23/04/2025 06:11 GMT+7 | Văn hoá
Hôm nay là Ngày Sách thế giới (23/4). Chúng ta thử tìm hiểu xem sách là gì?
Sách là "tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển" - Đấy là một định nghĩa ngắn gọn của Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), chứ nếu nói cho hết nhẽ, về nội hàm và những vấn đề liên quan đến sách, thì có quá nhiều điều cần nói.
Sách đã có từ rất xa xưa. Khi loài người bắt đầu lưu lại những tri thức bằng cách chép tay hoặc in thủ công trên những vật liệu thô sơ (tre trúc, gỗ, đá, lụa và sau này là giấy) thì những hình thức sơ khai của sách ra đời. Nhưng chỉ đến năm 1439, một người thợ kim hoàn người Đức, tên là J. G. Gutenberg (1406 - 1468) đã phát minh ra việc việc sử dụng các con chữ rời để in thì sách thực sự bước vào kỷ nguyên mới.
Ngày Sách thế giới (23/4). Ảnh: Internet
Kỹ thuật in ti-pô (tiếng Pháp: typographie) là cách "in bằng phương pháp dùng khuôn, trên đó nội dung in là những phần tử nổi có độ cao tuyệt đối bằng nhau, được tẩm mực khi in" (Từ điển, đã dẫn) đã giúp cho việc nhân bản hàng loạt các ấn phẩm (sách, báo). Các công nghệ in sau đó (in lưới, in selen, in ronéo, in opset…) cùng với sự phát triển của công nghệ đóng sách đã làm cho sách trở thành một sản phẩm tri thức - văn hóa ngày càng cần thiết cho loài người.
Trong thời đại ngày nay, thật không thể hình dung nổi mỗi người chúng ta, trong suốt cuộc đời (từ lúc bắt đầu đi học đến khi trưởng thành, đi làm bất cứ ngành nghề gì) lại không cần đến sách. V. I. Lênin từng nói: "Không có sách thì không có tri thức". Tri thức muốn truyền thụ cho nhiều người một cách nhanh chóng, cho thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ có thể được thực hiện bằng lưu giữ qua sách vở.
Sách là một phần của cuộc sống. Chính vì vậy mà sách đã đi vào kho thành thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt và cho chúng ta những bài học chiêm nghiệm về cuộc đời.
"Nói có sách, mách có chứng" là một câu tục ngữ quen thuộc. Đó là lời khuyên chúng ta "Nói ra điều gì thì cũng nên lấy sách vở làm chỗ dựa (cho người nghe dễ tin hơn); mách lại với ai điều gì thì cũng nên kèm theo chứng cứ (cho dễ thuyết phục họ hơn)" (Nguyễn Đức Dương, "Từ điển tục ngữ Việt", NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010). Câu này còn là một khẳng định: "Sách vở là một căn cứ quan trọng để đi tới chân lý, làm rõ lẽ phải trong cuộc sống".
Nói khác đi, sách là "ông trạng trong nhà" khi cần phải tìm hiểu, tra cứu, đồng thời, sách là "trọng tài công minh" giúp cho việc phân giải, nhận chân giá trị, tìm ra điều phải trái.
"Sách có lề, quê có thói". Lề có 2 nghĩa: "1) dây xe bằng giấy bản để đóng vở viết chữ Nho ngày trước và 2) khoảng giấy trắng được chừa ra ở bên trái hoặc bên phải trang giấy (viết hoặc in)". Xem ra, "lề" nào cũng quan trọng và câu tục ngữ này chuyển tải thông điệp "Sách thì quyển nào mà chẳng có lề, quê nào mà chẳng có các lề thói nhất định; suy rộng ra: Mỗi vùng đất đều có một lề thói, tập tục, nên tôn trọng khi ta đến trú ngụ (và cũng nên giữ gìn, bảo vệ, không để mất)".
Sách cần thiết như vậy, nên với nhiều người, có cuốn sách cần thiết đến mức gọi là "sách gối đầu giường". Nói như vậy, không có nghĩa là "dùng cuốn sách (nào đó) kê cao thay gối khi ngủ". Dùng hình ảnh quen thuộc đó, dân gian chỉ muốn ám chỉ những cuốn sách "cần thiết và phải đọc thường xuyên" (đến nỗi phải để cạnh đầu giường, khi cần với tay có ngay). Những cuốn sách tối cần thiết với nhiều người, giúp họ có tri thức, niềm tin và nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách.
Mỗi cuốn sách, mỗi cuộc đời
Dạy cho ta biết làm người hôm nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất