Chuyện đào tạo trẻ ở Serie A: Cứ hái quả, dù chưa biết trồng cây

09/08/2014 11:35 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Họp báo. Căng thẳng và buồn bã. Cesare Prandelli tuyên bố từ chức HLV trưởng đội tuyển Italy ngay sau trận thua Uruguay ở World Cup 2014. “Đội bóng này đã che giấu mọi hạn chế của bóng đá Italy”, ông nói.

Thất bại của đội tuyển tại World Cup 2010 khiến giới chức bóng đá Italy thức tỉnh. Nhưng lớp bụi mù che phủ những thiếu sót như Prandelli nói, đã lại đặc quánh từ EURO 2012. Đội Ý về nhì tại giải đấu đó, bất chấp trong nước xảy ra vụ dàn xếp tỉ số gây chấn động, các CLB thi đấu bét bát và rơi vào khủng hoảng tài chính. Đến World Cup 2014 thì không gì che đi các sai lầm được nữa.

Khổ thân cầu thủ ngoại

Bóng đá Italy trở lại các vấn đề muôn thuở mà cứ bàn tính nhiều lần, họ cũng không giải quyết được. Cơ bản nhất: Làm thế nào tăng cường chất lượng Serie A? Vì có quá nhiều cầu thủ nước ngoài nên cơ hội ra sân của các cậu nhóc bản địa bị thu hẹp, và nền bóng đá đi xuống? Đấy chỉ là một slogan ngụy biện. Tỉ lệ cầu thủ ngoại Serie A mùa 2013-14 là 44,8%, vẫn ít hơn Bundesliga của Đức (46%) và Jupiler League của Bỉ (48,3%), vậy mà tại sao hai đội tuyển quốc gia ấy lại vững mạnh trong khi Azzurri suy yếu?

Đội Bỉ có tuổi trung bình 26 tuổi 15 ngày lọt vào tứ kết World Cup, nhưng quan trọng hơn, đấy là tập thể đầy ngôi sao đang đá cho các CLB hàng đầu. Đức, lớn tuổi hơn một chút, 26 tuổi 114 ngày, đã vô địch thế giới. Schuerrle 23 tuổi chuyền cho Goetze 22 tuổi ghi bàn quyết định ở chung kết World Cup. Thomas Mueller 24 tuổi, đã dự 2 World Cup và 1 EURO, mang cho người xem cảm giác anh đã là lão tướng.

Các quan chức bóng đá Italy thể hiện sự tắc trách trong phân tích sai lầm và đường đi nước bước. Hậu World Cup 2010, họ cho rằng tỉ lệ cầu thủ ngoại là vấn đề cản trở nền bóng đá. Các CLB Serie A bị giới hạn số cầu thủ ngoài EU chỉ là 3, tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ các CLB. Họ cho rằng FIGC đã quyết định quá vội khi những giải đấu như NBA (bóng rổ nhà nghề Mỹ) hay Bundesliga của Đức, không hề có hàng rào với cầu thủ ngoài EU mà vẫn phát triển.

Đây không phải lần đầu FIGC ra quyết định dựa trên cảm tính. Năm 1966, sau khi Italy bị loại khỏi vòng bảng World Cup lần thứ hai liên tiếp, Liên đoàn đóng cửa hoàn toàn với cầu thủ ngoại. Tỉ lệ cầu thủ ngoại trong giai đoạn 1965-66 là bao nhiêu? Chỉ là 8,8%. Kết quả: Serie A trải qua 14 năm trầm cảm trước khi điều luật được gỡ bỏ vào năm 1980. Hai năm sau, Italy vô địch thế giới.

Đào tạo trẻ thiếu thống nhất

Kinh tế khó khăn, các CLB Serie A rất có ý thức xây dựng học viện bóng đá trẻ các năm gần đây. Tuy nhiên, cách thức thực hiện lại gặp nhiều vấn đề. Ở Ý không hề có sự liên kết giữa Liên đoàn bóng đá, các CLB và trường học trong phát hiện, đào tạo và giáo dục cầu thủ trẻ. Mạnh ai nấy làm.

Người Đức làm thế nào? Liên đoàn bóng đá và CLB phối hợp cùng tìm kiếm và đào tạo cầu thủ theo mô hình kim tự tháp. Đáy kim tự tháp là 390 trại huấn luyện trải khắp lãnh thổ, gồm 14 ngàn chú nhóc không thuộc biên chế các CLB. Cả HLV của Liên đoàn lẫn CLB đều có trách nhiệm phát hiện tài năng. Liên đoàn cử 29 điều phối viên đến 390 trại huấn luyện, làm việc và giữ liên lạc với các CLB. Phía trên kim tự tháp là bóng đá học đường. Phía trên nữa là đội trẻ của Liên đoàn và các trung tâm bóng đá. Trên cùng, mới đến các đội tuyển quốc gia.

27,9 Dù đã cố gắng trẻ hóa, độ tuổi trung bình của đội tuyển Italy tại World Cup 2014 vẫn lên đến 27,9, cao thứ 11 World Cup.

5 Italy đang là nước giữ kỉ lục số lần vô địch giải U21 châu Âu, với 5 lần, hơn Tây Ban Nha 1 lần. Tuy nhiên đã 10 năm rồi Italy chưa vô địch. Trong khi TBN vô địch năm 2011 và 2013.

44,8 Tỉ lệ cầu thủ ngoại Serie A mùa 2013-14 là 44,8%; vẫn ít hơn Bundesliga (46%) và Jupiler League của Bỉ (48,3%).


Đỗ Hiếu (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm