Chuẩn bị 15 vạn túi lương cho Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần

08/02/2017 11:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Ban tổ chức Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần năm 2017 diễn ra từ đêm ngày 10 đến ngày 12/2/2017 (tức từ đêm 14 - 16 tháng Giêng). Ban tổ chức đã chuẩn bị 15 vạn túi lương để phát tại 37 điểm quanh khu vực đền từ đêm 14 tháng Giêng.

Theo kế hoạch, sáng 12 tháng Giêng, các cụ cao tuổi và nhân dân xã Nhân Đạo sẽ làm lễ rước nước từ sông Hồng về đền làm lễ. Sáng 13 tháng Giêng, huyện Lý Nhân khai mạc Giải vật mở rộng, tối ngày 13 tháng Giêng, nhân dân các xóm trong xã Nhân Đạo tổ chức biểu diễn văn nghệ tại sân tâm linh. Chiều 14 tháng Giêng, nhân dân và các cụ cao tuổi xã Nhân Đạo sẽ tổ chức lễ rước lương từ miếu Thổ thần vào đền để các đại đức làm mật lễ.

Ngay trước khi diễn ra Lễ phát lương, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức đón Bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương.

Để phục vụ du khách thập phương đến với lễ hội, Ban tổ chức đã thành lập các tiểu ban phục vụ, gồm: Tiểu ban tuyên truyền - trang trí khánh tiết, tiểu ban nghi lễ, tiểu ban an ninh trật tự, tiểu ban y tế - vệ sinh môi trường và tiểu ban tài chính - hậu cần - vật tư trang thiết bị. Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất với số người phục vụ khoảng 500 người.


Lương được chuẩn bị trong đền Trần Thương. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, để nhân dân và du khách thập phương theo dõi được quá trình tổ chức lễ phát lương, Ban tổ chức sẽ treo 6 màn hình khổ rộng tại các địa điểm trên sân tâm linh của đền.

Lễ hội phát lương đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hà Nam. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Khu vực Đền Trần Thương theo truyền thuyết là địa điểm mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã lựa chọn để làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ thứ XIII.

Việc tổ chức lễ hội còn nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, động viên nhân dân phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, bước vào năm mới mọi người hăng say lao động, học tập, công tác, phấn đấu làm tốt công việc của mình trong năm.

TTXVN/Nguyễn Chinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm