Chuông vàng vọng cổ 2009: Tiếng ngân đã kém xưa?

16/10/2009 09:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối qua 15/10, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) 2009 đã chính thức khép lại sau chặng đường với nhiều tháng đi tìm “chuông vàng”. Bốn năm qua, cuộc thi CVVC do HTV tổ chức đã trở thành một món ăn tinh thần được chờ đợi của người dân Nam bộ. Tuy nhiên cái sự háo hức ban đầu đã qua đi, khán giả mộ điệu cải lương chờ đợi ở CVVC 2009 nhiều hơn là những gì cuộc thi đã đem lại. Có thể nói sức sống của CVVC đang bị thử thách khi năm nay chất lượng thí sinh không được như các năm trước.

Sôi động vòng ngoài

Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của dư luận khi lần đầu mở rộng ra phía Bắc. Chỉ tổ chức một địa điểm sơ tuyển tại Hà Nội (31/8), BTC cuộc thi hoàn toàn bất ngờ khi có đến 40 thí sinh đăng ký dự thi (tương đương với nhiều cụm thi ở phía Nam như Cà Mau: 35 thí sinh, An Giang: 43 thí sinh...) mà đa số đều trẻ, đẹp và có chất giọng rất tốt. 5 cái tên được chọn vào vòng bán kết tại TP.HCM là: Nguyễn Minh Hải, Bùi Thị Dung, Nông Thị Gấm, Ninh Thị Như Quỳnh và Đinh Thị Hương đều là những nghệ sĩ, học viên trẻ của Nhà hát Cải lương Trung ương.


Trần Thị Thu Vân (giữa) đoạt Chuông vàng và giải báo chí

Và sự xuất hiện của “vọng cổ Bắc” đã góp phần không nhỏ trong việc kéo khán giả đến kín rạp Hưng Đạo trong ba đêm bán kết (11, 12 và 13/9), đông hơn hẳn so với những năm trước. Việc 2 thí sinh Ninh Thị Như Quỳnh và Nông Thị Gấm bước tiếp vào vòng chung kết (dù phải dừng lại sau chung kết 2) là một sự thành công lớn của cải lương miền Bắc.

Một điểm nhấn nữa của CVVC 2009 là trường phái vọng cổ hài với các tài danh như Văn Hường, Hề Sa, Thanh Nam..., tưởng đã mai một, đã xuất hiện trở lại với thí sinh Nguyễn Thanh Cần (An Giang). Đáng tiếc thí sinh này lại bị “khớp” nên ca rớt nhịp và quên luôn lời, chấp nhận bị loại sớm. Chỉ là một “cánh én” nhưng Thanh Cần đã nhắc nhở mọi người nhớ về một phong cách ca vọng cổ đặc biệt từng được yêu thích cũng như gợi ý cho BTC khuyến khích và mơ rộng thêm hẳn hạng mục dành cho vọng cổ hài ở CVVC năm sau.

Khan hiếm tài năng?

Chung kết CVVC 2009 với mạch cảm hứng chủ đạo Thiên sử Việt Nam ca (tổng đạo diễn: Lê Thụy) không đơn thuần là một cuộc thi nữa mà trở thành một chương trình tôn vinh lịch sử, văn hóa nước nhà rất giàu ý nghĩa.

Tuy nhiên ý tưởng này lại bị khán giả phàn nàn nhiều vì chương trình “khô” quá khi toàn bộ các bài ca, trích đoạn dự thi của thí sinh đến tiết mục phụ diễn đều mang đề tài cách mạng hay lịch sử. Nhiều người bày tỏ rằng các bài thi “khô khan quá, không có được sự mượt mà, trữ tình, sâu lắng của câu vọng cổ”. Có cảm tưởng bản thân các thí sinh cũng cố “gồng mình” học thuộc bài rồi lên thi chứ rất ít cảm xúc.

“Gò” theo chủ đề, BTC cũng “tự trói mình” khi những bài vọng cổ nổi tiếng, những trích đoạn kinh điển làm say lòng khán giả mộ điệu cải lương bao năm qua đã không xuất hiện do không hợp chủ đề. Năm nay, các diễn đàn cải lương, cổ nhạc cũng khá thờ ơ với CVVC trong khi không khí bàn tán, tranh luận ở các năm trước là rất sôi nổi.

Thành viên BGK - NSƯT Minh Vương cho biết: “Năm nay việc chọn chủ đề mang tính tư tưởng cao là rất hay và cũng có phần thử thách cho các thí sinh vì việc thẩm thấu và tìm cảm xúc từ những đề tài cách mạng hay lịch sử không phải dễ. Cũng có lẽ vì thế mà CVVC 2009 có phần khô khan, thiếu sức hấp dẫn so với những năm trước. Tuy nhiên để duy trì một cuộc thi lớn như CVVC là cả một sự nỗ lực không ngừng của những người thực hiện chương trình. Chúng tôi sẽ phải ngồi lại cùng nhau để rút kinh nghiệm và tìm ý tưởng, hướng đi mới để CVVC năm sau trở lại với một diện mạo thật sự hấp dẫn, đáng mong chờ”.

10 thí sinh vào chung kết CVVC 2009 có phần vượt trội về sắc vóc (đặc biệt là các thí sinh nữ) tuy nhiên lại khá mờ nhạt về cả chất giọng lẫn diễn xuất. Đổi mới cách dàn dựng để chương trình trẻ trung, gần gũi hơn là điều hoàn toàn có thể nhưng để “nâng chất” thí sinh dự thi thì lại là chuyện khác. Phải chăng sau 4 năm tổ chức, CVVC đang rơi vào tình trạng chung của các cuộc thi âm nhạc là khan hiếm những gương mặt thực sự nổi trội?

      Chung kết CVVC 2009 đã diễn ra tại Nhà hát truyền hình Đài Truyền hình TP.HCM. Kết quả: Trần Thị Thu Vân (Cần Thơ) đoạt Chuông vàng và giải báo chí; Lư Quốc Vinh (An Giang) đoạt Chuông bạc; Lê Minh Hảo (Bến Tre) đoạt giải ba và giải thí sinh được yêu thích nhất.


Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm