20/09/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá
Đây là một câu tục ngữ rất đặc biệt, vì nó có khá nhiều biến thể đồng nghĩa.
"Ả" nói theo tiếng địa phương, có nghĩa là "cô" hoặc là "chị". Cô gái này làm nghề bán dầu. Dầu này không phải là dầu hỏa, dầu nhờn, dầu ăn, dầu chữa bệnh… mà là một loại dầu trang sức. Bây giờ loại dầu này rất đa dạng (dầu bóng, dầu thơm, dầu tẩy trang…) nhưng ngày xưa, người ta dùng ngay dầu dừa hoặc dầu lạc để bôi lên tóc cho mượt và đẹp. "Dầu dừa xức tóc xứ quê/ Cho anh về đón em về làm dâu" (ca dao).
"Ả bán dầu bôi đầu nước lã" có nghĩa là "Các cô bán dầu (lạc/dừa) đa phần đều phải bôi tóc cho mượt bằng nước lã (vì mọi thứ dầu đều phải dành để bán cho khách)". Đây là lời giải thích của Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010).
Cô nàng bán dầu phải lấy nước lã bôi lên đầu để trang điểm quả là điều bất bình thường (thậm chí bôi bác) phải không? Nhưng đấy chỉ là một câu nói mô tả một sự tình "hiển minh" (ai cũng biết), mà thực chất là muốn diễn tả một nội dung, ngữ nghĩa, hàm ngôn khác.
Ngữ nghĩa chung là: Cuộc sống rất hay xảy ra một tình trạng trớ trêu, người làm ra một sản phẩm (hoặc sở hữu một sản phẩm) đem cung cấp/bán cho người khác, nhưng chính họ nhiều khi lại không được dùng sản phẩm ấy.
Điều thú vị là có nhiều câu tục ngữ tương tự "đồng dạng cấu trúc" và "đồng dạng ngữ nghĩa" với câu này. Chẳng hạn: "Người làm vườn ăn cau sâu". Người canh tác, trồng trọt vườn tược (như trồng trầu, cau, rau, quả…) nhưng khi ăn trầu thì phải lấy quả cau bị sâu, bị điếc (cau phế phẩm) để ăn, còn quả lành, quả đẹp, quả ngon thì ưu tiên mang ra chợ bán.
"Thợ rèn không dao ăn trầu", hoặc "Thợ giày chân đi đất"... Thợ rèn làm ra dụng cụ bằng kim loại như dao, kéo, cuốc, xẻng… còn thợ giày chuyên làm ra các vật dụng để đi, như giày, dép, guốc… Ấy thế mà với ông thợ rèn thì cái dao để têm trầu cũng không có, còn ông thợ giày suốt ngày phải đi chân đất mới lạ chứ.
"Nhà hàng săng chết bó chiếu", tức là "nhà bán đồ mai táng (săng: quan tài) cho người khác, nhưng đến khi họ chết thì lại phải quàn thi hài bằng chiếu đem chôn (bó chiếu là trường hợp chỉ xảy ra với những người quá nghèo khổ, hoặc hoàn cảnh đặc biệt không cho phép, chiến tranh chẳng hạn)…
Những tình huống được coi là trớ trêu, ngược với lẽ thường như thế vẫn xảy ra trong cuộc sống. Người đi chợ, mở cửa hàng phải chọn lựa những sản phẩm tốt nhất (chất lượng, đẹp, bắt mắt) thì mới có cơ hội cạnh tranh. Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản ra nước ngoài: Lúa gạo, hoa quả (chôm chôm, dưa hấu, thanh long, sầu riêng, vải thiều, nhãn lồng,…). Những sản phẩm này phải đạt tiêu chuẩn quốc tế (về chất lượng và an toàn thực phẩm) thì mới được chấp nhận. Dĩ nhiên, nhiều sản phẩm chưa thật sự đủ tiêu chuẩn (khiếm khuyết một mặt nào đó theo tiêu chuẩn quốc tế) thì lấy cái "của nhà làm ra" mà tiêu dùng cho đỡ phí…
Đấy chính là một giải pháp tình huống, thể hiện cách ứng xử hợp lý, hợp lẽ của người đời: Bán sản phẩm đáng giá, được tiền, quay về tận dụng các sản phẩm chất lượng chưa đạt, tiết kiệm, vẹn cả đôi đường.
Chân không đi đất đã sao
Mang giày đẹp bán giá cao kiếm lời
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất