22/02/2016 13:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn sẽ ngạc nhiên hỏi vì sao hết Tết từ lâu mà vẫn bàn chuyện hoa đào? Nhưng sẽ không thừa. Có lý do để “phản biện” cho những mùa hoa tiếp. Thường mọi năm cứ đến gần Rằm tháng Giêng, đã thấy dân trồng đào Nhật Tân, Quảng Bá đưa xe máy hay ô tô tải đi… “đón đào về dinh”.
Nhưng năm nay có một điều khác thường là ngược với dòng xe gom đào về chốn cũ, lại có những chuyến xe đạp tấp nập, tiếp tục chở đào ra phố. Đào bán dịp này phần lớn là đào cành. Chưa năm nào sau Tết nguyên đán đến nửa tháng vẫn kìn kìn hoa đào trên phố. Người Hà Nội chơi hoa đào lai rai vậy chăng? Không! Đấy là hoa đào Tết bị ế, đành phải bán cả ra Giêng cho người mê đào muốn chơi đào ngày thường.
Thực ra là người trồng đào đang cố vớt vát, chứ giờ này chỉ biết bán rẻ như cho. Cành đào đẹp cũng chỉ vài ba chục ngàn đồng. Cành bé chỉ mười ngàn… Dân làng đào xót công, xót của đành làm vậy. Tại sao có sự khác thường ấy?
Đi tìm nguyên nhân đào ế, tôi đã gặp những người trong cuộc. Chủ một vườn đào Nhật Tân, ông Đinh Bá Thăng cho rằng sau khi Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thượng… mất đất trồng đào, “phong trào” đưa cây hoa đào ra các xã ngoại thành và các vùng ven Hà Nội như Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên), rồi thì đào Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín, Đan Phượng… phát triển mạnh làm mất cân đối cung cầu, nên mới có chuyện đào ế chỏng chơ chiều 30 Tết kéo ra tháng Giêng…
Thì ra hoa đào mấy năm nay phát triển mạnh, nhà nhà đua nhau trồng đào, làng nào cũng dành đất trồng đào quất và thế là có hội chứng lạm phát hoa đào…
Có nguyên nhân nào nữa không? Có đấy, đào từ Trung Quốc (trông như hoa giả) tràn sang cạnh tranh với đào Việt. Rồi thì đào núi bị tàn phá quá nhiều chở về xuôi góp cái hoang dại vào phá cách chơi đào cổ điển.
Rất nhiều chợ hoa đào núi ngày cuối năm đã tan và gánh nặng còn lại thuộc về… công ty môi trường đô thị, khi phải huy động hàng trăm chuyến xe mỗi ngày để đi…vứt đào! Hoa đào với Hà Nội là di sản văn hóa, góp phần làm nên vẻ đẹp Thủ đô từ thủa Thăng Long… Nhưng có lẽ vì người ta quá yêu hoa đào mà ra nông nỗi này.
Đáng nói nhất là bởi thiếu bàn tay quản lý, quy hoạch, định hướng phát triển các làng hoa... Câu chuyện hoa đào có lẽ cũng là một vấn đề liên quan về kinh tế và văn hóa cần được bàn thảo nghiêm túc.
Tết này hoa đào có nỗi niềm riêng với những hệ lụy vui buồn lẫn lộn. Vui vì thị trường phong phú, giá cả phải chăng. Buồn và xót đào thừa sau Tết đổ đi bao công sức cả năm trời chăm tỉa tưới tắm, thao thức cùng hoa…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất