Chứng khoán ngày 29/9: Sự thận trọng lên tiếng

29/09/2008 15:00 GMT+7 | Thế giới

Trong phiên này, khối đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào nhiều hơn bán ra.
Đón loạt thông tin mới, nhà đầu tư thận trọng hơn, chứng khoán lại đồng loạt đảo chiều tại cả hai sàn.

Cuối tuần qua, hưởng ứng sự điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và cơ chế của tín phiếu bắt buộc, nhiều ngân hàng lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Có trường hợp lãi suất cho vay VND xuống mức 17,5%/năm.

Với thị trường chứng khoán, diễn biến trên được đánh giá ở tác động tích cực, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho nhiều doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, gián tiếp hỗ trợ mục tiêu lợi nhuận…

Và trước thềm phiên giao dịch sáng nay, nhà đầu tư đón nhận thông tin Chính phủ Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Quốc hội nước này về kế hoạch giải cứu ngành tài chính trị giá 700 tỷ USD, một trong những tâm điểm chờ đợi hiện nay.

Kế hoạch trên của Chính phủ Mỹ vẫn còn chờ bỏ phiếu thông qua, nhưng đã có trong những suy tính của giới đầu tư. Kỳ vọng chung là tính hiệu quả của gói giải pháp 700 tỷ USD đó có thể giải cứu thành công cuộc khủng hoảng hiện tại, nhưng bên cạnh đó là sự thận trọng trước những “tác động phụ” ngoài mong muốn của nhà đầu tư chứng khoán.

Theo nhận định của một nhà đầu tư trong thông tin gửi về VnEconomy về sự kiện trên, phán đoán được đưa ra ở khả năng đồng USD sẽ xuống giá, giá vàng và dầu sẽ tăng mạnh và với Việt Nam, nhập siêu có thể tăng hơn trước. Giá vàng tăng có thể thu hút vốn về kênh này, giảm bớt nguồn của chứng khoán. Và USD xuống giá, giá hàng nhập khẩu tăng lên và đẩy nhập siêu lên, có thể tác động đến tỷ giá USD/VND. Giá dầu tăng sẽ tác động đến giá bán trong nước khi cơ chế thị trường đã được vận hành.

Những phán đoán trên có thể có ở nhiều nhà đầu tư khác. Và trước khi định hình cụ thể sự sát thực, trước khi giải pháp 700 tỷ USD nói trên chính thức thông qua, sự thận trọng là điểm chung lúc này.

Ngoài ra, sự thận trọng đó đậm nét hơn khi cuối tuần qua lại có thêm những ngân hàng của Mỹ và tại một số thị trường khác rơi vào nguy khó.

Mở đầu phiên sáng nay, mốc 480 điểm nhanh chóng bị phá vỡ, VN-Index mất 7 điểm trong đợt 1 và chỉ còn 476,72 điểm. Đà giảm mạnh hơn trong đợt 2 khi chỉ số này chỉ còn 475,43 điểm. Kết thúc phiên, hàn thử biểu của thị trường trở về mốc 479 điểm, giảm chung cuộc 4,81 điểm.

Sau phiên cải thiện về khối lượng cuối tuần qua, giao dịch hôm nay lại có dấu hiệu sụt giảm khi chỉ có 18,9 triệu đơn vị toàn phiên, trị giá 742,3 tỷ đồng (phiên liền trước là 22,3 triệu đơn vị với 874 tỷ đồng).

Lượng mã giảm phiên này đã hoàn toàn áp đảo khi có tới 118 thành viên, trong khi chỉ còn lại 31 mã tăng giá, 15 mã giữ được giá tham chiếu.

Trước sự sụt giảm đồng loạt nói trên, sức hỗ trợ của 3 blue-chips VIC, PVD và DPM trở nên yếu ớt (VIC tăng 4.000 đồng/cổ phiếu, PVD tăng trần thêm 4.000 đồng/cổ phiếu và DPM tăng 2.500 đồng/cổ phiếu). Những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới VN-Index như VNM, STB, FPT, SSI, ITA, HPG… cùng giảm khá mạnh.

Một điểm nổi bật cục bộ trên bảng điện tử hôm nay là sự tham gia hạn chế của BBT. Cổ phiếu Bông Bạch Tuyết chỉ được giao dịch 15 phút cuối của phiên theo “án” của HOSE, nhưng tạo bất ngờ khi giao dịch mạnh với 23.500 đơn vị; giá giảm sàn mất 300 đồng/cổ phiếu.

Trong phiên này, khối đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào nhiều hơn bán ra. Họ mua vào hơn gần 3,9 triệu đơn vị với giá trị 221 tỷ đồng, bán ra gần 1,4 triệu đơn vị với 68,5 tỷ đồng giá trị.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index có một phiên giằng co giữa hai hướng tăng giảm. Trong 15 phút đầu phiên, chỉ số này tăng trên 3 điểm, nhưng ngay sau đó giảm mạnh tới hơn 4 điểm. Giữa phiên, màu xanh bất ngờ trở lại nhưng không thể duy trì đến cuối phiên. Chung cuộc, HASTC-Index giảm 2,33 điểm, còn 157,98 điểm.

Khối lượng giao dịch tại đây giảm nhẹ so với phiên trước, còn 11 triệu cổ phiếu, trị giá 413,7 tỷ đồng. Lượng mã giảm cũng đã bật lên chiếm ưu thế khi có tới 96 cổ phiếu; còn lại có 50 mã tăng giá, 4 mã không có giao dịch và 3 mã chốt ở giá tham chiếu. Một loạt cổ phiếu lớn như ACB, VCG, KBC, KLS, BVS, VNR, NTP… cùng giảm khá mạnh.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm