Chuyển đổi số: Cơ hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

29/10/2023 20:46 GMT+7 | Văn hóa soi đường

Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Hội nghị, tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2023 và Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa”.

Tại sự kiện này, các chuyên gia đều khẳng định Chuyển đổi số thực sự là cơ hội lớn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, việc đổi mới trong bối cảnh công nghệ hiện nay không thể giải quyết một cách đơn độc bởi các đơn vị văn hóa mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, đơn vị đã và đang từng bước thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Những hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ của bảo tàng thời gian gần đây, cho dù đã có hiệu quả bước đầu hay chỉ mới là những manh nha, nhưng vẫn góp phần đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng, lan toả tình yêu nghệ thuật và đem lại những kinh nghiệm thực tiễn có giá trị đối với công tác vận hành hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng, và loại hình bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam nói chung.

TS Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh: “Từ thực tiễn hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể thấy bài toán đổi mới trong bối cảnh công nghệ hiện nay không thể giải quyết một cách đơn độc bởi các đơn vị văn hóa nhà nước, mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Đó là những chính sách ban hành cập nhật, kịp thời với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu hợp tác, là sự hỗ trợ về mặt công nghệ, nhân lực kỹ thuật cũng như tài chính từ các đối tác công nghệ, song song với đó là tính tích cực và chủ động của các đơn vị bảo tàng trong nỗ lực chuyển đổi số để chuyển mình. Trong đó, cơ chế phối hợp các bên cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, hài hòa cả về mặt lợi ích lẫn trách nhiệm”.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa: Cơ hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị - Ảnh 1.

Triển lãm tranh công nghệ thực tế ảo

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số đã và đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bối cảnh hiện nay. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh. Một số công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế cũng đã được ứng dụng công nghệ 3D, như Đại Nội, lăng vua Tự Đức, cung An Định,...

TS Phan Thanh Hải cho biết: “Có thể thấy rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa Huế theo hướng bền vững, mà còn đem lại những giá trị kinh tế trong phát triển du lịch di sản, quảng bá hình ảnh, con người Huế đến với bạn bè thế giới”.

TS Phan Thanh Hải cũng cho rằng, những thành tựu đạt được trong việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế là rất đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay. Việc tự nâng cao khả năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số trong bảo tồn, mở rộng hợp tác quốc tế là những điều kiện mang tính bắt buộc. 

Theo bà Từ Thị Thu Hằng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Bà Hằng cho biết: “Năm 2023 là một năm đặc biệt khi cả nước thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành VHTTDL nói riêng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với xu thế thời đại”.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số là tạo ra một tài sản mới là dữ liệu số, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa, tài sản nhận được chính là dữ liệu số về di sản văn hóa. Di sản văn hóa là quan trọng, di sản văn hóa số lại càng quan trọng hơn, bởi theo thời gian nếu được gìn giữ tốt thì việc khôi phục lại di sản văn hóa là có thể làm được.

Theo các chuyên gia, để thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực bảo tàng, trước mắt cần phải có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, có quyết tâm cao và phải có kế hoạch đúng đắn, xác định đẩy đủ các rủi ro và cơ hội. Có thể xem chuyển đổi số có hệ số rủi ro cao song chúng ta cần chấp nhận rủi ro, bởi lẽ thành công của nó là mang lại giá trị khó đo lường. Chuyển đổi số lĩnh vực bảo tàng cũng cần thiết phải có những đối tác có năng lực về chuyên môn, đặc biệt là những đối tác cung cấp các giải pháp công nghệ, hạ tầng thông tin, các đối tác là tổ chức khoa học - kỹ thuật, các trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.

Cùng với đó cần có sự đầu tư rất lớn về nguồn lực; các văn bản pháp lý quy định tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, khoa học về công tác chuyển đổi số lĩnh vực di sản văn hóa để các đơn vị có căn cứ thực hiện.

Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm