Chuyên gia cảnh báo gần 20% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu

14/05/2023 22:26 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta bị thiếu máu chiếm 19,6%. Trẻ bị thiếu máu thường không có triệu chứng rõ rệt...

Mới đây, Chi hội Dinh dưỡng Nhi khoa tổ chức Hội thảo "Cập nhật chẩn đoán và điều trị bênnh thiếu máu ở trẻ" tại Hà Nội.

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta bị thiếu máu chiếm 19,6%. Trẻ bị thiếu máu thường không có triệu chứng rõ rệt, trẻ có thể bị thiếu năng lượng, dễ mệt mỏi, xanh xao, giảm khả năng tập trung, đau đầu, chóng mặt, đặc biệt là khi đứng, tăng nhịp tim, khó thở…

ThS.BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Chi hội Dinh dưỡng Nhi khoa - cho biết cùng với các bệnh lý phổ biến ở trẻ như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, cận thị, cong vẹo cột sống... bệnh thiếu máu ở trẻ em rất đáng được quan tâm. Trẻ bị thiếu máu nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ, đến khả năng học tập và các sinh hoạt hằng ngày... 

Thiếu máu là tình trạng giảm khối thể tích hồng cầu (HCT) hay hemoglobin (HGB) dưới mức bình thường của người cùng tuổi và giới tính.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng hemoglobin trong máu thấp hơn bình thường, là kết quả của sự thiếu hụt một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là sắt.

Nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em do không cung cấp đủ nhu cầu sắt trong các trường hợp tăng nhu cầu sử dụng sắt của cơ thể (ở trẻ dậy thì), chế độ ăn không có đủ lượng sắt, cơ thể bị giảm hấp thu sắt (trường hợp bị viêm loét dạ dày, cắt đoạn dạ dày, ruột)…; mất sắt do mất máu mạn tính; rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh…

Một số loại thiếu máu có ít biến chứng, nhưng những loại khác có biến chứng thường xuyên và nghiêm trọng. Một số chứng thiếu máu não có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng và phát triển; đau và sưng khớp; suy tủy xương; bệnh bạch cầu hoặc các bệnh ung thư khác. Ảnh hưởng của thiếu sắt trong 6 tháng đầu đời có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.

Theo TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để điều trị thiếu máu, tùy theo mức độ thiếu máu mà bệnh nhân sẽ được chỉ định truyển máu, bổ sung sắt đường uống cho phù hợp.

Bên cạnh việc truyền máu, bổ sung sắt thì chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng có vai trò quan trọng giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và giúp bệnh chóng khỏi.

Đa dạng hóa bữa ăn là phương pháp tốt nhất để cải thiện các nguyên tố vi lượng của cơ thể trong đó có sắt. Để đa dạng hóa bữa ăn, cần phải kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu các chất dinh dưỡng, cụ thể:

- Lựa chọn ưu tiên các thực phẩm giàu đạm, giàu sắt như thịt bò, gan động vật, trứng, ngao, sò, sữa, thực phẩm tăng cường sắt…

- Tăng cường nguồn thực phẩm có nguồn gốc thực vật như một số loại rau xanh, đậu đỗ, nấm... kết hợp thực phẩm giàu vitamin C, giàu acid folic như các loại rau có lá màu xanh thẫm, đậu quả, đậu hạt...

- Tăng cường hoa quả chín để cung cấp vitamin C, đồng thời tăng cường hấp thu sắt.

- Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng, tẩy giun định kỳ, vệ sinh cá nhân và môi trường.

- Hạn chế sử dụng các chất gây ức chế hấp thu sắt như trà, cà phê…

Mộc Trà

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm