Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Thành công phải được xây từ chân đế vững vàng'

28/06/2023 09:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

Rất chân thành, đầy tâm huyết, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã chia sẻ những cảm nhận của mình cùng Thể thao & Văn hóa về những vấn đề thời sự bóng đá nước nhà những ngày qua.

Đội tuyển Việt Nam đã có được diện mạo mới

* Thể thao & Văn hóa: Đội tuyển Việt Nam vừa kết thúc 2 trận giao hữu trong dịp FIFA Days, đâu là những cảm nhận của ông về diện mạo ĐTQG sau 2 trận đấu này?

- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Ít nhiều qua 2  trận giao hữu với Syria và Hong Kong (Trung Quốc), người hâm mộ có thể hình dung được diện mạo đội tuyển bóng đá quốc gia dưới thời HLV Philippe Troussier. HLV Troussier đã sử dụng gần như tất cả những con người được gọi lên ĐTQG với mục đích rà soát, thẩm định họ. Các cầu thủ thể hiện được khá rõ nét triết lý chơi bóng mà ông Troussier áp dụng từ SEA Games 32 đến nay.

HLV Philippe Troussier lấy kiểm soát bóng làm chủ đạo nhưng đã hướng lên phía trước với tốc độ luân chuyển trái bóng nhanh hơn,cũng như cầu thủ trên sân chạy nhiều hơn và các miếng đánh cũng đa dạng hơn. Cầm bóng chủ động, ban bật nhiều với cự ly đội hình hợp lý. Những đường xuống bóng ở 2 cánh để đưa vào trong bằng những quả căng sệt tầm thấp sẽ mang lại hiệu quả.

Những khởi sắc của đội tuyển Việt Nam nhìn thấy ở cả yếu tố cá nhân cùng lối chơi tập thể. Rõ ràng, qua thời gian "nhào nặn", các cầu thủ bắt đầu nắm bắt được ý đồ của HLV Troussier. Họ "thuộc bài" hơn để vận hành lối chơi thuần thục hơn.

Chưa thể nói đến mức hoàn hảo bởi điều đó còn chờ thêm nhiều yếu tố nữa. Chẳng hạn, khi chơi áp đặt như thế phải giải quyết được tình huống ghi bàn. Hơn nữa, làm sao để chống phản công nếu đối phương thoát pressing tấn công ngược lại. Một điều đáng mừng là bên cạnh sức trẻ từ những làn gió mới thì những cầu thủ cũ vẫn nguyên vẹn động lực, khát khao cùng HLV mới.

Nói gì thì nói, thế hệ cầu thủ đã kinh qua nhiều giải đấu với nhiều chiến tích vài năm qua vẫn còn sung sức, giữ được phong độ. Họ vẫn sẽ là "hạt nhân" cho chiến dịch vòng loại World Cup 2026. Tôi cảm nhận rằng, rồi sau thời gian đủ dài,  HLV Troussier sẽ cho ra một đội tuyển Việt Nam tươi mới với đúng ý tưởng, triết lý của mình.

Tôi tin đội tuyển Việt Nam sẽ đến được vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Còn đá thế nào, có vượt qua được "dấu mốc" thứ 3 này hay không, còn phải chờ. Rất khó để nói. Đó là câu chuyện gần cho vòng loại World Cup 2026, còn để xa hơn, chúng ta phải ngồi lại với nhau để tính toán một cách chi li, kỹ lưỡng, bài bản và khoa học.

Cần tái cấu trúc công tác đào tạo trẻ

* Như ông nói và nếu quan sát kỹ, có thể thấy bóng đá Việt Nam đang ở chu kỳ có thể "đứt gãy" thế hệ kế cận. Vậy đâu là những yêu cầu cấp thiết ở công tác đào tạo trẻ trong thời gian đến?

- Chúng ta đã thất bại 2 kỳ AFF Cup liên tiếp với thế hệ vàng đã lập nhiều chiến tích từ năm 2018 đến nay. SEA Games 32, đội tuyển U22 Việt Nam đã để thua U22 Indonesia trong trận bán kết khi chúng ta không có nhiều nhân tố đặc biệt. Như đã nói, để giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup 2026 và xa hơn ở năm 2030, dứt khoát chúng ta phải trông chờ vào lớp trẻ, lứa U17 đến U20.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Thành công phải được xây từ chân đế vững vàng” - Ảnh 1.

Thái Sơn (14) là một trong những cầu thủ tiêu biểu đại diện cho sức sống mới của ĐTQG dưới thời HLV Philippe Troussier. Ảnh: Hoàng Linh

Nhiệm vụ đó không thuộc về HLV Troussier, mà nằm ở các địa phương, các trung tâm cùng với các cơ quan quản lý, điều hành bóng đá nước nhà. Hệ thống đào tạo trẻ, thi đấu cho bóng đá trẻ cần phải được quản trị, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Làm sao để những cầu thủ trẻ được cùng chơi bóng với nhau nhiều hơn. Cầu thủ trẻ phải được cọ xát, tập huấn thi đấu nhiều giải quốc tế. Những nhân tố trẻ cần được trọng dụng ở cấp CLB, tham gia giải chuyên nghiệp.

Có nghĩa, công tác đào tạo trẻ của chúng ta nhiều năm qua đã tốt lên nhưng vẫn còn nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm, chưa đồng bộ và nói thật là còn theo kiểu "hên xui". Không phải cứ đào tạo sẽ cho ra sản phẩm ưng ý nhưng phải làm thì mới có được sản phẩm. Đừng để đàotạo trẻ như kiểu "gọt" bút chì, "gọt" hết thì thôi.

Với ĐTQG hay U23 Việt Nam, HLV Troussier chỉ đóng vai trò "thợ xây", còn thiết kế và chất liệu phải do thực lực của chúng ta. Chúng ta phải nhìn lại bóng đá Việt Nam đang có ở mức độ nào từ con người, nguồn lực, lộ trình để thực hiện cho tương lai. Cả hệ thống của nền bóng đá có được tư duy mới, cách làm mới trong công tác đào tạo trẻ cũng như vận hành hệ thống bóng đá Việt Nam.

Nói tóm lại, không còn cách nào khác, phải nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, đầu tư chiều sâu thì mới hy vọng cụ thể hóa được những giấc mơ World Cup.

Bóng đá học đường - nhìn từ Nhật Bản

* Được biết ông vừa có chuyến đi giao lưu, học tập mô hình bóng đá học đường, đào tạo trẻ tại Nhật Bản, đâu là những điều ông nhìn thấy và rút ra được từ chuyến đi bổ ích này?

- Chuyến đi này do Liên đoàn Bóng đá TP.HCM phối hợp với một đối tác của Nhật Bản tổ chức nằm trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023). Đội vô địch khối THCS của Festival bóng đá học đường TP.HCM được đưa sang Nhật Bản để tâp luyện, thi đấu trong vòng 1 tuần.

Con đường bóng đá Nhật Bản chọn lựa để đi gợi mở cho bóng đá Việt Nam rất nhiều điều. Gần 1 tuần tham quan, chứng kiến các hoạt động bóng đá học đường của nước bạn đã để lại nhiều suy nghĩ. Điều quan trọng nhất nằm ở tính hệ thống được vận hành một cách thường xuyên, liên tục.

Cứ thứ Bảy, Chủ nhật trên toàn nước Nhật sẽ đồng loạt tổ chức thi đấu cho bóng đá học đường. Hàng ngàn cầu thủ nhí từ 5 tuổi được tham gia vào những trận đấu như thế. Bóng đá học đường ở Nhật Bản phát triển từ lứa tuổi U5 cho đến U17. 

Các cầu thủ được tập luyện 2 buổi, 5 buổi trong tuần tùy theo độ tuổi. Điều đặc biệt nhất đó chính là bóng đá học đường ở Nhật rèn luyện, hướng dẫn theo một mô hình đào tạo chung nhất, xuyên suốt chứ không phải mạnh ai nấy làm.

Bóng đá học đường, bóng đá trẻ tập luyện ra sao, thi đấu với triết lý nào thì khi lên các cấp độ đội tuyển trẻ hay ĐTQG cũng sẽ theo đúng điều đó. Nói tóm lại, mọi thứ vận hành như một "dây chuyền công nghệ".

Thật ra, bóng đá Việt Nam không phải không nhìn ra những cái hay của Nhật Bản hay Hàn Quốc để học hỏi, nhưng thực sự là đang có sự lúng túng trong việc vận dụng chỉ bởi những ràng buộc của chính mình. Tôi lấy đơn cử như các đội trẻ của Việt Nam đâu hề kém một số nước mạnh của châu Á, từng á quân U23, nhiều lần lọt vào VCK U19, U16 châu Á và cả FIFA World Cup U20.

Nhưng tại sao lên cấp độ cao hơn như Olympic hay ĐTQG thì đều tụt lại? Đó là do chúng ta chưa tạo ra một môi trường chuyên nghiệp cho cầu thủ trẻ dấn thân và trưởng thành. Họ chỉ quanh quẩn phát triển ở CLB rồi hết, không được cọ xát quốc tế thường xuyên, không có những người thầy giỏi có bằng cấp pro huấn luyện nên chẳng trui rèn được gì.

Cùng với đó chúng ta chưa quan tâm việc đầu tư phát triển tầm vóc, thể trạng, sức mạnh cho cầu thủ trẻ nên họ thiếu tố chất khi bước lên những sân chơi cao hơn. Chỉ cần so sánh cầu thủ Việt Nam với các nước châu Á cũng thấy độ dày hình thể của chúng ta không bằng, tranh chấp va chạm hay thua thiệt.

Đó là do ngành TDTT nói chung và bóng đá nói riêng chưa xem sức khỏe của tài năng thể thao là mấu chốt. Làm sao để người Việt cao to hơn, khỏe hơn, đó phải là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước thì khi đó bóng đá Việt Nam mới đủ sức "đi" và "đứng" được một cách vững vàng cho câu chuyện phát triển. 

 * Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Trần Tuấn (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm