Chuyện kinh doanh sôi động của ông hoàng lò vi sóng của Trung Quốc: Chỉ cần có tầm nhìn, tiền bạc không bao giờ quay lưng lại với bạn!

19/11/2022 11:02 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Lương Khánh Đức được mệnh danh là "ông hoàng lò vi sóng tại Trung Quốc", thương hiệu Galanz do ông sáng lập đã nổi tiếng trong và ngoài nước, 20 năm liên tiếp giữ vị trí số 1 về doanh số trên thị trường. Đằng sau sự thành công đó là tinh thần phấn đấu và tìm tòi học hỏi không ngừng của vị doanh nhân tài ba này.

1. Gian khổ khởi nghiệp

 Năm 1978, Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa với quy mô lớn. Lúc này Lương Khánh Đức 41 tuổi cũng đã dựng được vài "căn chòi nhỏ", bước trên hành trình khởi nghiệp của mình. 

Lúc đầu, Lương Khánh Đức kinh doanh chổi lông gà. Ngày ngày ông dẫn nhân viên bơi qua sông, mua lông gà, lông vịt của thôn dân rồi về làm thành chổi lông gà, bán lên thành phố. 

Sau đó, ông thành lập nhà máy lông vũ Quý Châu, nhờ sự tận tâm trong cách quản lý của ông mà nhà máy lông vũ đã phát triển nhanh chóng. Năm 1991, doanh thu hàng năm của nhà máy đã vượt quá 13 triệu USD. 

Trong một lần đến Nhật Bản khảo sát đã khiến Lương Khánh Đức thay đổi hướng kinh doanh. Ông phát hiện lò vi sóng của Nhật rất mới lạ, khi đó thị trường ở Trung Quốc vẫn chưa phổ biến loại sản phẩm này, ông đánh giá ngành sản xuất lò vi sóng sau này sẽ có tiềm năng rất lớn. 

Năm 1992, Lương Khánh Đức thành lập Galanz. Tuy nhiên, do thiếu công nghệ và kinh nghiệm nên cả 10 lò vi sóng do Galanz sản xuất trong tháng đầu tiên đều không đạt chất lượng. 

Để giải quyết vấn đề sản xuất, Lương Khánh Đức đã đến Thượng Hải ba lần và thuyết phục được kỹ sư Lục Vinh Phát giúp mình, sau này còn có thêm những kỹ sư tài năng khác tham gia, xây dựng thành một đội ngũ ưu tú, cuối cùng Galanz cũng đã phát triển đúng hướng. 

Tuy nhiên, một tai họa bất ngờ ập đến khiến công sức của Lương Khánh Đức biến thành công dã tràng. 

Người đã sản xuất một nửa số lò vi sóng trên thế giới là ai? Rốt cục điều gì đã tạo nên một con người thành công như vậy? - Ảnh 1.

Thương hiệu Ganlanz của Lương Khánh Đức (Ảnh Iz13)

2. Vực dậy

Năm 1994, một trận lũ thế kỷ quét qua đồng bằng sông Châu Giang, làm ngập nhà máy Galanz, gây tê liệt toàn bộ dây chuyền sản xuất, thiệt hại tổng cộng 3 triệu USD, thậm chí một số phương tiện truyền thông còn đưa tin rằng "Galanz sụp đổ". 

Tuy nhiên, Lương Khánh Đức không khuất phục trước khó khăn, ông hành động dứt khoát, trả trước cho nhân viên ba tháng lương để ổn định tinh thần đội ngũ. Động thái này đã khiến các nhân viên rất cảm động, mọi người ai cũng sẵn sàng ở lại và cùng ông vượt qua khó khăn. 

Sau lũ, các nhân viên ngay lập tức đi làm và tình nguyện tăng ca, điều khiển máy móc hoạt động 24/24. Đồng thời, lực lượng bán hàng cũng nỗ lực hơn nữa để phát triển thị trường và gia tăng dòng tiền của doanh nghiệp. 

Sau những nỗ lực không ngừng, ba tháng sau, Galanz đã hoàn toàn hồi phục, doanh số bán lò vi sóng còn đứng đầu cả nước vào cuối năm. 

Về sau, khi sự cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt, Lương Khánh Đức quyết định bắt đầu khởi động "cuộc chiến giá cả". Ông thực hiện 9 lần giảm giá điên cuồng trong 7 năm, và được mệnh danh là "kẻ sát giá", đối thủ của ông lần lượt gục ngã lênh láng ở khắp nơi. 

Năm 1998, Galanz thành công ngồi chễm chệ trên ngai hạng nhất thế giới, thâm chí đến tận nay vẫn chưa có ai có thể lay chuyển được. 

Tuy nhiên, Lương Khánh Đức không dừng lại ở đó, mục tiêu của ông là giúp doanh nghiệp trường tồn bền vững. 

Người đã sản xuất một nửa số lò vi sóng trên thế giới là ai? Rốt cục điều gì đã tạo nên một con người thành công như vậy? - Ảnh 2.

Thương hiệu Galanz của Lương Khánh Đức (Ảnh: Iz13)

3. Trường tồn 

Lương Khánh Đức cho rằng làm một doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 500, chi bằng trở thành một doanh nghiệp có tuổi đời 500 tuổi. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông tham gia vào cả hai hình thức kinh doanh OEM (sản xuất thiết bị gốc) và tự sở hữu thương hiệu. 

Một mặt, Lương Khánh Đức hợp tác rộng rãi với các nhà sản xuất nước ngoài, nhập về dây chuyền sản xuất quốc tế, phát triển mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh, đồng thời học hỏi công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến của phương tây. 

Mặt khác, Lương Khánh Đức đề cao sự đổi mới độc lập và đã chi số tiền khổng lồ để phát triển magnetron, một thành phần cốt lõi của lò vi sóng. Chỉ trong một năm, ông đã vượt qua những khó khăn kỹ thuật và tạo ra magnetron của riêng mình. Từ đó, ông tiếp tục nâng cấp công nghệ để nâng cao hiệu suất sản xuất của doanh nghiệp. 

Khi việc kinh doanh lò vi sóng đạt đến đỉnh cao nhất, gần nửa thế giới đã sử dụng lò vi sóng của ông, thì Lương Khánh Đức lại tiếp tục dẫn đầu đoàn đội của mình tiến vào thị trường máy điều hòa. Ông sử dụng nguồn khách hàng hiện có, sản xuất máy điều hòa theo thiết kế và thông số kỹ thuật của công ty nước ngoài theo hình thức OEM. Bước đi này đã tạo nên sự đột phá, năm 2009, doanh số bán hàng vượt một triệu chiếc. 

Theo danh sách người giàu Hurun năm 2016, Lương Khánh Đức 79 tuổi có tài sản hơn 3 tỷ USD. Giờ đây, Lương Khánh Đức đang hướng tới giấc mơ lớn hơn về một đế chế thiết bị gia dụng thông minh. 

Ông nói: "Làm kinh doanh vĩnh viễn không có cái kết. Khi một vấn đề được giải quyết, vấn đề mới sẽ tiếp tục xuất hiện, chỉ khi bạn chịu suy nghĩ về vấn đề mỗi ngày để cải thiện thì doanh nghiệp mới có thể đạt được sự tiến bộ liên tục."

Trần Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm