18/12/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
"Đường chim bay" là một danh từ đã có trong một số cuốn từ điển tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa là "đường thẳng, là khoảng cách ngắn nhất giữa 2 điểm xa nhau".
Giả sử ta có hai địa danh, hai vị trí nào đó ở cách xa nhau (như từ làng này sang làng nọ, núi nọ sang núi kia, tỉnh A đến tỉnh B…) mà muốn xác định, ta đứng trên cao, phóng tầm mắt, kẻ một đường thẳng nối hai nơi. Đường thẳng được hiểu là "đối tượng cơ bản của hình học mà hình ảnh trực quan là một sợi dây rất mảnh, căng thật thẳng, có thuộc tính quan trọng nhất là: qua hai điểm bao giờ cũng chỉ vạch được một đường thẳng mà thôi (Từ điển, đã dẫn).
Đường thẳng đó chính là "đường chim bay" theo cách nói thông thường, khẩu ngữ, mang tính hình tượng.
Không chỉ người Việt Nam, mà còn cả người nhiều quốc gia khác cũng dùng cách nói này. Người Anh có tổ hợp từ "a the crow flies", có nghĩa là "đường quạ bay". Nhưng rõ ràng, nói "chim bay" hợp lý hơn "quạ bay", vì nó mang tính khái quát, chỉ động tác bay của mọi loài chim, mà "quạ" chỉ là một trong số đó.
Quạ bay, sáo bay, bồ câu bay… thì cũng đều là hành động "di chuyển từ trên không bằng cách vỗ cánh". Chính vì di chuyển từ trên trời nên chim có thể bay tới nơi dự định bằng một khoảng cách ngắn nhất, chứ không như những trường hợp khác (đi bộ, đi xe máy, đi ô tô, đi tàu hỏa…) phải đi theo một con đường nào đó. Dưới mặt đất, dù là đường tự nhiên hoặc đường nhân tạo (theo quy hoạch) thì cũng không thể là đường thẳng tắp, vì phải vượt và tránh các chướng ngại (hồ ao, sông ngòi, núi non, làng mạc, phố xá…) nên nhiều con đường phải lượn vòng, uốn khúc là đương nhiên.
"Đường chim bay" là một hình dung, dựa trên sự quan sát, tri nhận của dân gian để có một cách nói, diễn giải đầy đủ là "đường thẳng (nối 2 vị trí) tính theo cánh chim bay ngang trời". Khoảng cách này khác với khoảng cách thực tế mà bình thường người ta phải vượt qua. Ví dụ: "Chao, đi đến nhà bác dài quá, mất cả tiếng đồng hồ đấy. Chứ tính theo đường chim bay thì chỉ độ vài cây số là cùng... Đường chim bay cũng không phải là đường tắt (đường đi theo lối tắt, không phải đường thường đi) dù đường tắt cũng là đường giúp cho người ra rút ngắn khoảng cách lẽ ra phải vượt qua.
Cũng theo cách nói khẩu ngữ, dân gian còn có từ "đường vòng thúng". "Thúng" là một dụng cụ nhà nông. Đó là một loại "đồ đan khít bằng tre, hình tròn, lòng sâu, to hơn rổ, dùng để đựng" (Từ điển, đã dẫn). "Vòng thúng" là vòng theo cái cạp của thúng. Cạp là bộ phận buộc hoặc viền xung quanh miệng của thúng. Đi theo đường vòng thúng là di chuyển trong một không gian theo vòng tròn. Ví dụ: "Toàn đội đua sẽ lượn quanh hồ theo đường vòng thúng trước khi cán đích."; "Loanh quanh vòng thúng thế này thì mua thêm nhiều đường quá."…
"Đường chim bay" là cách nói ước định - quy đổi, còn "đường vòng thúng" là cách nói hình ảnh - áng chừng. Ngoài ra, người ta còn có các cách nói khác, như "đường chữ chi" ("Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi/ Hố ngang hố dọc, chữ i chữ tờ" - ca dao). Đây là cách diễn tả mô phỏng chữ chi của tiếng Hán, mà tự dạng của nó (之) quả là ngoắt ngoéo "xiên ngang gạch chéo". Tương tự còn có "đường dích dắc (zigzag)" là loại đường có những đoạn gấp khúc lặp đi lặp lại. Tất cả những đường như vậy (vòng thúng, chữ chi, dích dắc…) đều có thể đối chiếu với "đường chim bay" để hình dung một khoảng cách lý tưởng, ngắn nhất (so với thực tế).
Bao nhiêu đường thế gian này
Đều ngắn theo cánh chim bay ngang trời.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất