học châu Âu trong mùa trao giải 2008.
Tất nhiên ông Horace Engdahl vẫn quả quyết cho đến giờ phút này ông vẫn chưa biết 16 viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển lựa chọn ai cho giải Nobel Văn học năm nay. Và ông cũng không hề “hé mở” gì tới các tên tuổi lọt vào danh sách chung tuyển.
Nhưng việc ông Horace phát biểu như trên vẫn khiến giới văn chương xôn xao và đang làm nổ ra một cuộc tranh cãi lớn. Ông Horace cho biết ông nhận xét như vậy là vì không phải ngẫu nhiên mà hầu hết tác giả đoạt giải trong nhiều năm qua đều đến từ châu Âu. “Tất nhiên, trong các nền văn hóa lớn đều có nền văn học phong phú, nhưng người ta không thể bước ra ngoài thực tế rằng châu Âu vẫn là trung tâm của thế giới văn học... chứ không phải là nước Mỹ. Văn học Mỹ quá tách biệt, hạn hẹp và thực sự không tham gia được vào những cuộc đối thoại lớn của văn học”.
Với cương vị Thư ký thường trực, Horace là thành viên bầu chọn kiêm người phát ngôn của Viện Hàn lâm Thụy Điển, hội đồng bầuchọn ra tác giả đoạt giải thanh thế nhất trong văn đàn. Vì thế tuyên bố của ông Horace đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ nhiều tên tuổi trong giới văn chương ở khắp Đại Tây Dương. Ông David Remnick, chủ bút tờ The New Yorker, phản bác: “Ông Horace đừng cho rằng mình là một Thư ký thường trực của một Viện Hàn lâm rồi làm gia vẻ mình thông thái để bỏ qua các tên tuổi như Proust, Joyce và Nabokov và minh chứng cho khẳng định của mình bằng việc nêu ra một số ít tác giả chưa đoạt giải. Nếu Horace quan sát kỹ hơn tới văn học Mỹ thì ông ta sẽ thấy sức sống bền bỉ trong thế hệ của lớp nhà văn Roth, Uplike và DeLillo cũng như nhiều nhà văn trẻ hơn, mà một số tên tuổi trong đó là con của người nhập cư”.
Còn Harold Augenbraum, Giám đốc điều hành của tổ chức trao giải Sách Quốc gia Mỹ, thì nói rằng ông muốn gửi cho Horace một danh sách văn học Mỹ. “Lời bình luận của ông Horace khiến tôi nghĩ rằng ông đọc rất ít tác phẩm văn học Mỹ ngoài dòng chủ đạo và có quan điểm hẹp hòi về những gì tạo nên nền văn học trong thời đại này. Nước Mỹ nắm bắt được ý niệm chung của văn hóa thế giới thông qua người nhập cư. Bắt đầu từ thế kỷ 19, mỗi thế hệ đều tái tạo tư tưởng của văn học Mỹ”.
Trong khi đó Kwame Anthony Appiah, học giả người Phi hàng đầu kiêm giáo sư triết học tại trường ĐH Princeton, đưa ra minh chứng: “Có đúng là văn học Mỹ chỉ chiếm một vị trí nhỏ trên văn đàn thế giới? Đó không phải là thực tế nếu như bạn tới các cửa hàng sách ở châu Âu. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy ở Đức và Italia có quá nhiều tác phẩm dịch từ các cuốn sách Mỹ”.
Nhà văn Mỹ gần đây nhất đoạt giải Nobel Văn học là nữ văn sĩ da màu Toni Morrison - năm 1993. Trước đó các nhà văn Mỹ Saul Bellow, John Steinbeck và Ernest Hemingway đã giành được giải thưởng văn học thanh thế này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất