12/04/2024 06:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng bóng đá nước nhà phải có những cải tổ mạnh mẽ, tái cấu trúc triệt để, mang tính đột phá nhằm xây dựng hoàn chỉnh, căn cơ hệ thống thi đấu trong nước.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra phân tích: "Hệ thống tổ chức thi đấu được nhìn nhận trên 2 tiêu chí: số lượng các CLB tham gia ở mỗi giải đấu và lịch thi đấu của những giải đấu đó phải được xây dựng bài bản, chuyên nghiệp
Có thể thấy rằng gần đây chúng ta đang từng bước xóa bỏ quy trình "tháp ngược" về số lượng các CLB ở mỗi giải đấu đã tồn tại nhiều năm. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra tính ổn định, sự phát triển tốt cũng như có hệ thống lớp lang để kế thừa.
Tuy vậy, nói vui là quy trình này chỉ mới từ "tháp ngược" chuyển sang "nhà ống" chứ chưa thể tạo ra chân đế vững chắc ở các giải đấu từ thấp lên cao.
Nếu như V-League đã "quy hoạch" đủ 14 CLB từ mùa giải 2015 thì con số các đội tham dự giải hạng Nhất cứ trồi sụt xuống lên một cách thất thường. 10 đội bóng ở năm 2016 đã giảm xuống 7 ở năm tiếp theo, đến mùa gần nhất 2019 vọt lên 12 đội để rồi chỉ luẩn quẩn ở mức từ 10 đến 12 đội trong những mùa giải gần đây. Trong khi đó, giải hạng Nhì đã duy trì được số lượng 14 CLB từ mùa giải 2021 đến nay. Chính việc số lượng CLB không cân bằng giữa những hạng đấu đã làm mất đi tính cân xứng.
Mô hình "tháp ngược" sẽ chẳng có được nền tảng vững chắc cho sự phát triển của bóng đá nước nhà, mà một trong những yếu tố cơ bản nhất để định danh sự phát triển của nền bóng đá quốc gia hay ĐTQG có được bền vững hay không nằm vào quy mô, chất lượng của các giải đấu trong nước.
Khi giải hạng Nhất, hạng Nhì càng có nhiều đội bóng tham gia sẽ tạo ra sự cân bằng trong quá trình tổ chức thi đấu. Tính cạnh tranh, cống hiến và chất lượng nâng dần lên cũng từ các làm này mà ra.
Nên nhớ, giải hạng Nhì là bước chuyển để những đội bóng có tham vọng tiến lên sân chơi chuyên nghiệp (giải hạng Nhất, V-League).
Một khi số lượng các đội tham dự những hạng đấu có tính cân bằng sẽ tạo thêm điều kiện để cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn. Việc không được thi đấu nhiều khiến cầu thủ khó trưởng thành. Đây vốn là thực trạng chung của các giải bóng đá hạng dưới của Việt Nam bấy lâu nay.
Lâu nay, giải hạng Nhất vốn được coi là cảnh "chợ chiều" huống hồ gì các hạng đấu thấp hơn không tránh khỏi hắt hiu, đá theo kiểu phong trào cho vui. Kinh phí hoạt động, mô hình quản lý, sự đầu tư cho các giải đấu thấp hơn V-League không thể kéo lên được nếu chẳng có sự chuyển biến, cạnh tranh hay đột phá".
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận rằng với riêng hệ thống tổ chức thi đấu các giải trong nước cũng còn nhiều bất cập: "Đến hẹn lại lên, thêm lần nữa các đội bóng phàn nàn vì các giải đấu trong nước phải ngắt quãng. "Đang vui bỗng đứt dây đàn", đây không phải là lần đầu tiên V-League, giải hạng Nhất bị ngắt quãng liên tục và thiếu hợp lý.
Các giải bóng đá trên thế giới đang hướng đến tính chuyên nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của một nền bóng đá. V-League 2023/24 là mùa giải đầu tiên thay đổi khung thời gian tổ chức theo thông lệ quốc tế.
Vì thế, những người có trách nhiệm cũng cần thay đổi tư duy. Việc phục vụ cho ĐTQG đòi hỏi sự chung tay của các CLB. Tuy nhiên, giải VĐQG chỉ nên dừng lại ở những đợt FIFA Days theo quy định chung.
Bởi CLB khỏe thì giải chuyên nghiệp phát triển, giải đấu mạnh thì ĐTQG mới mạnh. Giải VĐQG được tổ chức đều đặn hằng tuần là "mạch máu" trong sự phát triển bóng đá ở bất kỳ quốc gia và khu vực nào. Đó là xu hướng chung và chúng ta không nên đứng ngoài cuộc.
Hơn 20 năm đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta mới chỉ "vừa chạy xếp hàng". Còn câu chuyện phát triển mang tính bền vững theo đúng hình tháp như các quốc gia khác sẽ cần có thêm nhiều giai đoạn cùng chất liệu nữa. Thôi thì, ráng chờ thêm thời gian".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất