Chứng khoán ngày 6/10: Tín hiệu từ giao dịch thỏa thuận?

06/10/2008 15:15 GMT+7 | Thế giới

Khác với diễn biến của phiên cuối tuần trước, hầu hết các blue-chip đều giảm giá nhưng không xuống sàn, thì phiên này phần lớn đền giảm hết khả năng.
Một phiên giảm điểm mạnh tại cả hai sàn, khối lượng giao dịch nhích nhẹ nhưng có tín hiệu mới trong giao dịch thỏa thuận.

Phiên mở đầu tuần mới, VN-Index khởi đầu sát mốc 450 điểm, với HASTC-Index là ở gần 150 điểm. Với diễn của thị trường tuần qua, hai mốc điểm này trở nên mong manh. Với riêng VN-Index, 420 điểm đang được xem là mốc hỗ trợ; đó cũng là đáy thấp nhất trong tháng 9 vừa qua.

Trên thực tế, ngay đầu phiên giao dịch, hai chỉ số trên đã nhanh chóng xuyên qua các mốc 450 điểm và 150 điểm. Đà giảm thể hiện mạnh nối tiếp đến kết thúc phiên; chứng khoán lại có thêm phiên đồng loạt giảm sàn, thanh khoản thấp.

Về thời điểm, đây được xem là phiên quan trọng của tuần, thể hiện phản ứng và nhận định chung của giới đầu tư trước sự kiện Hạ viện Mỹ chính thức thông qua kế hoạch giải cứu ngành tài chính nước này. Nếu tại những thị trường lớn, phản ứng đầu tiên là sự đồng thuận, tăng điểm mạnh mẽ, thì điều đó tại Việt Nam đã không xẩy ra.

Hàn thử biểu của thị trường chứng khoán Việt Nam qua phiên sáng nay đã giảm tới 18,43 điểm (4,08%), xuống còn 433,71 điểm. Kết thúc phiên có tới 145 mã giảm giá, 7 mã ở giá tham chiếu, 2 mã không có giao dịch và chỉ còn lại chẵn 10 mã tăng giá.

Khác với diễn biến của phiên cuối tuần trước, hầu hết các blue-chip đều giảm giá nhưng không xuống sàn, thì phiên này phần lớn đền giảm hết khả năng.

Trong Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn, chỉ có VNM và VPL tránh được giá sàn, lần lượt giảm nhẹ 500 đồng và 2.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại, STB, DPM, HPG, FPT, VIC, PVD, ITA, PPC, SSI, VSH, REE, SJS, SAM, KDC… đồng loạt giảm giá sàn.

Trong 10 mã tăng giá hôm nay, BBT của Bông Bạch Tuyết có thêm phiên tăng giá trần và không còn dư bán, và phần lớn là các cổ phiếu thị giá trung bình và thấp.

Trên bảng điện tử, dư bán tiếp tục ở thế áp đảo, dư mua thận trọng và thưa thớt. Đây là những phiên các quyết định mua vào thảnh thơi chọn hàng giá sàn, nhưng có thể nhiều nhà đầu tư vẫn chờ đợi những mức giá thấp hơn. Ngoài ra, trong thời điểm nhạy cảm và hướng phục hồi chưa gợi mở, giải pháp ngoài cuộc là một lựa chọn.

Ở phiên này, một tín hiệu nhỏ có từ giao dịch của khối đầu tư nước ngoài. Thay cho những phiên trong tuần qua, giao dịch của khối này đã “đảo chiều”, mua vào nhiều hơn bán ra. Họ mua gần 1,8 triệu đơn vị với hơn 94 tỷ đồng giá trị, bán ra 1,5 triệu đơn vị với gần 87,5 tỷ đồng giá trị.

Khối đầu tư nước ngoài vẫn chưa đẩy mạnh giao dịch. Đây cũng là tình thế chung của những phiên vừa qua. Khối lượng chung phiên này tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 14,8 triệu đơn vị, trị giá gần 498 tỷ đồng.

Đây cũng là phiên giao dịch thỏa thuận thành công hạn chế, chỉ có 560.000 đơn vị với 7,4 tỷ đồng được chuyển nhượng. Nhưng trong giao dịch này nổi bật ở dư mua trải dài trên bảng điện tử. Khối lượng dư mua trong giao dịch thỏa thuận lên tới 1,1 triệu đơn vị, tập trung ở những cổ phiếu lớn như STB, HPG, DPM, SAM thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Trong xu hướng sụt giảm mạnh nối tiếp từ cuối tuần qua, khối lượng giao dịch khớp lệnh hạn chế, sự xuất hiện dư mua lớn trong giao dịch thỏa thuận được xem như một tín hiệu mới. Liệu tín hiệu này có gợi mở hướng mua vào những phiên tới?

Tương tự, trên sàn Hà Nội cũng là một phiên giảm sàn đồng loạt của nhiều cổ phiếu lớn nhỏ. Kết quả này kéo HASTC-Index giảm mạnh, mất tới 8,64 điểm (5,68%), xuống còn 143,38 điểm. Khối lượng giao dịch tại đây tăng nhẹ lên gần 8,3 triệu cổ phiếu, trị giá 274 tỷ đồng.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm