Chuyện ít biết về 'Thriller' ma quái của Michael Jackson

28/10/2017 07:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không ra mắt dịp Halloween,nhưng nếu để hỏi về bài hát đáng nghe nhất dịp này, Thriller của Michael Jackson vẫn là lựa chọn hàng đầu. Sự cách tân kinh điển của ca khúc này là điều không cần phải bàn cãi, nhưng cái đọng lại rõ ràng nhất trong tâm thức người nghe vẫn là cảm giác ma quái mà nó mang đến.

Phát hành lần đầu trên MTV vào tháng 12/1983 và chính thức ra mắt dưới dạng đĩa đơn vào tháng 1/1984, Thriller của Michael Jackson không chỉ khiến khán giả “thót tim” mà còn làm cho nền âm nhạc đại chúng thời điểm bấy giờ “giật mình” với hàng loạt đột phá táo bạo, châm ngòi cho những xu hướng mà đến bây giờ chúng ta có thể thấy rõ sức ảnh hưởng sâu rộng.

Từ mục đích “dọa ma” trẻ con…

Những “người lớn” với tầm nhìn sâu sắc đã ca tụng rất nhiều về Thriller kinh điển của Michael Jackson, nhưng ít người biết rằng đối tượng mà “ông hoàng nhạc pop” muốn hướng đến qua bài hát này là trẻ em.

Thriller thật ra ban đầu không mang nội dung rùng rợn cũng như cái tên ma quái như vậy. Ngược lại, theo nhạc sĩ Rod Temperton thì ông đã phân vân giữa những cái tên “trong sáng” như Starlight (Ánh sáng sao), Starlight Sun hay Give Me Some Starlight, kể cả phần lời ban đầu cũng chỉ nhẹ nhàng như vậy thôi.Nhưng chính “ông hoàng nhạc pop” là người đưa ra yêu cầu thay đổi lại toàn bộ.

Chú thích ảnh
Michael Jackson với tạp hình zombie trong “Thriller”

“Tôi đã viết ra 200-300 cái tên khác nhau và nghĩ đến tựa đề Midnight Man”-Temperton kể - “Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi lại chỉ nghĩ đến Thriller và ấn định cái tên này”.  Nhạc sĩ Rod Temperton cho biết ông sáng tác rất nhanh phần ca từ này và chỉnh sửa nó bằng tay trên đường đến phòng thu.

Và thế là chúng ta có một Thriller rùng rợn ma quái, trên mọi khía cạnh. Lời bài hát được Rod Temperton viết lại theo ý của Michael Jackson, đưa ra hàng loạt chất liệu “dọa ma” điển hình gợi cảm giác về đôi bàn tay lạnh lẽo từ phía sau hay những bóng hình lẩn khuất trong màn đêm, đồng thời đặc tả những phản ứng tự nhiên của con người khi đối mặt với nỗi sợ. Cộng hưởng vào đó là chất nhạc disco funk với nhịp độ vừa phải (120 phách/phút).

Mở đầu bằng sự tĩnh lặng được phá tan bởi tiếng cửa kẽo kẹt và tiếng bước chân dội trên sàn gỗ, Thriller tận dụng tối đa những âm thanh hay được sử dụng trong các phim kinh dị để làm nền cho âm nhạc như tiếng sấm và tiếng chó sói hú.

Và đặc biệt nhất, kể từ đoạn giữa trở đi nổi lên một giọng nói sâu hoắm, âm vang lạnh lẽo và kết thúc đồng thời với bài hát bằng tiếng cười man rợ, tạo nên dư âm hoàn hảo cho nỗi kinh sợ mang tên Thriller. Người sở hữu giọng đọc đặc trưng thường thấy trong các phim kinh dị Hollywood thời điểm bấy giờ ấy chính là diễn viên Vincent Price, một “gương mặt thân quen” của nền công nghiệp phim kinh dị.

Một bài hát với nội dung kinh dị như Thriller chưa có tiền lệ ở thời điểm đó, và đến bây giờ cũng chưa có bài hát nào xuất sắc được như Thriller. Bên cạnh sự táo bạo của Michael Jackson, phải kể đến công của nhà sản xuất Quincy Jones, người đã “rào đầu” với ê-kíp ngay trước thềm quá trình thu âm dài 8 tuần rằng: “Chúng ta ở đây để cứu rỗi nền công nghiệp thu âm”. “Quincy tạo cho chúng tôi cảm hứng, và tất cả đều cống hiến 150% công sức” -Bruce Swedie, người đứng sau các hiệu ứng âm thanh kinh dị chia sẻ trên tờ Telegraph.

Chú thích ảnh
Album “Thriller” của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson

…đến cuộc cách mạng về cách làm video ca nhạc

Thời gian gần đây tại Việt Nam, các MV ca nhạc dựng theo kiểu phim ngắn đang trở thành xu hướng để lấy cảm xúc người xem. Và trên thế giới, Michael Jackson là người đầu tiên tạo ra xu hướng đó với MV dài 14 phút của Thriller. Cũng kể từ sau Thriller, việc lồng ghép câu chuyện vào MV thay vì chỉ đơn thuần để ca sĩ đứng hát kèm theo vài cảnh minh họa dần trở nên phổ biến.

Đạo diễn của MV này là John Landis, và theo chia sẻ của ông thì đích thân Michael Jackson đã gọi điện thoại mời ông tham gia, khi ấy John Landis đang ở London, Anh.

Cuộc gọi lệch múi giờ đến với đạo diễn John Landis vào lúc 2h sáng cho thấy rõ sự háo hức đến quên cả thời gian của “ông hoàng nhạc pop”. Và cũng theo John Landis thì Michael Jackson muốn hợp tác với ông chỉ vì một sản phẩm vị đạo diễn này từng thực hiện, phim kinh dị An American Werewolf In London. John Landis đưa ra ý tưởng về một phim ngắn, và Michael Jackson chấp nhận ngay lập tức.

Video được thực hiện tại những địa điểm khác nhau ở New York và Los Angeles. Nội dung phim xoay quanh 2 nhân vật chính do Michael Jackson cùng diễn viên Ola Ray thủ vai. Sau khi trở về từ rạp chiếu phim lúc nửa đêm, 2 người bị bao vây bởi một nhóm “xác sống”. Cảnh biểu tượng nhất là khi chính Michael Jackson cũng biến thành zombie, dẫn đầu thực hiện điệu nhảy xác sống điển hình.

Với kinh phí đầu tư lên đến nửa triệu USD, đây là sản phẩm âm nhạc tốn kém nhất thời điểm bấy giờ. Một phần lớn kinh phí đến từ tiền túi của Michael Jackson và đạo diễn John Landis do hãng thu âm chủ quản lúc bấy giờ là Columbia Recording Studio không muốn chi quá nhiều tiền cho kiểu MV mới này.

Vì sự phụ trội đến gần gấp đôi của chi phí so với ngân sách dự kiến, cố vấn của Michael Jackson là John Branca-Jackson đã đề xuất thực hiện thêm một phim tài liệu phác thảo công tác hậu trường, với tên gọi Making Of Thriller. Phim tài liệu này dự kiến được sử dụng để tìm kiếm nhà tài trợ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí, và trên thực tế nó đã thu được doanh thu đáng kể.

Ngay lập tức, kênh truyền hình Showtime chi 300.000 USD để mua bản quyền phim tài liệu này, trở thành đơn vị phát sóng đầu tiên. MTVkhông muốn kém cạnh nên cũng đã bỏ ra 250.000 USD cho quyền phát sóng độc quyền khi hợp đồng của Michael Jackson với Showtime kết thúc.

Michael Jackson nói về video này trong một buổi phỏng vấn với MTV: “Ý tưởng của tôi là làm một phim ngắn với những sự đối thoại, tạo nên một mạch chuyện. Nó phải truyền tải được tinh thần của tôi. Về việc hóa thân thành zombie, bạn chỉ cần thực hiện đúng các bước thì mọi thứ sẽ chẳng có gì đáng buồn cười. Tôi thích điều đó và đã phải luyện tập rất nhiều”.

Thriller và những lùm xùm về lợi ích

Thriller của Michael Jackson đã phải đối mặt với rất nhiều lùm xùm về vấn đề ăn chia đối với những người trong ê-kíp thực hiện.

Vào năm 2013, nhà sản xuất Quincy Jones đã từng đâm đơn kiện Tổ chức quản lý di sản Jackson và đòi được trả 30 triệu USD tiền bản quyền và chi phí sản xuất các ca khúc "hit" của Vua pop, trong đó có Billie JeanThriller. Cuối cùng vào tháng 7 vừa rồi, tòa phán quyết Quincy Jones chỉ được nhận 9,3 triệu USD.

Trước đó, vào năm 2009 đạo diễn John Landis cũng đã kiện Michael Jackson khi ông hoàng nhạc pop có ý định tái khai thác MVThrillervà không trả đủ cho vị đạo diễn này đúng theo số cổ phần đóng góp vào việc thực hiện video. 1 triệu USD là số tiền bản quyền ước tính mà Michael Jackson chưa thanh toán cho Landis.

Phần nói của Vincent Price cũng không được trả trong phiên bản Thriller vì bất đồng thuận về nhuận bút.

Nghe ca khúc mới trong album sắp phát hành của Michael Jackson

Nghe ca khúc mới trong album sắp phát hành của Michael Jackson

Album mới của Michael Jackson, mang tựa đề Scream, sẽ được phát hành ở định dạng kỹ thuật số vào ngày 29/9, còn đĩa CD và đĩa than album này sẽ được tung ra vào ngày 27/10.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm